Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những lá cờ Trường Sa

(Cảm nhận về chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa tháng 4/2017) 
“Giữa đảo xa, lá cờ bạc nắng gió” câu hát trong ca khúc Bâng khuâng Trường Sa, nhạc Lê Đức Hùng, phỏng thơ Nguyễn Thế Kỷ cứ vang mãi trong tôi sau chuyến công tác Trường Sa. Lá cờ mang bóng hình đất nước, lá cờ đánh dấu mốc chủ quyền quốc gia. Thật ý nghĩa và thiêng liêng khi được ngắm nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trong nắng và gió trên Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Lá cờ bay trên cột mốc chủ quyền tại đảo Song Tử Tây
Tôi may mắn được tham gia nhóm công tác của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong đoàn công tác số 6 – 2017 của Quân chủng Hải Quân đi thực hiện công tác chuyên môn về triển khai công tác an toàn truyền máu trong khuôn khổ chuyến thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Đoàn công tác của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương do GS.TS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng làm trưởng đoàn và 9 thành viên khác được phân công thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác nhau. Chúng tôi xuất phát lúc 08:00  từ cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/4/2017. Ngoài nhiệm vụ chính là xây dựng Ngân hàng máu sống từ lực lượng hiến máu dự bị  thực chất, hiệu quả và bền vững, chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động khác của toàn đoàn với các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn mà chúng tôi đến thăm như văn nghệ, chụp ảnh, tặng quà, … Rất may cho chúng tôi, buổi tối trước hôm  xuống tầu, có một ý kiến tư vấn vô cùng ý nghĩa và kịp thời về món quà mà mỗi người khi đi thăm Trường Sa đều mong muốn có được, đó là lá cờ tổ quốc đã nhuốm màu sương gió của Trường Sa. Đoàn chúng tôi đã kịp chuẩn bị 12 lá cờ tổ quốc chưa sử dụng để mong muốn đổi các lá cờ cũ đã bạc mầu cho các chiến sĩ trên các đảo của Trường Sa. Tôi được phân công nhiệm vụ quan trọng và khó  khăn này. Quan trọng bởi vì cơ hội chỉ có một lần, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không có điều kiện để làm lại, khó khăn bởi vì làm sao để có thể có được mỗi đảo một lá cờ và mỗi thành viên trong đoàn đều có được món quà vô cùng ý nghĩa này.  
Lãnh đạo đơn vị Hải quân ký tặng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trên lá cờ Tổ quốc
Hòn đảo đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến là Đảo Song Tử Tây, đảo nằm cách bờ biển tỉnh Khánh Hòa khoảng 300 hải lý về phía Đông Nam. Đảo là một trong 3 xã của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Khi lên Đảo, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng về vẻ đẹp, sức sống và vai trò của đảo trong việc hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho quân và dân trên đảo vị ngọt ngào, chân chất của đất liền để bù lại sự hung dữ, táo tợn của những con sóng mạnh dội vào đảo không ngớt khi mùa bão đến. Đó là trên đảo có nhiều nước lợ, thuận lợi cho việc sinh hoạt và tưới cây. Đảo có đủ điều kiện để nuôi được bò, lợn, gà và trồng được nhiều rau xanh các loại. Mầu xanh của cây cối và rau cỏ tươi tốt bốn mùa. Đặc sản của đảo có cây sâm đất, quân và dân ta thường dung làm nước uống. Trên đảo, bên cạnh các đơn vị quân đội còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: nhà văn hóa, chùa, tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, trường tiểu học, trạm khí tượng thủy văn của Nam Trung Bộ. Đặc biệt, âu tầu của đảo với sức chứa hàng trăm tầu cá công suất lớn có thể neo đậu an toàn. Đây là địa chỉ an toàn, tin cậy cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ tại khu vực quần đảo Trường Sa. Đảo còn có một trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp nước ngọt miễn phí và dầu diezen cho tầu cá của ngư dân với giá như trong đất liền. 
GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng tiếp nhận lá cờ Tổ quốc từ tay của Chỉ huy Đảo
Hàng loạt các công việc được toàn đoàn công tác triển khai thực hiện trên đảo như: chào cờ, duyệt đội ngũ, dâng hương tại tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, thắp hương tại chùa của Đảo Song Tử Tây, xét nghiệm nhóm máu và các bệnh nhiễm trùng để xây dựng Ngân hàng máu sống, nghe báo cáo hoạt động của Đảo, tặng quà cho Cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo. Sau khi tham gia các hoạt động của toàn đoàn, tôi liền nhanh chóng đi về tòa nhà của ban chỉ huy đảo. Tại phòng làm việc của chỉ huy trưởng đảo, sau khi chào hỏi, giới thiệu về cơ quan và bản thân, tôi đề xuất với đồng chỉ chỉ huy đảo về việc mong muốn có được một lá cờ tổ quốc đã sử dụng trên đảo để làm kỷ niệm cho đoàn và xin được đổi lá cờ tổ quốc mới chưa sử dụng. Đồng chí chỉ huy trưởng đảo vui vẻ nhận lời và đề nghị với đồng chí Chính trị viên của đảo đi tìm một là cờ tổ quốc đã sử dụng rồi ký tên và đóng dấu của đảo đưa cho tôi. Thật vui mừng hết sức, thế là tôi đã hoàn thành được một phần công việc bước đầu. Nhưng khó khăn bắt đầu đến khi ở đảo tiếp theo (Đảo Đá Nam), khi thấy đoàn Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương xin được lá cờ cũ làm kỷ niệm, một món quà quá ý nghĩa của Trường Sa, các đoàn khác và nhiều cá nhân cũng đề xuất có được món quà như vậy.  Tại một số đảo nhỏ (đảo chìm) và các đảo khác, tôi phải đề xuất với GS. Trí trưởng đoàn khi tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì trao đổi luôn với Chỉ huy trưởng của Đảo về mong muốn của đoàn để cho chắc chắn. Chính nhờ sự đề xuất kịp thời đó của giáo sư viện trưởng, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra ban đầu, Viện được tặng hai lá cờ thuộc hai loại hình là cờ của đảo Trường Sa lớn và cờ của nhà giàn DK1-11. Mỗi thành viên của đoàn được tặng một lá cờ cũ ở nhiều cấp độ, kích thước, mầu sắc, độ nguyên vẹn và ở mỗi đảo khác nhau. 
Tuy có sự khác nhau như vậy nhưng một nét chung nhất mà mỗi lá cờ tổ quốc đã sử dụng đều nhuốm màu nắng-gió Trường Sa, đều mang trong mình hình ảnh Trường Sa thân  yêu, mảnh đất thiêng liêng và hiên ngang nơi cực đông của tổ quốc.                   
Bài: Nguyễn Triệu Vân, Ảnh: Nguyễn Văn Nhữ                          
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!