Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Đi viện có gì vui?

Trong suy nghĩ của phần lớn mọi người, đi bệnh viện thường là điều gì đó to lớn, nghiêm trọng. Cuộc sống ở bệnh viện là chuỗi ngày điều trị nhàm chán bên giường bệnh, mùi thuốc nồng nặc hay mũi kim đáng sợ, máu me…???

Nhưng đối với bệnh nhân thalassemia – tan máu bẩm sinh thì sao? Hàng tháng, chúng tôi lại dành 15 ngày lên viện truyền máu và thải sắt, một năm có trung bình 6,7 lần và có nghĩa là chúng tôi dành một phần hai thời gian của cuộc đời để đến viện cải thiện sức khỏe!

Chúng tôi đã quen thuộc với bệnh viện từ khi còn là những cô bé, cậu bé, cho nên chúng tôi có cái nhìn khác về nó. Thay vì cảm thấy đáng sợ thì chúng tôi cũng đã đón nhận “Cuộc sống ở Viện” một cách niềm nở. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với thalassemia, đi viện đều đặn, điều trị tích cực!

Đối với chúng tôi thì Viện Huyết học – Truyền máu TW là ngôi nhà thứ hai, là nơi mà tôi có những niềm vui, nơi tôi lớn lên và cảm nhận cuộc sống thật đẹp từ chính những con người nơi đây. Mỗi lần đi viện là mỗi lần được gặp gỡ những con người, những cảnh đời khác nhau, tạo nên những gam màu trong bức tranh cuộc sống đầy màu sắc…

Niềm vui đầu tiên của tôi khi đến viện là được gặp lại các cô y tá bác sĩ, chào nhau bằng nụ cười và ánh mắt thân thiện:

  • Lại lên viện rồi hả con?
  • Dạo này sức khỏe thế nào rồi, có mệt không…?

Người ta vẫn hay nói, bàn tán về những bài báo giật tít trên mạng về việc bác sĩ cáu gắt với bệnh nhân, nhưng ở đây, thực sự là “Lương y như từ mẫu”. Tình cảm của các bác, các cô trong quá trình điều trị càng khiến chúng tôi nhận ra bên cạnh những khó khăn của bệnh tật, vẫn luôn có tình yêu thương của các y bác sĩ và tôi nhận thấy tình người càng trở nên gắn bó và gần gũi làm sao!

Niềm vui những ngày ở viện là được gặp các bạn đồng trang lứa, cũng là bệnh nhân nên chúng tôi thấu hiểu cảm giác của nhau đã từng trải qua như thế nào, càng cảm thấy đồng cảm và tin tưởng nhau hơn.

Nơi đây, chúng tôi được trải lòng tâm sự và được lắng nghe, rồi lại cùng nhau cố gắng, động viên nhau trong cuộc sống. Niềm vui là những ngày được cùng nhau ăn một món yêu thích, cùng đi dạo quanh viện và nói cho nhau nghe về tình yêu, về gia đình, mua giúp nhau một suất cơm, giúp đỡ nhau khi quá mệt bởi phần lớn chúng tôi đều không có người nhà đưa đi viện; Hay đơn giản là những đêm cùng nhau ngủ chung giường bệnh, thức dậy chung một giờ…

Hay khi được nhìn thấy những em thơ tập tô, học chữ miệt mài với đôi tay nhỏ bé gắn liền với kim tiêm và bịch máu đang truyền, vui chơi, học làm y tá đi tiêm, giả làm bác sĩ đi khám… rồi nở nụ cười ngây ngô rạng rỡ tựa như những thiên thần. Hạnh phúc hơn nữa là được dạy các bé học, chơi cùng các bé trên chiếc giường bệnh, kể cho chúng nghe câu chuyện cổ tích, để rồi thấy ánh mắt chúng sáng như những vì sao, cười tươi như đóa hoa hồng. Chỉ những điều đó thôi cũng đủ lòng ta cảm thấy an nhiên. Niềm vui nhiều lúc thật đơn giản, đó là thấy người khác vui, tự khắc trái tim ta cũng được hân hoan mừng rỡ.

Còn cả những khi tay cắm kim truyền ngồi nghe các bà, các mẹ tâm sự về nỗi lòng của người mẹ, kể về lần mang con đi viện, con khóc, con quấy, hay là khi tìm tòi khắp các nơi chữa trị bệnh, kiếm những đồ ăn bổ dưỡng cho con ăn quên đi bệnh tật. Hoặc câu chuyện về ngày tháng chăm con trên viện, thương con như nào rồi mạnh mẽ ra sao… Tôi thật sự cảm động trước tình mẫu tử, mỗi bà mẹ có cách quan tâm, chăm sóc con cái khác nhau, nhưng chung quy lại thì đều có một tình yêu vô bờ bến dành cho con…

Niềm vui cũng là những buổi chiều, các ông, các chú kể về tháng ngày đi lính, tình yêu thời thanh niên gắn liền với tình yêu đất nước, truyền đạt kinh nghiệm, dặn dò chúng chuyện mai sau, phải trưởng thành như thế nào, vượt qua bệnh tật để học hỏi và vươn lên sống ra sao…

Người ta nói “Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ngay trong tim chúng ta” và có lẽ niềm vui cũng vậy, nó không phải trên trời cao, hay xa xôi đâu cả, luôn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày.

Và đối với một người bệnh nhân như tôi, niềm vui đến viện là được lắng nghe, được cảm nhận từ những con người nơi đây, từ các cô điều dưỡng, bác sĩ, cho đến bệnh nhân là trẻ thơ, người già, người trẻ. Tất cả đều có thể mang lại những điều thú vị. Cách tạo ra niềm vui đó là cảm nhận từ những điều giản dị trong cuộc sống…!

Nguyễn Thị Thơ (Điều trị tại Trung tâm Thalassemia)

Ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan