Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Ông bố trẻ trải lòng về 7 năm ròng cùng con chiến đấu với ung thư

Với những trường hợp ung thư khởi phát lúc trẻ còn quá ít tuổi, có lẽ chính các ông bố, bà mẹ mới là người đầu tiên bước vào cuộc chiến với căn bệnh nan y này.

Thành công trong điều trị ung thư không chỉ là kéo dài thời gian sống, mà còn là tăng cường chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, bởi thứ cần chữa trị không chỉ là khối u quái ác họ mang trong người, mà còn là tâm lý đang bị đè nặng bởi những lo âu, stress khi biết mình mắc căn bệnh nan y.

Được tiếp xúc với càng nhiều bệnh nhân ung thư, chúng tôi lại càng nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của “liều thuốc tinh thần” trong cuộc chiến đặc biệt này.

 

Hai bố con anh Đang tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Gặp bé V.M.Đ và bố tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào một buổi trưa tháng 7, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về họ là sự tươi vui đến bất ngờ. Thậm chí, nếu không được nhân viên y tế giới thiệu, thật khó để nghĩ rằng, bé Đ. là một bệnh nhân mắc ung thư máu suốt 7 năm nay.

Cuộc trò chuyện kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ sau đó đã khiến chúng tôi vỡ lẽ: Sự lạc quan trước căn bệnh nan y của bố con bé Đ. không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình dài, với rất nhiều sự cố gắng, thậm chí là đánh đổi của tất cả thành viên trong gia đình nhỏ này.

Suy sụp tinh thần suốt 1 tháng trời khi biết con mắc ung thư

Với những trường hợp ung thư khởi phát lúc trẻ còn quá ít tuổi, có lẽ chính các ông bố, bà mẹ mới là người đầu tiên bước vào cuộc chiến với căn bệnh nan y này, và trường hợp của gia đình bé Đ. cũng không phải là ngoại lệ.

Phòng 603, Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nơi bé V.M.Đ đang điều trị bệnh ung thư máu

Năm 2013, Đ. bất ngờ bị ngã trật khớp cổ chân khi đang học ở lớp mẫu giáo lớn. Chấn thương không nặng nên bé Đ. chỉ phải bó bột nửa tháng. Tuy nhiều, khi được bác sĩ chẩn đoán đã hồi phục hoàn toàn thì cậu bé này vẫn có hiện tượng đau nhức ở chân khi đi lại.

Bố mẹ đưa Đ. đi khám từ bệnh viện quận đến thành phố vẫn chưa thể kết luận được tình trạng của em, chỉ đến khi thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình mới biết Đ. bị ung thư máu.

Đã 7 năm trôi qua nhưng kí ức về ngày được bác sĩ thông báo con mình mắc ung thư máu vẫn hằn sâu trong tâm trí của anh Đăng (bố bé Đ.): “Biết tin con mắc bệnh hiểm nghèo, tôi và vợ như sụp đổ hoàn toàn. Suốt 1 tháng trời sau đó, chúng tôi đều như rơi vào trạng thái trầm cảm. Trong lòng nặng trĩu. Nhiều khi nhìn thấy con ngây thơ không biết về căn bệnh mình mang trong người, mà tôi và vợ chảy nước mắt”.

Nguồn động lực từ chính những người đồng cảnh ngộ

Theo lời bộc bạch của anh Đăng, điều may mắn nhất lúc đó có lẽ là việc cả 2 vợ chồng dù tinh thần suy sụp, nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo, để không đặt niềm tin sai chỗ trong cuộc chiến cùng con chống lại căn bệnh nan y này.

Ngay sau khi Đ. được chẩn đoán mắc ung thư máu, anh Đăng và vợ đồng ý theo tư vấn của bác sĩ chuyển bé sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để tiến hành điều trị. Cũng chính tại nơi đây đã đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong suy nghĩ của 2 vị phụ huynh có con mắc bệnh hiểm nghèo.

Anh Đăng – Bố của bé V.M.Đ đã 7 năm ròng cùng con chiến đấu với bệnh ung thư máu

Ông bố này kể với chúng tôi: “Trong phòng bệnh của Đ. còn có nhiều cháu bé khác cũng mắc bệnh ung thư máu. Suốt thời gian ở lại đây chăm cháu truyền hóa chất, chúng tôi được nghe những câu chuyện từ chính những ông bố, bà mẹ cùng cảnh ngộ với mình. Ngược lại, tôi và vợ cũng có thể trút bầu tâm sự với những con người thấu hiểu mình nhất. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã vực dậy tinh thần và tự hứa với lòng mình phải trở thành những người đồng hành tốt nhất có thể, trên cuộc hành trình rất nhiều chông gai sắp tới của con”.

Chống ung thư: Cuộc chiến của cả gia đình

Khẽ quay sang nhìn cậu con trai đang nằm trên giường vì vừa phải chọc tủy chưa thể đi lại, anh Đăng lại tiếp tục mạch chuyện: “7 năm ròng cùng con đối mặt với ung thư, bài học lớn nhất mà vợ chồng tôi có được chính là biết chấp nhận số phận và tìm cách thích nghi với nó”.

Thật vậy, từ ngày cậu con trai cả mắc bệnh ung thư, cuộc sống của gia đình đã thay đổi 180 độ. Với đặc thù của bệnh ung thư máu, cứ 1-2 tháng, Đ. lại phải đi viện nên để tiện cho việc điều trị của bé, cả nhà đã quyết định chuyển lên Hà Nội sinh sống.

Là người nhận nhiệm vụ chính trong việc trông nom Đ. trong thời gian điều trị bệnh, mẹ của bé cũng đã thay đổi công việc, để thích nghi với hoàn cảnh 1 tháng có thể phải ở lại bệnh viện đến 20 ngày.

Đ. còn có 1 cậu em trai năm nay chỉ mới học mẫu giáo. Mỗi đợt Đ. phải vào bệnh viện điều trị, bà ngoại ở Quảng Ninh lại nhận nhiệm vụ xuống Hà Nội trông nom cháu út.

Về phần anh Đăng, vì là trụ cột trong gia đình, vợ lại phải dành nhiều thời gian để chăm sóc con, nên gánh nặng kinh tế đặt lên vai người đàn ông này là rất lớn. 7 năm cùng con chiến đấu với bệnh tật cũng là ngần ấy thời gian anh phải “làm việc bằng hai” để dành cho con những điều tốt nhất.

Ông bố này mỉm cười: “Chúng tôi phải học cách thay đổi và cũng đã phải đánh đổi nhiều thứ để thích nghi với nếp sống mới này. Đương nhiên, cả gia đình ai cũng vất vả hơn nhưng nhìn thằng bé vui vẻ, hồn nhiên và có một cuộc sống không thua kém gì bạn bè đồng trang lứa: Sau những đợt truyền hóa chất, cháu nó lại được đến trường để học tập, vui chơi với bè bạn, được đi du lịch hè… là nguồn động viên lớn nhất với người lớn chúng tôi, để tiếp tục cố gắng trong cuộc chiến này”.

Theo Báo Dân trí

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan