Lợi ích của việc ăn uống đầy đủ đối với người bệnh máu ác tính
Người bệnh bệnh máu ác tính có thể thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết trước, trong và sau giai đoạn điều trị bằng hóa chất. Do đó, một chế độ ăn uống đầy đủ sẽ giúp các tế bào máu của cơ thể nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết để tiếp tục tái tạo, tăng cường hệ miễn dịch để phục hồi cơ thể.
Trong bài viết dưới đây, ThS. Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sẽ có những lời khuyên dinh dưỡng nhằm giúp người bệnh hạn chế những tác dụng phụ do truyền hóa chất và nâng cao sức khỏe, thể trạng để tiếp tục điều trị lâu dài.
ThS. Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn cho người bệnh bệnh máu ác tính, người chăm sóc về chế độ ăn cho người bệnh trước, trong và sau điều trị hóa chất.
1. Trước khi điều trị bệnh máu ác tính, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có lợi như thế nào?
Một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý trước khi bước vào lộ trình điều trị bệnh là vô cùng cần thiết, điều này giúp:
- Ăn tốt giúp người bệnh có tâm trạng tốt, cải thiện được giấc ngủ.
- Tăng nguồn dự trữ năng lượng cho cơ thể, ngăn ngừa mất cơ, giảm cân trong quá trình điều trị.
- Có khả năng chống nhiễm trùng tốt hơn.
- Đối mặt tốt hơn với các tác dụng phụ của thuốc điều trị
- Một chế độ ăn uống đa dạng, cân đối bao gồm các loại thực phẩm và chất lỏng chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng như :protein, carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước mà cơ thể cần.
Mời đọc thêm: Chế độ ăn cho người bệnh máu ác tính |
2. Trong thời gian điều trị, chế độ ăn uống đầy đủ sẽ giúp bạn
Hóa trị, xạ trị hay các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh máu ác tính không chỉ tiêu diệt các tế bào bệnh mà còn làm tổn thương các mô tế bào lành, làm hại các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, tim mạch, gan, thận… mỗi loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ khác nhau hoặc giống nhau mà gây ra các vấn đề liên quan đến ăn uống và tiêu hóa…
Vì vậy ăn uống tốt trong giai đoạn điều trị sẽ giúp:
- Thay thế các tế bào máu bệnh bằng tế bào mới khỏe mạnh.
- Cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng.
- Tiếp tục duy trì được trọng lượng của cơ thể.
- Duy trì kho dự trữ chất dinh dưỡng của cơ thể.
- Chịu đựng các tác dụng phụ của phương pháp điều trị tốt hơn.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Sửa chữa, thúc đẩy chữa lành và phục hồi nhanh hơn.
Lời khuyên hữu ích trong quá trình điều trị: Trong quá trình điều trị cơ thể người bệnh cần nhiều calo và protein hơn để duy trì cân nặng và nhanh lành bệnh. Nguồn calo chính đến từ tinh bột, đạm, chất béo. Đặc biệt cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn này để phòng tránh nhiễm khuẩn từ thực phẩm.
Làm thế nào để bệnh nhân nhận được nhiều calo và protein tốt nhất?
Nguyên tắc đầu tiên: Đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, chia nhiều bữa nhỏ, thêm các bữa phụ trong ngày. Các bữa nên cách nhau thời gian 2 giờ. Nên chọn thực phẩm giàu calo và protein có giá trị sinh học cao.
- Đảm bảo khẩu phần cân bằng giữa protein động vật và thực vật.
- Lựa chọn các loại thịt ít béo: thịt lợn nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá, tôm, cua…
- Bổ sung thêm dinh dưỡng như sữa hoặc dinh dưỡng cao năng lượng theo đường uống đối với những người bệnh ăn uống kém, suy dinh dưỡng.
Nhu cầu năng lượng cho người bệnh
- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu đạm: đối với người bệnh chưa điều trị hoá chất nhu cầu protein từ 1-1,5g/kg cân nặng/ ngày. Khi người bệnh bắt đầu điều trị hóa chất hay cấy ghép, nhu cầu protein sẽ từ 2,0 – 2,5g/kg cân nặng/ngày.
- Tinh bột: Nên chọn nhóm tinh bột lành mạnh như: các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo xay xát rối, ngô, lúa mạch, các loại khoai củ: khoai tây, khoai lang, khoai sọ…
- Chất béo: Sử dụng chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, dầu từ các loại hạt. Bổ sung thực phẩm có chứa nhiều omega3 để ngăn ngừa tình trạng mất cơ.
- Rau quả: ăn đa dạng các loại rau, nhiều màu sắc, các loại quả mọng, là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ tốt cho người bệnh Mỗi ngày nên ăn từ 400 – 500g rau, 200 – 400g quả chín.
- Lượng nước: Khuyến nghị 40ml/kg cân nặng/ngày.
- Lượng muối: dưới 6g/ngày.
Chế độ tập luyện và nghỉ ngơi
- Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc đi bộ trước mỗi bữa ăn.
- Khuyến khích bệnh nhân ăn những món yêu thích vào bất kỳ thời điểm nào.
- Để dành bữa ăn chính khi bệnh nhân cảm thấy đói nhất.
- Luôn uống đủ nước là điều rất quan trọng trong quá trình điều trị.
3. Sau thời gian điều trị, chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp
- Tránh tái phát bệnh, ngăn chặn việc giảm cân sau điều trị.
- Giúp tái tạo các mô, thúc đẩy quá trình chữa lành của cơ thể.
- Tăng trưởng các tế bào máu mới.
- Tăng cường hệ miễn dịch.
- Ngăn ngừa mất cơ.
- Tăng cường tinh thần hòa nhập lại cuộc sống.
Tuân thủ chặt chẽ chế độ dinh dưỡng bằng cách:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm từ tất cả các nhóm (protein, carbohydrate và chất béo).
- Cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ theo nhu cầu khuyến nghị.
- Thịt đỏ chỉ nên ăn từ 3-4 lần/ tuần, mỗi lần không quá 100g.
- Trứng không quá 4 quả / tuần.
- Hạn chế uống rượu, bia, cafe.
- Tránh thực phẩm nhiều đường, ăn giảm muối, áp dụng lối sống tích cực hàng ngày.
4. Vai trò của các nhóm thực phẩm trong điều trị bệnh máu ác tính
Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin giúp tăng cường miễn dịch và cải thiện tế bào máu
Trong nhóm bệnh nhân điều trị hóa chất, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng vitamin dạng thực phẩm chức năng, viên nén, mà nên bổ sung từ các nguồn thực phẩm.
* Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin D
– Vai trò chính trong việc điều chỉnh các phản ứng miễn dịch, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
– Bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 9-10h sáng mỗi ngày từ 10-15 phút.
– Các thực phẩm có chứa nhiều vitamin D như: cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng, nấm…
* Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin B
– Đối với bệnh nhân bệnh máu thì vitamin nhóm B (B6, B12) là vô cùng quan trọng, giúp tái tạo tế bào máu, hỗ trợ rất tốt cho việc chăm sóc làn da, tái tạo tóc sau điều trị.
– Tăng cường hệ miễn dịch.
– Có nhiều trong các loại cá, gan động vật, rau xanh đậm, cà chua, hạnh nhân, đậu nành…
* B9 – Acid Folic:
Là một chất rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào cũng như sự hình thành của tế bào máu, ngăn ngừa ung thư . Acid folic có nhiều trong các thực phẩm như rau lá xanh; hoa quả, đỗ hạt, lê và các loại hạt, thực phẩm lên men và thịt bò,…
* Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C
– Giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, thoái hóa khớp, béo phì, mỡ máu… )
– Kiểm soát huyết áp.
– Tăng cường khả năng miễn dịch.
– Tăng cường khả năng hấp thụ sắt.
– Đối với người bệnh mắc bệnh máu thì chúng ta lại càng cần nhóm vitamin C này để hấp thụ các chất tốt hơn.
– Vitamin C rất dồi dào trong súp lơ, quả bưởi, kiwi, trái cây có múi …
Nhóm thực phẩm chứa nhiều vi chất
* Sắt
– Sắt là một vi chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết để tái tạo các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
– Sắt có nhiều trong gan động vật, rau cải, hạt đỗ, trứng, lạc…
* Kẽm
– Có khả năng chống viêm, làm vết thương nhanh lành.
– Hỗ trợ quá trình tái tạo collagen, sửa chữa ADN.
– Kẽm có nhiều trong gan động vật, quả bơ, củ cải đường, các loại hạt.
* Chất béo Omega 3
– Có nhiều trong các thực phẩm cá béo, trứng, súp lơ, quả óc chó.
– Omega 3 có khả năng kháng viêm; làm tăng số lượng và tăng cường hoạt động của các tế bào máu như tiểu cầu, bạch cầu.
– Đặc biệt omega 3 giúp cải thiện Hội chứng suy mòn xảy ra trên bệnh nhân ung thư với các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và giảm cân.
Địa điểm khám, xét nghiệm máu:
1. Viện Huyết học – Truyền máu TW (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Thời gian:
2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm tại Hà Nội: Thời gian: Từ thứ 3 đến Chủ nhật (trừ thứ 2 và các ngày lễ): 8h00 – 17h00
Lưu ý: Thời gian nghỉ trưa: 12h00 – 13h30 |
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Bài viết liên quan
Tăng tiểu cầu tiên phát – Bệnh máu ác tính mạn tính có thể kiểm soát
26 Tháng Năm, 2023Tăng tiểu cầu tiên phát là bệnh máu ác tính, tiến triển mạn tính, còn được gọi là tiền ung thư máu. Mặc dù thuộc nhóm bệnh máu ác tính…
Dinh dưỡng cho người bệnh máu ác tính gặp tác dụng phụ do truyền hóa chất
06 Tháng Mười, 2022Điều trị bệnh máu ác tính bằng hóa trị có thể làm suy yếu các tế bào khỏe mạnh, đặc biệt là tế bào máu mới trong tủy xương khiến…
Chế độ ăn cho người bệnh máu ác tính
11 Tháng Ba, 2022Người bệnh mắc bệnh máu ác tính cần quan tâm tới thực đơn mỗi ngày sẽ góp phần kiểm soát bệnh tật tốt hơn, ngoài ra chế độ ăn còn…