Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Giác hơi chữa ung thư máu, thanh niên 20 tuổi nhập viện nguy kịch

Ngày 30/9, Báo Tuổi Trẻ đưa tin nam thanh niên 20 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư máu, không điều trị tại viện mà về nhà đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát có hơi nóng (kiểu giác hơi) kèm theo tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, sau đó nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quân, phụ trách bộ phận ngoại ung bướu, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên T.M.T. (20 tuổi, ở Bát Xát, Lào Cai) nhập viện trong tình trạng mũi chảy nhiều máu đỏ tươi, phần da bụng phỏng nhiều nước, có tổn thương khá nặng.

Người thân của anh T. cho biết tháng 8 anh có đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thăm khám, được kết luận bị ung thư máu (lơ xê mi cấp).

Tuy nhiên, thay vì điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân về quê và tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Theo đó, anh T. bôi và đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát có hơi nóng (kiểu giác hơi) vào để chữa bệnh, kèm theo đó là tiêm thuốc (không rõ nguồn gốc).

Sau khi điều trị tại nhà, anh T. bắt đầu xuất hiện những tổn thương dạng bỏng hơi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.

Nam thanh niên nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bụng có nhiều vết thương do giác hơi 

Trước khi nhập viện 2 ngày, anh T. có dấu hiệu chảy máu mũi từng đợt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau tức bụng… Ngày 28/9, anh được gia đình đưa đi cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, các xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân ở trong tình trạng nguy hiểm, nhất là chỉ số tiểu cầu và bạch cầu.

Bệnh nhân được điều trị triệu chứng các tổn thương ngoài da, cầm máu mũi, chăm sóc dinh dưỡng, nhưng do tình trạng nặng nên tiên lượng tử vong cao.

Bác sĩ Quân cảnh báo, việc mắc bệnh nhưng lại không tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tự ý điều trị hoặc điều trị theo phương pháp phản khoa học là vô cùng nguy hiểm với sức khỏe.

Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, thận… sức đề kháng, miễn dịch đã suy giảm, vì thế khi điều trị bằng phương pháp phản khoa học, chữa bệnh theo bài thuốc truyền miệng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.

“Với bệnh nhân trên, nếu tuân thủ điều trị, bệnh có thể sẽ không tiến triển nặng, kéo dài được thời gian sống. Tuy nhiên, khi tự chữa bệnh, ngoài việc có thêm các tổn thương ngoài da, bệnh ung thư máu sẽ nặng nề hơn và nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng”, bác sĩ Quân chia sẻ.

Bác sĩ Quân khuyến cáo người dân khi phát hiện ra bệnh hoặc biểu hiện bất thường trên cơ thể, hãy đến các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo để thăm khám. Khi được chẩn đoán bệnh cần phải điều trị kịp thời, tuyệt đối không chữa bệnh theo mẹo, kinh nghiệm dân gian hay bài thuốc gia truyền chưa được kiểm chứng.

Theo Báo Tuổi Trẻ

ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết với ung thư máu cấp tính, hoá trị liệu vẫn là phương pháp điều trị cơ bản nhất. Bệnh nhân có thể được kết hợp điều trị nhiều phương pháp bao gồm: hóa trị liệu, thuốc miễn dịch điều trị ung thư, thuốc nhắm đích, xạ trị, ghép tế bào gốc, liệu pháp tế bào và phối hợp với các điều trị hỗ trợ khác như gạn tách tế bào máu, truyền chế phẩm máu, điều trị nhiễm trùng, điều trị rối loạn đông máu…

Ung thư máu cấp tính thường trải qua nhiều đợt điều trị bao gồm tấn công, củng cố và duy trì. Trong quá trình điều trị tại viện cũng như thời gian ở nhà, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan