Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Viện hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện

Từ ngày 12/6 – 4/8/2023, Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức lớp chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân bệnh đa u tủy xương. Đây là hoạt động thuộc phạm vi Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc thực hiện hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tham gia khóa học gồm có các cán bộ y tế của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện TW Thái Nguyên. Trong thời gian 8 tuần, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ được học lý thuyết và hướng dẫn các quy trình ghép tế bào gốc tự thân trực tiếp tại Khoa Ghép tế bào gốc, Ngân hàng Tế bào gốc của Viện.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều người mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính có cơ hội khỏi bệnh và quay lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và đảm bảo các yêu cầu chuyên môn chặt chẽ.

Ghép tế bào gốc tự thân là hình thức ghép trong đó khối tế bào gốc của người bệnh được thu gom và lưu trữ, sau đó truyền trả lại cho người bệnh khi đã kết thúc điều kiện hóa nhằm phục hồi mô tạo máu.

Để triển khai ghép tế bào gốc tự thân cần quá trình chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt và được phối hợp thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Việc tham gia học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại Viện là hoạt động bước đầu nhằm chuẩn bị về nguồn nhân lực.

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học – Truyền máu TW, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên.

Các chuyên gia và cán bộ của Viện Huyết học – Truyền máu TW hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên (ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Trước khi triển khai, các chuyên gia của Viện đã tiến hành khảo sát, tư vấn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, hóa chất… cho quá trình ghép.

Khi tiến hành ca ghép đầu tiên, các cán bộ có kinh nghiệm của Viện sẽ trực tiếp hướng dẫn, thực hiện gạn tách tế bào gốc, truyền tế bào gốc, đồng thời theo dõi sát diễn biến của người bệnh để chỉ định xét nghiệm và điều chỉnh thuốc nhằm kịp thời xử trí các biến chứng.

TS. BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng và các cán bộ của Viện Huyết học – Truyền máu TW khảo sát, tư vấn về công tác chuẩn bị chuẩn bị cho hoạt động ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Viện Huyết học – Truyền máu TW là một trong các cơ sở uy tín hàng đầu trên toàn quốc về tế bào gốc với các mảng hoạt động chính: Tiếp nhận và lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn, xét nghiệm trước ghép và theo dõi kết quả ghép tế bào gốc, thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh lý huyết học.

Ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại Viện được triển khai từ năm 2006. Đến tháng 6/2023, Viện đã thực hiện được trên 570 ca ghép tế bào gốc tạo máu với nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.

Với trách nhiệm của viện chuyên khoa đầu ngành, Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật cao phù hợp với điều kiện của các bệnh viện tuyến dưới, trong đó có kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân; qua đó góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại nhiều khu vực trên cả nước và giúp người bệnh tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn ngay tại địa phương.

Trương Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan