Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Các loại chế phẩm hồng cầu và sử dụng khi nào?

Máu là tổ chức lỏng, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Máu gồm nhiều thành phần với các chức năng khác nhau và liên quan mật thiết đến chức năng sống của cơ thể. Máu gồm hai thành phần chính là huyết tương và các tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu), trong đó hồng cầu là tế bào máu chiếm số lượng nhiều nhất. 

Khối hồng cầu là gì?

Hồng cầu chứa huyết sắc tố – chất làm cho máu có màu đỏ. Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển khí ôxy (O2) từ phổi đến các mô và nhận khí cacbonic (CO2) từ các mô tới phổi để đào thải. Đời sống trung bình của hồng cầu là 120 ngày; hồng cầu già bị tiêu hủy chủ yếu ở lách và gan. 

Khối hồng cầu là một loại chế phẩm máu phục vụ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Khối hồng cầu được tách từ máu toàn phần do người khỏe mạnh hiến tặng, được xét nghiệm sàng lọc và đảm bảo có thể sử dụng cho người bệnh.

Khối hồng cầu là gì và truyền khi nào?

Các đơn vị máu toàn phần sau khi ly tâm sẽ phân tách thành từng thành phần của máu: các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương (ảnh: Công Thắng)

Khối hồng cầu gồm các loại sau:

  • Khối hồng cầu đậm đặc
  • Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản
  • Khối hồng cầu lọc bạch cầu/chiếu xạ/xét nghiệm CMV (-)
  • Khối hồng cầu rửa
  • Khối hồng cầu hòa hợp nhóm máu ngoài hệ ABO
  • Khối hồng cầu đông lạnh (Frozen red cells)

Khối hồng cầu đậm đặc

Khối hồng cầu đậm đặc được tách từ máu toàn phần, loại bỏ hầu hết huyết tương, chứa 150-250ml hồng cầu; hematocrit khoảng 65-85%.

Khối hồng cầu đậm đặc được điều chế theo đơn đặt hàng, không bổ sung dung dịch bảo quản; cần sử dụng ngay, không bảo quản dài ngày.

  • Thành phần chính: 15-20g hemoglobin/100ml thể tích thực.
  • Chỉ định sử dụng:

Người bệnh bị thiếu huyết sắc tố huyết sắc tố (thường dưới 70g/l) có kèm nguy cơ quá tải tuần hoàn.

  • Cách sử dụng:

Phù hợp nhóm máu hệ ABO và Rh(D) với bệnh nhân. Chỉ truyền khối hồng cầu nhóm O cho bệnh nhân có nhóm máu khác trong trường hợp khẩn cấp và không có đủ máu dự trữ cùng nhóm. Không tiếp tục truyền máu toàn phần nhóm O nếu trong mẫu máu người bệnh sau truyền có xuất hiện kháng thể anti-A, anti-B (của đơn vị MTP nhóm O).

Tốc độ truyền: 15 phút đầu: 15-20 giọt/phút, sau đó không quá 30 giọt/phút. Trong trường hợp có mất máu cấp, thiếu hụt khối lượng tuần hoàn, có thể truyền nhanh tùy theo sự dung nạp của người bệnh.

Để tăng tốc độ truyền, có thể bổ sung dung dịch NaCl 0,9% (50-70ml) qua chạc nối chữ Y.

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản được điều chế bằng cách loại bỏ huyết tương từ máu toàn phần, bổ sung dung dịch bảo quản (50-110ml), có thể tích thực 180-300ml, hematocrit khoảng 50-70%.

  • Thành phần chính: 10-15g hemoglobin /100ml thể tích thực.
  • Hạn sử dụng: 42 ngày, thường được cung cấp sử dụng trong thời gian bảo quản dưới 20 ngày.
  • Chỉ định sử dụng:

Cần nâng huyết sắc tố của bệnh nhân do mất hoặc thiếu máu.

  • Cách sử dụng:

Tốc độ truyền: không quá 30 giọt/phút, nhưng tổng thời gian truyền 1 đơn vị không quá 4h.

Phù hợp tối thiểu nhóm hệ ABO và Rh(D).

+ Trong trường hợp cấp cứu không thể trì hoãn, cho phép truyền khối hồng cầu nhóm O trước khi hoàn thành các xét nghiệm hòa hợp.

+ Cần truyền khối hồng cầu nhóm Rh(D) âm nếu đã biết trước hoặc nghi ngờ người bệnh có nhóm Rh(D) âm.

Có thể sử dụng khối hồng cầu lọc bạch cầu nhằm giảm bớt các phản ứng liên quan đến bạch cầu.

Khối hồng cầu là chế phẩm không thể thiếu trong điều trị nhiều bệnh lý

Khối hồng cầu lọc bạch cầu/chiếu xạ/xét nghiệm CMV(-)

Lọc bạch cầu giúp giảm số lượng bạch cầu tồn dư trong đơn vị khối hồng cầu thông thường 1×109 BC xuống còn dưới 1×106 BC trong 1 đơn vị, giúp giảm nguy cơ miễn dịch do bạch cầu và giảm thiểu nguy cơ nhiễm cytomegalo virus (CMV).

