Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những lưu ý trong điều trị bệnh đa u tuỷ xương

Theo thống kê, bệnh đa u tuỷ xương chiếm khoảng 1,8% trong tổng số các bệnh ung thư nói chung và 18% của các khối u ác tính về huyết học ở Mỹ. Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, mỗi năm có khoảng 150 ca bệnh được phát hiện mới và khoảng 700 – 800 người bệnh được theo dõi ngoại trú. Bài viết dưới đây của TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh đa u tuỷ xương.

Bệnh đa u tuỷ xương là gì?

Bệnh đa u tủy xương là một bệnh ung thư máu, do sự phát triển và tăng sinh quá mức của các tế bào tương bào ác tính trong tuỷ xương, lấn át và thay thế các tế bào máu khỏe mạnh bình thường khác như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, dẫn đến các vấn đề như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn chảy máu. Tế bào u cũng có thể phá hủy mô xương tạo nhiều các ổ tiêu xương dẫn đến đau xương, yếu xương và gãy xương bệnh lý, tăng canxi máu.

Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi (thường từ 65 tuổi trở lên). Bệnh gặp nhiều ở nam giới hơn so với nữ giới, tỷ lệ người da đen bị bệnh gấp hai lần người da trắng.

Nguyên nhân gây bệnh đa u tuỷ xương

Nguyên nhân mắc bệnh đến nay vẫn chưa rõ ràng. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như môi trường (tiếp xúc với tia xạ, hoá chất, chất thải xăng dầu…) kết hợp với các yếu tố di truyền đẩy tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh không lây và không di truyền.

Triệu chứng của bệnh đa u tuỷ xương

Biểu hiện bệnh đa dạng, các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh bao gồm: Đau xương, thiếu máu, suy thận, mệt mỏi và nhiễm trùng tái diễn. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng cho đến khi họ vô tình phát hiện khối u phần mềm, gãy xương, hoặc điều trị các bệnh lý khác.

Bệnh đa u tuỷ xương

Điều trị bệnh đa u tuỷ xương như thế nào?

Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại có rất nhiều phương pháp cũng như thuốc điều trị bệnh lý đa u tuỷ xương mới, giúp điều trị bệnh đạt được đáp ứng tốt và kéo dài thời gian sống cho người bệnh: thuốc điều hòa miễn dịch, ức chế proteasome, kháng thể đơn dòng, ghép tế bào gốc…Bác sĩ dựa trên các đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm của người bệnh và thể trạng của từng người bệnh để lựa chọn một phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Nguyên tắc điều trị trong đa u tuỷ xương: Điều trị nhiều đợt, dựa trên các phác đồ đa hóa trị liệu để đạt lui bệnh, sau khi lui bệnh tiếp tục điều trị duy trì và tái khám định kì, có sự kết hợp giữa điều trị đặc hiệu và điều trị hỗ trợ.

TS.BS. Vũ Đức Bình tư vấn cho người bệnh về chủ đề “Những tiến bộ trong điều trị đa u tủy xương”

Các bệnh lý nền và các vấn đề cần lưu ý thường gặp

  • Suy thận

Tổn thương thận chiếm 1 tỷ lệ lớn trong bệnh đa u tủy xương. Một số triệu chứng thường gặp: Phù, mệt mỏi, giảm số lượng nước tiểu, tăng huyết áp… Tổn thương thận trong đa u tủy xương là hậu quả gây ra do bệnh vì vậy chỉ có điều trị tích cực bệnh đa u tủy xương, điều chỉnh liều thuốc phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ mới có thể hồi phục chức năng thận. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các phác đồ điều trị được bác sĩ đưa ra, tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc giảm đau, các thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị tại nhà.

  • Các vấn đề về tim mạch

Một số triệu chứng tim mạch hay gặp: Hồi hộp, đánh trống ngực, mệt mỏi, hụt hơi, tăng huyết áp, phù… Người bệnh sẽ được tư vấn, khám và điều trị chuyên khoa tim mạch trước khi điều trị bệnh hoặc khi có các vấn đề bất thường. Thuốc điều trị bệnh được điều chỉnh phù hợp với thể trạng và chức năng tim mạch với từng bệnh nhân.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị đa u tủy xương cũng có thể gặp các vấn đề do huyết khối tĩnh mạch nguyên nhân do bệnh, tình trạng giảm vận động lâu ngày kết hợp hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Do vậy, người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu như: đau tức, sưng đau chi, đau ngực, yếu liệt, khi có các dấu hiệu này người bệnh cần nhập viện sớm để được theo dõi và điều trị.

  • Đái tháo đường

Các phác đồ điều trị bệnh đa u tủy xương thường có sử dụng thuốc corticoid liều cao, thuốc này có thể gây tăng đường huyết, đặc biệt lưu ý với người bệnh đã có bệnh lý đái tháo đường trước đó. Do vậy, khi điều trị, các bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc điều trị bệnh và phối hợp với chuyên khoa nội tiết, kịp thời giữa điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động, thuốc hạ đường huyết, theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị biến chứng sớm nhất có thể.

  • Nhiễm trùng tái diễn

Triệu chứng thường gặp: Sốt, ho đờm, đau họng, tức ngực, khó thở, loét da, zona thần kinh… Người bệnh có những triệu chứng bất thường nên trao đổi với bác sĩ điều trị sớm nhất có thể để được tư vấn và được kê các thuốc điều trị phù hợp. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, cần phải giữ gìn không gian buồng bệnh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thân thể hàng ngày, ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc nơi đông người, các khu vực ô nhiễm, tiêm vắc-xin đầy đủ…

Tự chăm sóc bản thân

  • Viết nhật ký, tích cực trao đổi với người chăm sóc và bác sĩ điều trị

Người bệnh tự ghi lại các thay đổi về bản thân kể từ khi bị bệnh: thời điểm mệt mỏi nhất, vị trí, thời gian đau, sốt, tình trạng mất ngủ, chế độ ăn uống hàng ngày… Các vấn đề bất thường được ghi chép lại nên được trao đổi cụ thể với bác sĩ điều trị để được đưa ra những tư vấn, lời khuyên, là cơ sở điều chỉnh liều lượng, phác đồ sử dụng cho bệnh nhân, làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ tối đa.

Người bệnh nên chủ động chia sẻ cùng người thân, bác sĩ điều trị, tham gia các nhóm hỗ trợ chăm sóc để được quan tâm và can thiệp kịp thời, tránh xảy ra những sự việc không mong muốn.

  • Tập vận động

Tập vận động tích cực trong khả năng giúp làm tăng tái tạo, phục hồi xương, tăng lưu thông máu, làm giảm nguy cơ huyết khối, giảm loét do tì đè.

+ Lăn trở, thay đổi tư thế nhẹ nhàng

+ Đeo thêm đai cột sống nếu có đau cột sống thắt lưng làm giảm khá năng chịu lực của xương

+ Kết hợp các bài tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu

  • Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng cường sức đề kháng, hồi phục sức khỏe để có khả năng chống lại các triệu chứng bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc, các vấn đề về tiêu hóa.

+ Các bữa ăn phối hợp đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng

+ Giảm chất béo, đường, muối, tăng xơ, dễ hấp thu

+ Chia nhỏ, ăn chậm và nhiều bữa trong ngày

+ Tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, đưa ra những lời khuyên phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng

Mời xem thêm: Hướng dẫn chế độ ăn đối với người bệnh máu ác tính
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và từ bỏ các thói quen xấu

+ Ngủ đủ giấc giúp làm giảm mệt mỏi và có năng lượng để chống lại bệnh tật.

+ Từ bỏ các thói quen xấu như rượu bia, thuốc lá, …

Các chế độ vận động và ăn uống không hợp lý làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phối hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều trị, dùng thuốc điều trị bệnh chính.

  • Tuyệt đối tuân thủ điều trị

+ Không tự ý dùng thuốc, áp dụng các phương pháp điều trị đông tây y khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

+ Việc tự bỏ điều trị, bỏ thuốc dẫn đến giảm hiệu quả điều trị, làm cho bệnh dai dẳng, đáp ứng kém, kháng thuốc và tái phát sớm, gây khó khăn cho việc điều trị. Do vậy cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ và các lời khuyên từ bác sĩ điều trị.

+ Người bệnh cần phối hợp, chia sẻ những khó khăn, căng thẳng với người chăm sóc và bác sĩ điều trị để cùng thảo luận đưa ra những biện pháp can thiệp hợp lý, kịp thời.

Kết luận

Bệnh đa u tủy xương là một bệnh lý ung thư ác tính không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát bằng theo dõi và điều trị. Người bệnh nên trang bị các kiến thức cơ bản về bệnh, có sự phối hợp với các bác sĩ, tuân thủ phác đồ điều trị, hiệu quả điều trị sẽ đạt tối đa, giúp giảm các triệu chứng lâm sàng, giảm nguy cơ bệnh tái phát. Từ đó kéo dài thời gian lui bệnh và thời gian sống thêm, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bài viết được hỗ trợ bởi Takeda

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện tại Hà Nội: Từ thứ 3 – Chủ nhật: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm;
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân;
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa;
  • Số 78, Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình
  • Điểm hiến máu Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, HN)

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan