Chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho người bệnh CML
Để đảm bảo việc điều trị của người bệnh CML được hiệu quả, ngoài việc tuân thủ điều trị bao gồm dùng thuốc đúng, đủ liều, thường xuyên, liên tục theo chỉ định của bác sĩ thì việc thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện khoa học cũng là vấn đề rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh CML
Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cho người bệnh thường bao gồm ăn uống đa dạng từ tất cả các nhóm thực phẩm với đầy đủ các dưỡng chất như đường (tinh bột), đạm, mỡ, vitamin và khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa, bổ sung đủ nước…
- Tinh bột: Là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Ưu tiên nhóm thực phẩm vừa giàu tinh bột và chất xơ như ngô, khoai lang, khoai tây, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây…
- Protein (chất đạm): Là chất dinh dưỡng quan trọng, chiếm khoảng 10 – 15% khẩu phần ăn cơ bản, cung cấp lượng lớn năng lượng cho tế bào, để cơ thể hoạt động, duy trì sự sống và giảm cảm giác mệt mỏi. Người bệnh cần kết hợp các loại đạm có nguồn gốc động vật (các loại thịt, cá, tôm, cua, ốc, trứng, sữa và các chế phẩm sữa) và các loại đạm có nguồn gốc thực vật (đậu tương, gạo, mì, ngô, các loại đậu khác…) với tỷ lệ thích hợp tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ưu tiên các loại thịt màu trắng (thịt gia cầm), cá, tôm, hải sản, nhưng cũng vẫn cần ăn thịt đỏ với lượng ít hơn và không nên ăn quá 340 – 500g thịt đỏ/ tuần. Người bệnh tránh ăn các sản phẩm chế biến sẵn từ thịt đỏ như xúc xích, thịt heo muối…
- Chất béo (lipid): Là chất quan trọng giúp cơ thể hòa tan các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, nếu cơ thể thiếu chất béo đồng nghĩa với thiếu các vitamin này. Do đó, trong khẩu phần ăn của người bệnh cần phải có hàm lượng chất béo nhất định, giúp tăng cường chất chống oxy hóa và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Người bệnh nên ưu tiên sử dụng bơ, dầu thực vật thay vì mỡ động vật; hạn chế đồ ăn chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh. Các loại hạt, cá nên được tăng cường để bổ sung đầy đủ các axit béo không bão hòa (omega-3).
- Vitamin, khoáng chất: Mỗi loại vitamin đóng vai trò khác nhau trong cơ thể. Tuy cơ thể cần lượng vitamin ít mỗi ngày, nhưng không thể thiếu, nhất là người bệnh ung thư. Tương tự, chất khoáng tham gia cấu tạo nhiều mô và cơ quan, có vai trò trong quá trình chuyển hóa. Nếu người bệnh ăn uống thiếu các chất này sẽ sinh nhiều bệnh như còi xương, xốp xương (do thiếu canxi), thiểu sản men răng (do thiếu fluor), bị bướu cổ (do thiếu i-ốt), thiếu máu (do thiếu sắt)…Vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại rau củ quả. Người bệnh cần chọn sản phẩm tươi, nhiều màu sắc, bảo quản tốt để tránh mất vitamin và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Trái cây và rau quả: Ăn ít nhất 400 g trái cây và rau quả, hoặc năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày để cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cho cơ thể. Người bệnh bổ sung trái cây, rau quả bằng cách luôn ăn trong các bữa ăn, ăn trong bữa phụ. Đặc biệt nên chọn rau củ quả theo mùa và ăn đa dạng các loại.
- Chất xơ giúp điều hòa đường ruột, ngăn ngừa táo bón, góp phần hạn chế một phần tác dụng phụ trên đường ruột (gây táo bón) của thuốc điều trị ở người bệnh CML. Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau xanh và các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, lúa mì….
- Nước: đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến các tế bào, cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Vì thế, bổ sung nước đầy đủ là vô cùng cần thiết. Lượng nước được khuyến cáo nạp vào cơ thể là 40 ml/kg cân nặng/ngày. Ví dụ: một người nặng 50 kg thì cần 50 x 40ml = 2000ml nước/ngày.
- Muối: Giảm lượng muối ăn vào ở mức khuyến nghị dưới 5g mỗi ngày bằng cách hạn chế nêm nếm, sử dụng các gia vị nhiều muối. Đồng thời, thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, giăm bông và xúc xích Ý; phô mai; đồ ăn nhẹ có vị mặn…) nên được loại ra khỏi chế độ ăn.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh CML một cách lành mạnh, khoa học mang lại nhiều lợi ích quan trọng như:
- Cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe và tâm lý tốt cho người bệnh
- Giúp duy trì trọng lượng cơ thể để lưu trữ chất dinh dưỡng
- Cho phép cơ thể chịu đựng tốt hơn các tác dụng phụ của điều trị
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng
- Phục hồi sức khỏe nhanh hơn
Một số lưu ý ăn uống khi người bệnh gặp một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị:
Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Chuẩn bị những bữa ăn nhỏ, lựa chọn thực phẩm dễ ăn, dễ chế biến, thay đổi thực đơn khác hơn những ngày bình thường, trang trí những đĩa ăn nhìn ngon miệng và hấp dẫn
- Chế biến thức ăn dạng xay nhỏ hoặc xay nhuyễn, để dễ ăn hơn
- Có thể thay thế bột protein hoặc sữa ít béo cho thêm trái cây tươi hoặc chế biến dạng súp
Buồn nôn và nôn
- Chia nhỏ bữa: 6 – 8 bữa/ ngày
- Người bệnh nên tránh tự chuẩn bị và nấu đồ ăn vì mùi thức ăn có thể khiến người bệnh cảm thấy tồi tệ hơn; nên để người khác nấu đồ ăn
- Tránh các loại thức ăn chiên/rán giàu chất béo, có mùi nồng, cay
- Ăn chậm, miếng nhỏ và ăn các thức ăn dễ tiêu hóa
- Cho người bệnh uống nước ấm giữa các bữa ăn (chú ý hạn chế uống nước trong bữa ăn)
- Dùng 1 – 2 giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu chanh nhỏ một vài giọt tinh dầu lên tay hoặc giấy ăn hít mùi thơm trong vài phút
Các vấn đề về miệng
- Người bệnh viêm loét miệng: ăn nhạt, mềm, chế biến thành từng miếng nhỏ, để nguội ở nhiệt độ phòng, tránh thức ăn nhiều gia vị chua, cay.
- Mất vị giác: Chế biến món ăn tạo thêm hương vị (có thể dùng ít thịt chiên hoặc nướng khi không bị đau miệng)
Rối loạn tiêu hóa
Tiêu chảy
- Ăn các thực phẩm ít xơ (đậu đũa, nấm, ngũ cốc tinh chế…)
- Tránh thức ăn thớ to, các loại thực phẩm chế biến chưa kỹ, nhiều chất béo và cay
- Hạn chế các loại thực phẩm như hành tỏi, bắp cải, nước có gas (gây đầy hơi, chướng bụng)
- Bù nước điện giải, uống ít nhất một cốc nước sau mỗi lần đi tiêu lỏng (uống Oresol – lưu ý cách pha theo đúng hướng dẫn)
- Lưu ý: Để tránh tiêu chảy, người bệnh chỉ cần tuân thủ những điều trên, không cần nhịn ăn hoặc chỉ ăn cháo trắng chỉ vì muốn tránh đi ngoài
Táo bón
- Tăng cường rau xanh và thực phẩm nhiều chất xơ như yến mạch, khoai lang, súp lơ xanh
- Không bỏ bữa, ăn chậm nhai kỹ
- Uống nhiều nước, tạo thói quen uống 1 cốc nước ấm vào buổi sáng ngay khi ngủ dậy
Chế độ tập luyện ở người bệnh CML
Việc tập luyện thể dục đúng cách, đều đặn sẽ giúp người bệnh giảm mệt mỏi, tăng khối lượng cơ và sức mạnh cơ bắp, nâng cao sức bền và tính linh hoạt trong hoạt động của người bệnh. Quá trình tập luyện còn kích thích cơ thể tăng cường sản xuất hormone hạnh phúc (như endorphin, dophamin), giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo âu, và trầm cảm. Điều này đặc biệt quan trọng vì tinh thần lạc quan sẽ giúp quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tập luyện cũng giúp tăng nhu động ruột, cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, giúp người bệnh tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện giấc ngủ, tăng cường chức năng hệ miễn dịch, giảm một số triệu chứng/tác dụng phụ của thuốc gặp phải trong quá trình điều trị như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn….từ đó hỗ trợ người bệnh duy trì liệu trình điều trị liên tục và hiệu quả.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh CML cần lưu ý:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Mỗi người bệnh có mức độ sức khỏe khác nhau nên cần thảo luận với bác sĩ để chọn lựa bài tập phù hợp. Trong quá trình tập luyện, nếu thấy đau hoặc khó chịu, nên dừng ngay bài tập và thông báo cho bác sĩ.
- Luyện tập theo khả năng cơ thể chứ không nên tập quá sức. Hãy bắt đầu từ cường độ thấp và tăng dần nếu cảm thấy khỏe hơn.
- Duy trì lịch trình ổn định: Tập luyện đều đặn và kiên trì sẽ giúp tối đa hóa lợi ích, từ đó tăng cường sức khỏe và hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.
Điều trị bệnh CML là một quá trình lâu dài. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ chất và tập luyện khoa học là rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng sống cũng như tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Người bệnh CML cần được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa và các chuyên gia dinh dưỡng.
ThS.BS. Vũ Hồng Nhung
Khoa Điều trị hóa chất
Viện Huyết học – Truyền máu TW
Tài liệu tham khảo:
1. www.cancer.org/cancer/managing-cancer/side- effects.html
2. Living Well with Chronic Myeloid Leukaemia
3. American Cancer Society Guidelines on Nutrition and Physical Activity for Cancer Prevention
4. American Cancer Society Nutrition and Physical Activity Guidelines for Cancer Survivors
Bài viết liên quan
Xét nghiệm theo dõi điều trị lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt
27 Tháng Hai, 2024Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia – CML) hay còn gọi là ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt, thường gặp nhiều ở…
03 yếu tố quyết định thành công trong điều trị CML
24 Tháng Tư, 2024Với sự ra đời của liệu pháp điều trị nhắm đích (TKIs), điều trị lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML) hay lơ xê mi dòng tủy mãn…
Vai trò của tuân thủ điều trị và xét nghiệm thường quy với người bệnh CML
27 Tháng Năm, 2024Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML) là một bệnh ác tính hệ tạo máu, đặc trưng bởi sự tăng sinh các tế bào dòng bạch cầu hạt…