Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Xử trí khi gặp tác dụng phụ trong điều trị CML

Sự ra đời của thuốc ức chế tyrosine kinase (TKIs) đặc hiệu với BCR-ABL1 có thể được xem là một thành tựu của y học ở những năm đầu của thế kỷ 21 trong cuộc chiến với ung thư. Thành tựu này mở ra cơ hội kéo dài thời gian sống gần như người bình thường và trở thành phương pháp điều trị đầu tay hiện tại cho người bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML). 

Xu tri khi gap tac dung phu trong dieu tri CML (1)

Theo các dữ liệu nghiên cứu lâm sàng nhiều năm đã chứng minh, các thuốc TKIs thường dung nạp tốt ở hầu hết người bệnh mắc CML. Người bệnh phần lớn đều đạt được đáp ứng hoàn toàn, đáp ứng sâu về mặt di truyền phân tử. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của TKIs có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, làm gián đoạn quá trình điều trị và ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị CML.

Một số tác dụng phụ của TKIs thường gặp là: 

  • Toàn thân: Mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, phù ngoại biên, rụng tóc, đau xương khớp, chuột rút…
  • Phản ứng dị ứng: Mẩn ngứa, mề đay, phát ban…
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn… 
  • Nhiễm khuẩn: Viêm loét miệng, viêm xoang, viêm mũi họng…
  • Mắt: Nhìn mờ, khô mắt, phù mí mắt, viêm kết mạc…
  • Tim mạch: Các thuốc TKIs cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh nhĩ, đau ngực
  • Máu: Thiếu máu, xuất huyết dưới da, giảm canxi, giảm kali, tăng creatinin, tăng ALT hoặc AST, tăng axit uric máu…

Xu tri khi gap tac dung phu trong dieu tri CML (2)

Mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp ở hầu hết người bệnh CML. Một số người bệnh cảm thấy mệt mỏi kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Mệt mỏi có thể do bệnh CML, do bệnh lý phối hợp hoặc do dinh dưỡng kém, thậm chí do tâm lý lo lắng, căng thẳng dẫn đến trầm cảm, mất ngủ của người bệnh gây ra. Do đó, nó thường bao gồm mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, khi gặp mệt mỏi kéo dài, người bệnh cần chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải cho bác sĩ để tìm nguyên nhân. Từ đó giải quyết các nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn là triệu chứng rất thường gặp trên lâm sàng ở đa số người bệnh CML được điều trị bằng TKIs. Triệu chứng này làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Nguyên nhân gây ra nôn, buồn nôn có thể do tác dụng phụ của thuốc, do tâm lý người bệnh, do ngộ độc hoặc do các bệnh lý phối hợp như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích…

Điều trị buồn nôn, nôn bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng. Điều trị triệu chứng buồn nôn, nôn có nhiều cách như:

  • Chia nhỏ bữa ăn,
  • Uống bổ sung nước điện giải nếu nôn nhiều,
  • Tránh ăn thức ăn chậm tiêu, nhiều dầu mỡ…
  • Dùng các loại thảo dược như ngậm gừng, sả, vỏ quýt…
  • Sử dụng thuốc chống nôn như thuốc kháng thụ thể Neurokinin 1 (NK1) như Emend, rolapittant, nhóm corticosteroids (Dexamethasone)…., nhóm kháng Dopamin (Metoclopramide), nhóm kháng thụ thể 5HT (ondansetron)….

Việc kiểm soát, điều trị buồn nôn và nôn một cách hiệu quả rất quan trong nhằm khắc phục sự khó chịu ở người bệnh CML, tăng tính tuân thủ điều trị khi đang điều trị TKIs. Vì vậy, nếu người bệnh bị nôn nhiều, không nên tự ý bỏ thuốc, cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn.

Viêm loét miệng 

Viêm loét miệng hay còn có tên gọi khác là nhiệt miệng, là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc trong khoang miệng, lưỡi, nướu răng, gây nên đau, nhất là khi ăn uống, nói chuyện, nuốt nước bọt… làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Các yếu tố nguy cơ làm tăng viêm niêm mạc miệng như: tuổi cao, vệ sinh răng miệng kém, có răng giả… 

Viêm niêm mạc miệng được phân chia làm 4 mức độ:

  • Mức độ 1 – 2 thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, thường hồi phục bằng các thuốc súc miệng và bôi tại chỗ.
  • Mức độ 3 – 4 gây đau nhiều ảnh hưởng đến ăn uống, thậm chí đe dọa đến tính mạng. 

Để phòng ngừa và giảm viêm niêm mạc miệng, người bệnh nên ăn các thức ăn mềm và nhạt, hạn chế gia vị cay, nóng, chua. Đồng thời, người bệnh tăng cường vệ sinh răng miệng, đánh răng bằng bàn chải lông mềm, sử dụng nước súc miệng không chứa cồn… Người bệnh cần gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh tổn thương lan rộng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị sớm khi vết loét lớn trên 1 cm hoặc vết loét lan rộng, vết loét tái diễn nhiều lần, loét miệng thường xuyên hoặc kéo dài, dai dẳng trên 2 tuần.

Tiêu chảy

Tiêu chảy cũng là tác dụng không mong muốn phổ biến khi điều trị các thuốc TKIs. Khi gặp tiêu chảy trong quá trình điều trị TKIs, cần loại trừ các nguyên nhân khác gây tiêu chảy như do chế độ ăn, bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa… để điều trị kịp thời. Đa số các trường hợp tiêu chảy do tác dụng phụ của TKIs thường nhẹ. Người bệnh vẫn được khuyến cáo tiếp tục điều trị TKIs, điều trị phối hợp Loperamid và bổ sung thêm đủ nước và điện giải như uống dung dịch Oresol, truyền dịch… để tránh tình trạng rối loạn nước điện giải. Với trường hợp bị tiêu chảy nặng cần ngừng hoặc giảm liều thuốc TKIs và nhập viện để đánh giá lại cũng như điều trị các rối loạn do tiêu chảy gây ra.

Phát ban da

Phát ban da đã được báo cáo với imatinib, bosutinib, ponatinib. Phát ban da thường xuất hiện trong vòng 4 tuần đầu tiên sau khi bắt đầu dùng thuốc, vị trí thường ở các vùng tiết bã bao gồm mặt (đặc biệt là mũi, má, trán, cằm), da đầu, vai và thân trên, ít gặp hơn ở các chi. Các ban da thường là ban vô trùng, tuy nhiên nếu để muộn, vệ sinh không tốt có thể xảy ra bội nhiễm.

Phát ban da được chia thành 4 mức độ. Đa số thường gặp ở mức độ nhẹ (độ 1 – 2), khi đó người bệnh vẫn tiếp tục duy trì thuốc TKIs và điều trị chủ yếu bằng các thuốc bôi tại chỗ như corticoid, kháng histamin, kem kháng sinh. Có thể cân nhắc bổ sung thêm các thuốc kháng sinh đường uống. Nếu không được xử trí sớm, phát ban da có thể tiến triển nặng thành độ 3 – 4. Vì vậy, người bệnh cần thông báo sớm cho bác sĩ điều trị khi có những thay đổi bất thường trên da để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng làm trì hoãn điều trị.

Kết luận

Các tác dụng không mong muốn khi điều trị CML bằng thuốc TKIs có thể gặp ở bất kỳ người bệnh nào, mặc dù thường ở mức độ nhẹ và cải thiện nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, có thể xảy ra các biến chứng nặng làm trì hoãn điều trị, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí sớm. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi và liên hệ ngay với bác sĩ khi phát hiện những dấu hiệu bất thường để được hỗ trợ kịp thời.

ThS.BS. Vũ Thị Nhung

Khoa điều trị hóa chất

Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tài liệu tham khảo:

1. Managing Cancer-related Side Effects www.cancer.org/cancer/managing-cancer/side- effects.html  

2. National Comprehensive Cancer Network, Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®), Chronic Myeloid Leukemia, Version 1.2025- August 8.2024

3. Kavanagh S, Nee A, Lipton JH. Emerging alternatives to tyrosine kinase inhibitors for treating chronic myeloid leukemia. Expert Opin Emerg Drugs. 2018;23(1):51-62.

4. National Comprehensive Cancer Network, Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®), Chronic Myeloid Leukemia, Version 4.2018 — January 24, 2018.

5. Cortes J, Hochhaus A, Hughes T, Kantarjian H. First-line and salvage therapy with tyrosine kinase inhibitors and other treatments in chronic myeloid leukemia. J Clin Oncol . 2011 Feb 10;29(5):524-531. Epub 2011 Jan 10.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan