Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

27/2: Chuyện về “người thân” của người bệnh

Thật ấm lòng khi có ai đó chân thành đưa tay cho chúng ta nắm lấy trong lúc đang chơi vơi giữa cuộc đời. Hay đôi khi chỉ là một câu nói đơn giản cũng giúp sưởi ấm những tâm hồn.
– Chị ơi, chị nhìn em pha thuốc nhé.
– Ngoài trời đang mưa, bà đi cẩn thận không lại ướt.
– Em cố gắng ăn uống khoẻ để sớm được ra viện nhé.
Chúng tôi được lắng nghe những lời dặn dò gần gũi đó của người điều dưỡng tên Tú tại Khoa Điều trị hóa chất qua lời kể của người bệnh. Sự quan tâm như chính người thân đang bên cạnh động viên họ khiến chúng tôi thật sự xúc động.
Nằm trên tầng 7, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, khoa Điều trị hóa chất là đơn vị điều trị cho những người mang căn bệnh máu ác tính. Chứng kiến những bác sĩ, điều dưỡng viên tất bật từng giờ với công việc điều trị, chăm sóc cho một lượng lớn người bệnh hiểm nghèo, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn tấm lòng của người thầy thuốc với người bệnh. Những công việc tưởng chừng đơn giản như truyền thuốc cũng được tính toán kỹ càng theo giờ hay từng chi tiết của việc truyền máu cho người bệnh được thực hiện tỉ mỉ.
Người bệnh ở khoa Điều trị hóa chất hầu hết mắc bệnh máu hiểm nghèo nhất trong nhóm các bệnh máu. Bởi vậy, nhiều người bệnh mang tâm trạng chán nản, bế tắc. Hằng ngày, các điều dưỡng tiếp xúc với người bệnh nặng, công việc căng thẳng. Bên cạnh những người bệnh có tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu kiên cường thì nhiều người khi xác định đây là giai đoạn cuối nên tỏ ra chán nản, bế tắc. Những lúc như vậy, sự niềm nở, ân cần chăm sóc của người điều dưỡng giúp người bệnh vơi bớt gánh nặng tinh thần.
Chúng tôi tìm gặp chị Tú để hiểu hơn về tấm lòng của người bệnh dành cho người điều dưỡng ấy. Chia sẻ về việc làm nhỏ bé đó, chị Tú – điều dưỡng viên khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nói: “Bởi khi đặt mình vào hoàn cảnh là người bệnh, người điều dưỡng càng thấu hiểu những gian nan trên con đường chế ngự căn bệnh hiểm nghèo”.
Ghi phiếu chăm sóc người bệnh là một trong những công việc hằng ngày của điều dưỡng viên
Là một trong những người đã làm công việc điều dưỡng trong nhiều năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú đã có hơn 10 năm công tác tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và hơn 2 năm nay, chị Tú đã gắn bó với công việc tại khoa Điều trị hóa chất. Cũng như nhiều đồng nghiệp, chị chuẩn bị cho ngày mới từ rất sớm để đúng 7 giờ 30 phút mỗi sáng, bắt đầu một ngày mới làm được nhiều việc ý nghĩa và hiệu quả.
Mặc dù công việc luôn tất bận, bận rộn, có những áp lực nghề nghiệp nhưng điều đó không phải là trở ngại vì ở người điều dưỡng luôn có sự đam mê, tâm huyết với nghề. “Nếu chỉ nghĩ rằng làm cho xong thì làm bất kể việc gì cũng thấy buồn chán. Khi đặt sự đam mê vào trong công việc thì mọi thứ đều hoàn thành tốt, kể cả việc cơ quan hay ở gia đình.” – chị Tú tâm sự. Tấm lòng với công việc, với người bệnh của nhiều điều dưỡng viên của khoa Điều trị hóa chất như chị Tú luôn được người bệnh cảm kích, tin tưởng như những người thân thiết.
Kiểm tra dây truyền cho người bệnh
Tìm đến một người thấu hiểu công việc của tất cả các điều dưỡng tại khoa, chị Nguyễn Thị Hoa Yên – Điều dưỡng trưởng khoa Điều trị hóa chất đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của chị Tú trong công việc. “Tú là điều dưỡng làm việc lâu năm, đã công tác tại nhiều khoa, rất có trách nhiệm trong công việc, nắm rõ quy trình chuyên môn. Với người bệnh rất nhẹ nhàng, đối với đồng nghiệp thì hài hòa trong ứng xử.” – chị Hoa Yên nhận xét.
Chia sẻ thêm về tâm lý của người bệnh tại khoa, chị Hoa Yên – nói: “Người bệnh mới vào điều trị thường rất sốc, tâm lý chán nản, bi quan. Khi đó tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đều an ủi, động viên để người bệnh yên tâm vào phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để phối hợp với người nhà cùng giúp đỡ về tâm lý cho người bệnh.”
“Dù là điều dưỡng mới bước chân vào nghề hay đã công tác lâu năm, hãy yêu ngành nghề mình đã chọn, yêu thương người bệnh và có trách nhiệm với công việc mình đang làm. Khi thực hiện tốt quy trình chuyên môn, kỹ thuật và đạo đức của người điều dưỡng thì công việc của các bạn sẽ càng hoàn thiện hơn.” Đó cũng là lời gửi gắm của chị Hoa Yên đến những đồng nghiệp của mình.
Khi nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao, hệ thống y tế ngày càng phát triển, điều dưỡng viên đòi hỏi có nhiều kỹ năng toàn diện như giao tiếp, ứng xử, tác phong ngoại hình, trình độ ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học để đáp ứng được yêu cầu công việc. Đối với những người bệnh mang căn bệnh máu ác tính, tấm lòng bao dung, nhân hậu người điều dưỡng trở thành chỗ dựa tinh thần vững vàng cho người bệnh.

Lịch sử ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ trách nhiệm của cán bộ y tế là “Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng!”.

Từ đó, ngày 27/2 được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế và là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

Trong suốt quá trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ y bác sỹ của Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn không ngừng nỗ lực để thực hiện theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 P. H.
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!