Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tham vấn tâm lý góp phần hỗ trợ điều trị cho người bệnh

“Em chỉ cảm thấy tủi thân khi có một người bạn hàng xóm sang nói với em là: “Nhà mày không bằng cái chuồng lợn nhà tao”. Thực sự lúc đấy em cảm thấy bản thân tồi tệ quá”.

“Nếu lúc trước em biết mình có bệnh thì em đã không lập gia đình để con mình khổ. Một mình em khổ là được rồi”.

Đó là những tâm sự của chị N. T. T. khi được tham vấn tâm lý miễn phí trong quá trình điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Tham van tam ly BN

Người bệnh đang trò chuyện với tham vấn viên

Chị T. điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện đã 10 năm nay. Em gái chị T. cũng bị căn bệnh di truyền này. Vì thế, cứ mỗi tháng, cả 2 chị em lại đi viện cùng nhau.

Khi được hỏi có ai để giãi bày những tâm tư tình cảm trong cuộc sống, chị T. chỉ lắc đầu. Ở nhà thì không, còn khi đến Viện chị sẽ nói chuyện với những người bạn ở đây. Nhưng để nói những điều tâm can, có lẽ chị chưa thể chia sẻ cùng ai. Nói về cảm xúc khi bế tắc mà không có người để tâm sự, chị T. bộc bạch: “Em cũng chẳng chia sẻ được với ai, những lúc như thế em thấy tủi thân lắm. Khi em không tự chủ được, em khóc, con em sợ và hỏi “Mẹ ơi mẹ sao vậy? Mẹ đau ở đâu à”. Những lúc như thế em rất thương con. Em không biết mình có sống được để lo cho con không”.

Những trải lòng của chị T. cũng có thể là tiếng lòng của bất cứ người bệnh nào đang trải qua những đợt điều trị dài ngày.

Những vấn đề tâm lý của người bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khoẻ bao gồm sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ xã hội.

Qua quá trình làm việc với người bệnh, ThS. Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu TW nhận định người bệnh có những khó khăn trong cuộc sống dẫn đến lo lắng, căng thẳng về tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề điều trị. Nhiều người khi đón nhận thông tin mắc bệnh hiểm nghèo sẽ gặp cú sốc về tinh thần.

Một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở thực hiện tại Viện Huyết học – Truyền máu TW năm 2020 về thực trạng lo âu, trầm cảm và nhu cầu hỗ trợ tâm lý, xã hội của người bệnh lơ – xê – mi (ung thư máu) chỉ ra rằng có 20,2% người bệnh có dấu hiệu lo âu, tỉ lệ này đối với dấu hiệu trầm cảm là 27,3%. Các yếu tố ảnh hưởng là giới tính, mức sống, bảo hiểm y tế, khả năng chi trả, bệnh hiểm nghèo mắc kèm, phương pháp điều trị.

Đối với nhóm bệnh máu di truyền như tan máu bẩm sinh, người bệnh gắn bó với bệnh viện suốt đời. Người bệnh gặp khó khăn khi tìm công việc do hạn chế về sức khoẻ và thời gian. Ngoài ra, một số biểu hiện về ngoại hình như chậm phát triển thể chất, biến dạng xương có thể khiến người bệnh trở nên tự ti trong giao tiếp. Thời gian nằm viện lâu cũng khiến người bệnh mất kết nối với cộng đồng.

ThS. Lý Thị Hảo trong một chương trình sinh hoạt tinh thần dành cho người bệnh

Tham vấn tâm lý cá nhân – phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả

Nắm bắt những vấn đề của người bệnh, trong thời gian qua, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai các hoạt động hỗ trợ tâm lý, tinh thần qua nhiều hình thức. Có nhiều phương pháp đã được thực hiện dành cho nhóm, cá nhân. Theo ThS. Lý Thị Hảo, hoạt động tham vấn tâm lý cá nhân là hoạt động đơn giản nhưng đem lại hiệu quả tích cực.

“Lắng nghe không phán xét – Kết nối” là dự án do Viện Huyết học – Truyền máu TW phối hợp với Phòng tham vấn tâm lý Miền Hải Đăng trong tháng 4-5/2023 thực hiện phi lợi nhuận. Người bệnh có nhu cầu được tham vấn sẽ đăng ký với nhân viên công tác xã hội để điều phối với phòng tham vấn. Mỗi tham vấn viên sẽ trò chuyện với 1 người bệnh.

Người bệnh có cơ hội để họ được nói những điều không dám nói ra. Có những chuyên gia về tâm lý lắng nghe với tinh thần cởi mở nhưng được bảo mật về thông tin. Khi nói ra, người bệnh sẽ được phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, những nguồn lực sẵn có, gợi ý cách tháo gỡ nhưng không ai có quyền đưa ra quyết định ngoài chính họ.

Tham van tam ly BN 2

Do người bệnh hạn chế việc di chuyển trong thời gian tiêm truyền, các tham vấn viên lên từng phòng bệnh để lắng nghe người bệnh

Chị T. cho biết: “Em rất xúc động khi có các anh chị ở phòng Công tác xã hội đến hỏi thăm và động viên. Trong những lúc khó khăn như thế có người đến và chia sẻ, em vui lắm”.

“Khi được giãi bày ra như vậy, em cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn”, chị T. nói về cảm xúc tích cực sau buổi tham vấn.

Tham vấn tâm lý là hoạt động rất cần thiết trong chăm sóc người bệnh, giúp họ ổn định về tinh thần cũng như góp phần hỗ trợ cho bác sĩ thực hiện tốt chuyên môn, để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Hải Yến

Clip: Lâm Tùng, Ảnh: Đức Thịnh

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan