Giọt máu quý trao người: Máu an toàn từ người khỏe mạnh
TTO – Máu an toàn là máu từ người khỏe mạnh, mỗi người đủ điều kiện sức khỏe cố gắng hiến máu 2 lần/năm, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu. Như vậy hoạt động hiến máu tình nguyện mới phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ.
Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – Ảnh: D.LIỄU.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, về ý nghĩa của việc hiến máu thường xuyên để cứu chữa người bệnh.
“Tôi vừa trải qua “cửa tử”. Bị tai nạn giao thông, tôi phải truyền đến gần 4 lít máu, các bác sĩ nói nếu không có máu, chắc chắn tôi sẽ không qua khỏi. Nhờ có giọt máu mọi người hiến tặng, tôi mới có thể quay trở lại với cuộc sống, với gia đình. Cảm ơn những người xa lạ đã cứu sống tôi” – anh Trương Công Sơn (27 tuổi, quê ở Hà Nội) chia sẻ.
Món quà cho người bệnh: 1,4 triệu đơn vị máu/năm
Theo thống kê từ Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, trong dịch COVID-19 dù công tác vận động và tiếp nhận máu gặp nhiều khó khăn, nhưng lượng máu tiếp nhận năm 2021 vẫn đạt 1,4 triệu đơn vị máu, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.
Tỉ lệ người hiến máu nhắc lại đạt đến 60,7%, nhưng tỉ lệ hiến máu thường xuyên (hiến máu nhắc lại và đạt ít nhất 2 lần trong năm) chỉ đạt 21,2%. Tỉ lệ này còn thấp hơn so với ở nhiều quốc gia khác.
Ông Nguyễn Hà Thanh khẳng định máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. “Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên sẽ đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị” – ông nói.
TS.BS. Bạch Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam – cũng chia sẻ những người hiến máu thường xuyên luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu.
“Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất” – ông Khánh khẳng định.
Ông mong muốn thời gian tới, cần phải đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ hiến máu thường xuyên đạt 50 – 60%. Chỉ cần ít nhất 100.000 người dân Hà Nội hiến máu 2 lần/năm sẽ tăng chất lượng, đảm bảo sự bền vững của hoạt động hiến máu tình nguyện.
Giọt máu hiếm cứu người khẩn cấp
Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – Ảnh: D.LIỄU.
Tại Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm, chỉ chiếm gần 0,1% dân số (tương đương 96.000 người). Việc duy trì các câu lạc bộ nhóm máu hiếm đã kịp thời giúp cho người bệnh có nhóm máu hiếm được truyền máu an toàn khi không may phải cần đến máu.
Anh Trần Sách Minh – trưởng nhóm máu hiếm B Rh(D) âm khu vực miền Bắc – chia sẻ, nhóm máu hiếm chiếm tỉ lệ nhỏ trong cộng đồng nên trong tình huống khẩn cấp người cùng nhóm máu hiếm cấp cứu cần máu thì các thành viên câu lạc bộ sẵn sàng lên đường.
“Thậm chí các thành viên nhóm máu hiếm còn… tranh nhau để được hiến máu. Nếu ai không đến kịp hoặc không đủ điều kiện hiến máu phải ra về thì tiếc hùi hụi” – anh Minh nói.
Gần đây nhất, dịp tháng 10 – 2022, anh Nguyễn Hồng Quân (21 tuổi, Hà Nội) đã vượt 40km trong đêm để hiến tiểu cầu nhóm máu hiếm O Rh(D) âm cho người bệnh.
“Đọc được thông báo trong nhóm cần gấp một đơn vị tiểu cầu, dù đã muộn, nhà xa, sáng hôm sau lại phải đi thi sớm, nhưng với suy nghĩ cứu người thì phải đi chứ. Khi biết được tiểu cầu của mình giúp được một bệnh nhi đang điều trị bệnh về máu, mình rất hạnh phúc” – Quân bộc bạch.
Không giấu được xúc động vì con được tiểu cầu từ người hiến tặng, chị Giang (mẹ bé L.B.C) đang điều trị ung thư máu, cho biết con mang nhóm máu hiếm nên lần nào cũng phải chờ máu, chờ tiểu cầu đến vài ngày và chỉ được 1 đơn vị.
Chị chia sẻ, vì máu hiếm không sẵn có nên bác sĩ vẫn dặn gia đình gần đến ngày con nhập viện thì liên hệ trước để bệnh viện kịp thời huy động người hiến máu nhóm hiếm.
“Lần này dù chưa đến hẹn tái khám, nhưng con bị chảy máu không cầm được do tiểu cầu giảm. Tôi rất biết ơn tới các bạn đã hiến máu cho con” – người mẹ bày tỏ.
Hãy liên hệ với viện khi cần máu Nhiều trường hợp khác do quá lo lắng về nhóm máu hiếm, nên dù người bệnh chưa cần truyền máu, nhưng người nhà hoặc bạn bè cũng đăng thông tin lên mạng xã hội. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết khi cần máu người bệnh hoặc người nhà cần liên hệ với bệnh viện đang điều trị để được sự hỗ trợ. Khi nhận được thông tin cần máu từ bệnh viện, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sẽ cung cấp cho người bệnh. “Nếu ngay cả dự trữ của viện cũng không đáp ứng, viện sẽ hỗ trợ huy động người hiến máu phù hợp đúng số lượng chế phẩm mà người bệnh cần. Chúng tôi không khuyến khích người dân đăng tải thông tin lên mạng xã hội vì khó nhắm đích tới người hiến máu nhóm hiếm, lại gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng”, đại diện Viện thông tin. |
Theo Tuổi trẻ
Bài viết liên quan
Những ưu điểm bất ngờ của App “Hiến máu”
23 Tháng Mười Hai, 2022App Hiến máu hiện nay đã trở nên phổ biến và quen thuộc trong cộng đồng người hiến máu. Với sự tiện ích và giao diện dễ sử dụng, ứng…
Năm 2022: Viện cung cấp gần 688.000 đơn vị chế phẩm máu tới 29 địa phương
23 Tháng Mười Hai, 2022Ngày 23/12/2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức Hội nghị Đảm bảo máu an toàn cho điều trị tại các cơ sở y tế khu vực…
Năm 2022: Viện Huyết học – Truyền máu TW tiếp nhận lượng máu cao nhất từ trước đến nay
15 Tháng Mười Hai, 2022PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Năm 2022, Viện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 2.600…