“Hiến tiểu cầu là một cách để cảm ơn cuộc đời”
Tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu 2024, nhiều đại biểu tham dự đã chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm đáng nhớ của mình trên hành trình hiến máu, hiến tiểu cầu.
Từng là người nhà của người bệnh cần truyền máu, anh Đỗ Xuân Dũng đã trải qua cảm giác khi được nhiều người nhiệt tình hiến máu cứu sống con mình dù không quen biết.
Anh Đỗ Xuân Dũng hiến tiểu cầu trước khi tham dự chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện 2024
Anh Dũng chia sẻ: “Tôi đi hiến máu và tiểu cầu là để thực hiện lời hứa với đứa con của tôi đã mất do căn bênh ung thư. Khi đó con tôi bị vỡ khối u trong ổ bụng, mất máu rất nhiều nên cần máu. Thật may mắn vì những người bạn, người không quen biết đã tới hiến tặng cho con tôi. Lúc đó tôi mới cảm nhận và thấu hiểu được sự quý giá của những giọt máu được cho đi. Mặc dù sau đó vài tháng con tôi ko qua khỏi. Tôi đã tự hứa với con và bản thân rằng sẽ làm thiện nguyện (hiến máu, tiểu cầu) cho tới khi nào không thể nữa. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm và sứ mệnh của riêng tôi, cũng là để thực hiện lời hứa của mình với thiên thần nhỏ”.
Anh Dũng cùng những người bạn trong Đội thanh niên tình nguyện HH4 Linh Đàm
Cũng như anh Đỗ Xuân Dũng, chị Nguyễn Thị Nhâm cũng là người nhà của người bệnh cần truyền máu. Khi người thân nhận được sự trợ giúp của các y bác sĩ, của người hiến máu, chị Nhâm đều thấy vô cùng biết ơn và tự nhủ mình cần phải có trách nhiệm với cộng đồng để xứng đáng với những tình cảm mà gia đình chị được nhận từ những người xa lạ.
Chị Nhâm tâm sự: “Mình mong muốn có thể làm gì đó với chút sức nhỏ bé của mình để có thể gọi là “trả ơn đời”, cảm ơn đời, cảm ơn những anh hùng hiến máu thầm lặng đã giúp cho người thân của mình trải qua giai đoạn đó một cách trọng vẹn nhất”.
Cũng như nhiều người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu, chị Nhâm coi việc này là một công việc mặc định hàng tháng của mình.
Chị Nguyễn Thị Nhâm coi hiến tiểu cầu như một cách để cảm ơn cuộc đời
“Mình không có thói quen săn sale, không biết săn sale nhưng luôn canh 0h để được đăng ký hiến tiểu cầu. Mỗi lần đến hiến sẽ là một cảm xúc khác nhau nhưng có điểm chung là trên đường đi vẫn sẽ luôn cảm giác sợ kim lấy máu chọc vào tay. Bên cạnh đó, sẽ rất buồn và thất vọng nếu mình không đăng ký được hiến tiểu cầu hoặc không đủ điều kiện hiến. Mình vẫn hay đùa, không được hiến tiểu cầu buồn hơn cả mất tiền” – chị Nguyễn Thị Nhâm hài hước chia sẻ.
Trên hành trình làm việc tốt, nhiều người hiến máu, hiến tiểu cầu đã có cơ duyên được gặp những người bệnh đang điều trị. Từ đó, họ càng hiểu hơn về ý nghĩa công việc mình đang làm và có thêm động lực để tiếp tục cho đi.
Tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu 2024, chị Phạm Thị Thùy Trang nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ khi chị đi hiến tiểu cầu vào dịp Tết thiếu nhi 1/6: “Lúc đó khi đang hiến thì có một đoàn các bé đang điều trị ở viện được đi thăm các cô chú hiến tiểu cầu để trực tiếp cảm ơn. Mình rất vui và xúc động khi trực tiếp biết máu hiến của mình có ý nghĩa như thế nào.
Chị Phạm Thị Thùy Trang (bên trái) rất xúc động khi được gặp các bé bệnh nhi cần truyền máu
Các cháu đều ở các tỉnh xa nhưng ở viện còn nhiều hơn ở nhà, vì sức khỏe không cho phép nên không thể đến trường thường xuyên. Mình còn biết thêm là nếu không có máu để truyền định kỳ, các bé sẽ phải chịu đau đớn và có thể gặp nhiều biến chứng. Lần gặp gỡ đó đã khiến mình vô cùng xúc động.”
Hiến tiểu cầu thường xuyên không chỉ là để đóng góp những giọt máu vàng, mà bản thân người hiến cũng có sức khỏe tốt hơn. Nhiều người cũng tự nhận rằng từ khi có thói quen hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên đã có ý thức giữ gìn sức khỏe, có sức khỏe tốt mới có thể giúp đỡ được nhiều người bệnh.
Chị Phạm Thị Thùy Trang tâm sự: “Mỗi lần được thông báo không đủ điều kiện để hiến tiểu cầu, mình lại thấy người như yếu hẳn đi. Sợ nhất là khi bác sĩ thông báo không hiến được do huyết tương đục, vậy nên từ đó mình luôn duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thật khoa học.”
Cũng như chị Trang, anh Đỗ Xuân Dũng cho hay: “Cảm xúc mỗi lần hiến là đều chuẩn bị cho ăn, uống, ngủ, nghỉ để cơ thể khỏe mạnh, mong chờ tới ngày hiến, chỉ cần được gọi tên đã thấy vui và hạnh phúc rồi”.
Một cách tự nhiên, việc tốt cứ thế được lan tỏa, mang lại hạnh phúc đến cả người cho và người nhận, khiến họ luôn được sống trong tình yêu thương và thấu hiểu những ý nghĩa tích cực của cuộc sống.
Thùy Trang, Ảnh: Gia Thắng, NVCC
Bài viết liên quan
Vợ chồng người lính Trường Sa hơn 100 lần hiến tiểu cầu
29 Tháng Mười, 2024Sau khi hoàn thành nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương, ông Trần Văn Toan (Mê Linh, Hà Nội) trở về quê nhà, cùng vợ thực hiện một ‘nhiệm…
Những con người bình dị mà ngời sáng phẩm chất “lương y như từ mẫu”
30 Tháng Mười, 2024Trong danh sách những người hiến máu, hiến tiểu cầu tiêu biểu hằng năm luôn có không ít cán bộ ngành y. Họ như những minh chứng sống động về…