Khối hồng cầu được chiếu xạ giúp ngăn ngừa khả năng tăng sinh, phát triển của các bạch cầu lympho có tiềm năng miễn dịch, gây hội chứng “ghép chống chủ”.

Khối hồng cầu có CMV(-) là đơn vị đã được thực hiện thêm xét nghiệm để loại trừ nguy cơ truyền CMV cho người bệnh.

Tùy nhu cầu điều trị, có thể yêu cầu khối hồng cầu với một hoặc nhiều lựa chọn đồng thời như xét nghiệm CMV(-), lọc bạch cầu và chiếu xạ.

  • Chỉ định sử dụng khối hồng cầu xét nghiệm CMV(-), lọc bạch cầu và chiếu xạ đối với người bệnh thiếu huyết sắc tố có kèm theo:

+ Cấy ghép mô, tạng, tế bào gốc.

+ Có tình trạng giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc thứ phát.

+ Người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch.

+ Truyền máu trẻ sơ sinh, truyền máu thai nhi trong tử cung.

+ Truyền máu, chế phẩm máu lấy từ cha, mẹ, anh chị em ruột của người bệnh già yếu, trẻ nhỏ, suy kiệt, giảm miễn dịch.

  • Chỉ định khối hồng cầu lọc bạch cầu đối với người bệnh thiếu hồng cầu kèm theo:

+ Tình trạng đồng miễn dịch bạch cầu ở người bệnh có giảm BC, giảm tiểu cầu miễn dịch, xuất huyết giảm tiểu cầu.

+ Phản ứng truyền máu (sốt cao, rét run, dị ứng nặng…) tái diễn nhiều lần do BC.

+ Truyền máu khối lượng lớn.

  • Lưu ý:

Có thể truyền Khối hồng cầu lọc bạch cầu tại giường. Tuy nhiên, khuyến khích việc lọc bạch cầu tại cơ sở điều chế, trước khi bảo quản để phòng ngừa những nguy hại do bạch cầu chuyển hóa, hủy hoại giải phóng ra các cytokin trong quá trình bảo quản mà không thể loại bỏ được khi lọc bạch cầu tại giường.

Khối hồng cầu rửa

Là đơn vị KHC được loại bỏ huyết tương tối đa bằng cách rửa nhiều lần (tối thiểu 3 lần) với dung dịch muối đẳng trương và được pha loãng trong dung dịch bảo quản.

Chế phẩm này có thời hạn bảo quản ở nhiệt độ 2-6°C không quá 24 giờ kể từ khi điều chế do có nguy cơ nhiễm khuẩn khi thực hiện quy trình rửa trong hệ thống hở.

  • Chỉ định sử dụng: Bệnh nhân thiếu huyết sắc tố kèm theo:

+ Có nguy cơ miễn dịch với các thành phần trong huyết tương (đặc biệt với người bệnh có thiếu hụt IgA, nguy cơ sốc phản vệ, tổn thương phổi do truyền máu TRALI…).

+ Thiếu máu tan máu tự miễn có hoạt hóa bổ thể.

Khối hồng cầu hòa hợp nhóm máu ngoài hệ ABO

Là đơn vị KHC được xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO, như hệ Rh (D, C, c, E, e), hệ MNS (M, N, S, s, Mia), Kidd (Jka, Jkb), Duffy (Fya, Fyb), P1PK (P1), Lewis (Lea, Leb)… Đây là những hệ nhóm máu thường gây xuất hiện kháng thể bất thường ở bệnh nhân truyền máu nhiều lần.

Ngoài kháng thể anti-D, những kháng thể bất thường hay gặp là các kháng thể đồng loại đặc hiệu anti-E (khoảng 65%), anti-Mia (hơn 45%). Người bệnh có thể có nhiều kháng thể bất thường.

Khi đã xác định được kháng thể bất thường ở bệnh nhân (qua xét nghiệm sàng lọc, định danh kháng thể bất thường) cần dự trù chế phẩm chứa hồng cầu không có mặt kháng nguyên tương ứng với một hoặc nhiều kháng thể bất thường gặp ở người bệnh.

Cần thực hiện xét nghiệm này ở người bệnh có chỉ định truyền máu. Đặc biệt lưu ý đối với phụ nữ đã có tiền sử thai nghén, sinh đẻ, người có tiền sử truyền máu nhiều lần.

Khối hồng cầu đông lạnh (frozen red cells)

KHC đông lạnh được xử lý và bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ dưới -60°C trong dung dịch bảo vệ có glycerol, thời hạn bảo quản lên tới 10 năm.

Trước khi sử dụng, KHC đông lạnh cần được làm tan đông, rửa và loại bỏ hết glycerol và hòa loãng trong dung dịch muối đẳng trương, dung dịch bảo quản hồng cầu hoặc trong huyết tương hòa hợp miễn dịch.

KHC đông lạnh đã tan đông, loại bỏ glycerol cần bảo quản ở 2-6°C phải sử dụng cho người bệnh trong vòng 24 giờ.

  • Chi định sử dụng: Người bệnh có chỉ định truyền KHC có nhóm máu hiếm gặp.

Truyền khối hồng cầu khi nào?

Việc chỉ định truyền khối hồng cầu cần căn cứ vào nồng độ hemoglobin và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân như:

+ Diễn biến của thiếu máu là cấp hay mạn tính;

+ Khả năng thích nghi của cơ thể;

+ Các dấu hiệu sinh tồn (ý thức, mạch, huyết áp…);

+ Bệnh lý kèm theo, có những can thiệp đặc biệt nguy cơ tử vong cao (liên quan đến hô hấp, tuần hoàn);

+ Yếu tố nguyên nhân của thiếu máu được giải quyết như thế nào;

+ Lợi ích so với nguy cơ của việc truyền máu.

Chỉ định truyền máu theo mức hemoglobin (Hb):

Mức Hb Chỉ định truyền máu
< 70 g/l –  Chỉ định truyền KHC trong hầu hết các trường hợp.

–  Có thể trì hoãn truyền máu nếu nguyên nhân thiếu máu có biện pháp điều trị hiệu quả và cải thiện được trên mức 70 g/l trong tối đa 1 tháng (thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin B12, B9…) mà tình trạng bệnh nhân ổn định không có triệu chứng nặng.

< 80 g/l –  Thường chỉ định cho những trường hợp có hội chứng mạch vành cấp, duy trì Hb >80 g/l.
70-100 g/l –  Có phẫu thuật liên quan đến mất máu khối lượng lớn.

–  Có bằng chứng về giảm oxy tổ chức.

> 90 g/l –  Hiếm khi chỉ định truyền máu.

–  Trường hợp bệnh rất trầm trọng mà việc truyền máu có thể đem lại lợi ích và giảm nguy cơ tử vong như: nhiễm khuẩn nặng có giảm tưới oxy tổ chức, xuất huyết não, đột qụy, nhồi máu não gây tổn thương não.

> 100 g/l –  Không có chỉ định truyền máu, trừ trường hợp đặc biệt.

Liều lượng và loại chế phẩm lựa chọn

  • Ở bệnh nhân người lớn, mức truyền 4-5 ml/kg (tương đương một khối hồng cầu 250-350ml) có thể giúp tăng nồng độ hemoglobin khoảng 7-10 g/l.
  • Ở trẻ em, có thể đạt mức tương tự với thể tích hồng cầu 10-15ml/kg.
  • Thường lựa chọn KHC có bổ sung dung dịch bảo quản.

Một số tình huống lâm sàng cần xử trí đặc biệt

  • Thiếu máu ở bệnh nhân đã có hoặc nguy cơ có kháng thể bất thường:

+ Tình huống thường gặp: truyền máu nhiều lần, bất đồng nhóm máu mẹ con…

+ Trước khi chỉ định truyền máu cần xét nghiệm sàng lọc và định danh kháng thể bất thường.

+ Truyền máu dựa theo kết quả định danh kháng thể bất thường và chọn lựa người hiến máu không có kháng nguyên liên quan đến kháng thể đã định danh.

+ Chỉ định truyền chế phẩm được chiếu xạ, lọc bạch cầu, kết quả xét nghiệm sàng lọc cần âm tính với CMV IgM ngoài các tác nhân thông thường khác theo quy định.

+ Nếu có bất đồng nhóm máu giữa người bệnh và người hiến tế bào gốc, sau khi đã truyền khối tế bào gốc và ở giai đoạn đang chờ mọc mảnh ghép, cần chọn lựa khối hồng cầu theo nhóm máu hệ ABO như sau:

Nhóm máu người hiến tế bào gốc Nhóm máu người bệnh Nhóm máu khối hồng cầu
A B/O O
A AB A
B A/O O
B AB B
O A/B/AB O
AB A A
AB B B
AB O O

+ Khi bệnh nhân mọc mảnh ghép và chuyển đổi nhóm máu hoàn toàn sang nhóm máu người hiến thì truyền KHC theo nhóm máu của người hiến.

  • Bệnh nhân có nguy cơ dị ứng một số thành phần trong huyết tương, bệnh nhân thiếu hụt IgA bẩm sinh, nguy cơ sốc phản vệ, tổn thương phổi do truyền máu…: Sử dụng KHC rửa.
  • Bệnh nhân có nguy cơ quá tải dịch, bệnh nhân trẻ em, trọng lượng cơ thể thấp, kèm theo bệnh lý tuần hoàn…: Sử dụng KHC đậm đặc.

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW:

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian khám bệnh:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

Mời xem thêm: Hướng dẫn đặt lịch khám và chi phí dịch vụ y tế theo yêu cầu

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện tại Hà Nội:

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm.
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân.
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa.
  • Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì).

Thời gian: Từ thứ 2 – thứ 7: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

Trung tâm Máu Quốc gia

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan