Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Viện hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện thành công ghép tế bào gốc tự thân

Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Người bệnh được ghép tế bào gốc là ông Trần Văn H (50 tuổi, ở thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), ông H. được chẩn đoán đa u tuỷ xương (giai đoạn 3) từ tháng 9/2021.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW và các chuyên gia của Viện trực tiếp về làm việc tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong quá trình chuẩn bị triển khai ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên (ảnh: Hoàng Kim Thành)

Trước đó, ông Trần Văn H. cảm thấy đau vùng hông thắt lưng, mức độ đau ngày càng tăng dần dẫn tới không đi lại được và kèm theo triệu chứng tê bì tay chân, gầy sút cân. Khi đi khám và làm xét nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ông được đoán bị đa u tủy xương – một bệnh máu ác tính. Sau 8 đợt điều trị hoá chất tại khoa Huyết học lâm sàng, người bệnh thấy các triệu chứng đau giảm dần, có thể tự đi lại được, tình trạng tê bì tay chân đã cải thiện rất nhiều.

Tuy nhiên với căn bệnh này, để có thể kéo dài thời gian sống không bệnh thì phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh là ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển chuyên môn, khoa học kỹ thuật mới nhằm mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã xây dựng Đề án ghép tế bào gốc tạo máu tự thân và được Bộ Y tế phê duyệt.

TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW và các chuyên gia của Viện tư vấn, khảo sát công tác chuẩn bị ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (ảnh: Hoàng Kim Thành)

Nhiều cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tham gia các khóa đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Viện và các chuyên gia của Viện cũng đã trực tiếp khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và tư vấn cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong quá trình chuẩn bị triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân.

Thực hiện truyền tế bào gốc cho người bệnh

Ngày 28/9/2023, sau khi người bệnh H đạt lui bệnh hoàn toàn, các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cùng các chuyên gia của Viện Huyết học – Truyền máu TW tiến hành ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh. Trong ghép tế bào gốc tự thân, khối tế bào gốc của người bệnh được thu gom và lưu trữ, sau đó truyền trả lại cho người bệnh khi đã kết thúc điều kiện hóa nhằm phục hồi mô tạo máu. Tế bào gốc sẽ hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm hạn chế các biến chứng có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Hiệu quả của ghép tế bào gốc tạo máu tự thân chủ yếu có được là nhờ hóa trị liều cao nhằm mục đính tiêu diệt tối đa các tế bào ác tính.

BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc đồng hành cùng các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong khi truyền tế bào gốc cho người bệnh

Trong suốt quá trình ghép, các chuyên gia của Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn theo sát diễn biến của người bệnh và tư vấn để các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chỉ định xét nghiệm, điều chỉnh thuốc kịp thời. Sau 26 ngày truyền tế bào gốc, ngày 25/10, người bệnh Trần Văn H đã được xuất viện.

BSCKI. Bùi Thị Lan, Khoa Huyết học lâm sàng, người trực tiếp điều trị người bệnh H cho biết: “Trong suốt gần 1 tháng ghép tế bào gốc, khó khăn nhất được đặt ra đối với người bệnh H là sự giảm miễn dịch với những thời điểm diễn biến rất đặc biệt. Ngày thứ 5, người bệnh có những triệu chứng về rối loạn tiêu hoá, hạ bạch cầu và giảm tiểu cầu. Đến ngày thứ 7, bạch cầu về 0, chúng tôi đã thực hiện kích bạch cầu, dùng các loại kháng sinh nâng thang, điều trị bao vây phối hợp và sử dụng các thuốc hỗ trợ đường tiêu hoá nhằm giảm các triệu chứng tổn thương về đường tiêu hoá. Đến ngày thứ 14, các triệu chứng của người bệnh đã ổn định (bạch cầu, tiểu cầu tăng lại) tế bào gốc đã mọc, các bác sỹ tiếp tục theo dõi, động viên hỗ trợ người bệnh, với chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Đến ngày thứ 26, người bệnh đã ổn định về mặt lâm sàng, các chỉ số bạch cầu, tiểu cầu ổn định, việc sinh hoạt ăn, ngủ đã trở về như người bình thường.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Hảo, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Trong gần 2 năm qua, được sự giúp đỡ của các chuyên gia, chúng tôi đã cử các kíp bác sĩ, điều dưỡng đi học tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương về kỹ thuật này. Sau 26 ngày ghép tế bào gốc và điều trị tích cực, người bệnh đã được xuất viện. Thành công này đã thể hiện được năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng của khoa khi đã làm chủ được các kỹ thuật khó và chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Đây cũng là bước tiến vô cùng quan trọng trong sự phát triển của chuyên ngành Huyết học tại Thái Nguyên”.

Với trách nhiệm của viện chuyên khoa đầu ngành, Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn sẵn sàng đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cao phù hợp với điều kiện của các bệnh viện tuyến dưới, trong đó có kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân. Trước đó, Viện Huyết học – Truyền máu TW cũng đã hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên.

Các chuyên gia của Viện khảo sát và hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân

Trương Hằng (tổng hợp theo thông tin Bệnh viện cung cấp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan