Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chương trình KC.10/16-20: Làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại đạt trình độ thế giới trong lĩnh vực Y- Dược

Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (mã số KC.10/16-20), được đánh giá là chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước thành công nhất. Viện Huyết học – Truyền máu TW tham gia với nhiệm vụ “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu”.

Sáng 27/10/2021, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 đã tổ chức Hội nghị tổng kết sau 5 năm thực hiện. Đây là Chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ năm 2016 với mục tiêu nhằm ứng dụng và phát triển các kỹ thuật, KH&CN tiên tiến trong lĩnh vực Y – Dược, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao.

Sau 5 năm, Chương trình KC.10/16-20 đã triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bổ đều ở các nội dung nghiên cứu. Trong đó, có 41 công bố quốc tế, đào tạo 79 thạc sĩ, 7 bác sĩ nội trú, 49 tiến sĩ và đào tạo nâng cao trình độ KH&CN cho hơn 1.000 nhà khoa học tham gia nghiên cứu các đề tài.

Cũng thông qua thực hiện Chương trình, các nhà khoa học trong lĩnh vực Y – Dược đã công bố 36 bài báo quốc tế uy tín, 223 bài báo khoa học trong nước, đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích…

GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết: “Một trong những thành công lớn nhất của Chương trình đó là nhiều kỹ thuật trước đây chúng ta chưa làm được hoặc đã làm được nhưng kết quả còn hạn chế, thì đến nay đã thực hiện ở trong nước khá phổ biến. Những kết quả này đã đưa trình độ KH&CN về Y – Dược nước ta tránh tụt hậu và theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có một số lĩnh vực ngang hàng với các nước tiên tiến”.

Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với đi nước ngoài điều trị như ghép phổi, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị…

Hầu hết các nhiệm vụ tạo ra các giải pháp và công nghệ mới có kết quả đều được ứng dụng ngay trong thực tiễn, điển hình như: Sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được ứng dụng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai; Sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu đang được ứng dụng điều trị Viện Huyết học truyền máu Trung ương…

Ghi nhận những đóng góp từ Chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao và bày tỏ ấn tượng: “Kết quả mang lại là những tâm huyết, đam mê của các thầy thuốc, chuyên gia, nhà khoa học vừa làm công tác chuyên môn, vừa là những người nghiên cứu chuyên sâu. Chương trình KC.10/16-20 đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nhưng sẽ trọn vẹn và mang ý nghĩa kinh tế – xã hội hơn nếu kết nối được nhiều hơn nữa với khu vực doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai Chương trình Phát triển thị trường KH&CN được Chính phủ phê duyệt và gợi ý để doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng các nhà khoa học.

Giai đoạn tiếp theo, theo Thứ trưởng, Bộ KH&CN đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN, trong đó có Chương trình KC.10. Để nâng cao hiệu quả, Bộ đang thay đổi trong công tác quản lý, tập trung xử lý, điều chỉnh các thông tư, hướng dẫn quản lý các chương trình để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học đam mê cống hiến, tập trung cao nhất cho chuyên môn và không bị khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thuộc chương trình KC.10/16-20, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện thành công nhiệm vụ “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu”.

Đề tài do TS. Bạch Quốc Khánh làm chủ nhiệm, được thực hiện từ 11/2016 đến 10/2020, nghiệm thu cấp Nhà nước vào tháng 12/2020.

TS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu trước Hội đồng vào tháng 12/2020 (ảnh: Công Thắng).

Đề tài đã tạo ra các quy trình tạo nguồn và quy trình ứng dụng tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng để điều trị lơ xê mi cấp dòng tủy và lơ xê mi cấp dòng lympho. Những kết quả từ đề tài đã đem lại nguồn tế bào gốc mới cho các bệnh nhân mắc bệnh máu, có chỉ định ghép nhưng đang khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tế bào gốc. Khả năng tìm kiếm được mẫu tế bào gốc máu dây rốn phù hợp trong đề tài rất cao (95 – 100%).

Kết quả của quá trình tạo nguồn đã đem lại 1.307 đơn vị tế bào gốc từ máu dây rốn với chất lượng sau thu thập, xử lý và bảo quản đều đạt hoặc cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế (NetCord). Quá trình tìm kiếm các đơn vị tế bào gốc từ máu dây rốn đủ tiêu chuẩn đã tuyển chọn ghép được cho 15 bệnh nhân lơ xê mi cấp (gồm 10 bệnh nhân lơ xê mi cấp dòng tủy và 05 bệnh nhân lơ xê mi cấp dòng lympho).

GS. TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đồng thời là Tổ trưởng Tổ chuyên gia, tư vấn nhiệm vụ này đã đánh giá cao các đóng góp của đề tài với việc xây dựng được và tối ưu hóa các quy trình ứng dụng tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, triển khai được phần mềm tìm kiếm tế bào gốc máu dây rốn hữu hiệu, tiện lợi; chất lượng bệnh án, hồ sơ theo dõi sau ghép của bệnh nhân rất tốt.

“Nghiên cứu đã mở ra những triển vọng mới cho ứng dụng điều trị bệnh máu, có đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng và các nhà khoa học”, GS. TS. Phạm Gia Khánh khẳng định (ảnh: Công Thắng).

Các thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ cấp Nhà nước xem xét, thăm quan, đánh giá các sản phẩm từ đề tài (ảnh: Công Thắng).

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Thành viên Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài cũng nhận định: “Đề tài có tính khoa học và thực tiễn, có giá trị nhân văn, được triển khai công phu với khối lượng công việc khổng lồ, số lượng sản phẩm phong phú…”

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan