Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chuyện về cô giáo lạc quan, coi bệnh tật như “người bạn phương xa” lâu ngày thăm hỏi

Say mê bên trang giáo án mỗi ngày và có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn, có lẽ trong mơ cô Lê Thị Kim Dung (Hà Nội) cũng không thể nghĩ rằng căn bệnh đa u tủy xương lại gõ cửa gọi tên mình. Biến cố xảy đến với cô thật bất ngờ và đột ngột, thế nhưng, bằng bản lĩnh cùng ý chí kiên cường, cô đã vượt qua tất cả.

Trải qua bao thăng trầm từ ngày phát bệnh, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan, miệng luôn nở nụ cười và chưa một lần trách than số phận…

Cô Lê Thị Kim Dung là một trong số các bệnh nhân từng điều trị đa u tủy xương tại Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Quá trình phát hiện và điều trị bệnh của cô là cả một câu chuyện dài, một chặng đường trải bao sóng gió, thử thách.

Là giáo viên môn ngữ văn giảng dạy tại nhiều trường cấp 3 có tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội như THPT Lương Thế Vinh, THPT Tạ Quang Bửu… đều đặn mỗi ngày cô vẫn lên lớp, cùng những cô cậu học trò tìm hiểu, nghiên cứu, dành tình yêu cho các tác phẩm văn chương. Cuộc sống cứ êm ả trôi qua cho tới khi cô cảm thấy cơ thể xuất hiện những cơn đau lưng bất thường vào năm 2018…

Hình ảnh đời thường của cô Dung bên các học trò thân yêu.

Trải qua quá trình thăm khám ở nhiều nơi, áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu nhưng cơn đau không hề thuyên giảm. Trong một lần kiểm tra tại Bệnh viện Bưu điện, kết quả cho thấy cô bị sập đa tầng cột sống. Chỉ trong 4 tháng ngắn ngủi, cô Dung trải qua ba lần phẫu thuật. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi vẫn thản nhiên và nhẹ nhàng đón nhận mọi chuyện. Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô Dung kể: “Lần thứ 3 cô vào buồng phẫu thuật, cả ekip mổ ai cũng bất ngờ vì cô quá tự tin, không hề có chút lo lắng nào. Lúc đó cô chỉ nghĩ, mình buồn hay khóc cũng không ai đau hộ được cho mình. Thế nên xảy ra chuyện gì cô cũng hoan hỷ đón nhận, kể cả đó là có là trường hợp xấu nhất”. Tinh thần tuyệt vời ấy của cô Dung ngay từ những ngày đầu khi manh nha phát hiện bệnh đã trở thành nền móng vững chắc giúp cô chiến thắng bệnh tật, bởi sau cuộc phẫu thuật lần thứ 3, sóng gió mới thật sự bắt đầu…

Một tháng sau cuộc phẫu thuật cột sống, những cơn đau của cô Dung chẳng những không dứt mà còn có dấu hiệu nghiêm trọng lên rất nhiều. Điều tệ hơn lúc này chính là việc cô cảm thấy hai chân và phần hông dưới đã gần như tê liệt. Gia đình cô lo lắng, cố tìm ra phương cách giúp cô điều trị. Quãng thời gian ấy, cô Dung ghi nhớ tới từng chi tiết nhỏ. Đúng 8h ngày 5/1/2021, chiếc xe cấp cứu đưa cô tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cũng từ đây, cô bắt đầu một cuộc chiến mới với căn bệnh đa u tủy xương.

Trong quá trình dài đầy gian nan khi liên tục phải đấu tranh với bệnh tật, dù đau đớn nhưng chưa một lần cô Dung cho phép mình được khóc. Những giọt nước mắt chỉ rơi khi đó là giọt nước mắt của hạnh phúc. Sau 7 ngày điều trị tại Viện Máu, những ngón chân của cô bắt đầu có ý thức và dần cử động trở lại. Lúc ấy cô mừng lắm, cô khóc vì mình còn hy vọng, cô khóc vì những nỗ lực của mình cuối cùng cũng có kết quả. Phép màu dường như đã xuất hiện, sau một tháng điều trị, cô bắt đầu có khả năng đi lại, kết thúc 3 đợt điều trị hóa chất, cô gần như đi lại bình thường. Khép lại đợt điều trị thứ 8 cũng là lúc cô được ra viện và gần như sức khỏe hoàn toàn ổn định.

Thời gian đầu khi mới phát bệnh, cô Dung phải ngồi xe lăn và không thể đi lại. Tuy nhiên mỗi khi có dịp, cô vẫn thường tham gia các chương trình thiện nguyện do Viện tổ chức, không để phút giây nào trôi qua vô nghĩa.

Cô Dung cũng là người luôn động viên, quan tâm và khích lệ tinh thần những người đồng bệnh.

Giờ đây, khi quay trở lại với cuộc sống bình thường, cô vẫn ghi nhớ và luôn thầm cảm ơn tới các y bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Giãi bày những cảm xúc, kỷ niệm về thời gian điều trị tại Viện Máu, cô nghẹn ngào tâm sự: “Ngay từ những ngày đầu nhập Viện, cô đã cảm thấy ở đây có một không khí ấm áp như trong gia đình, điều này giúp cô yên tâm tuyệt đối. Cô tin tưởng hoàn toàn vào Viện Huyết học, vào các y bác sĩ cùng đội ngũ nhân viên y tế tại đây. Có lần cô hỏi một bạn điều dưỡng, tại sao Viện đông bệnh nhân mà các cháu lúc nào cũng vui vẻ, ân cần như vậy? Câu trả lời nhận được sau đó đã khiến cô rất xúc động: “Các cô đã mệt mỏi với bệnh tật rồi, chúng cháu lại làm gì để các cô suy nghĩ là chúng cháu cảm thấy rất có lỗi”, những chi tiết ấy cô chẳng bao giờ quên được”.

Kết thúc điều trị, cô Dung luôn duy trì tập luyện mỗi ngày và kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn.

Từ cuộc hành trình mà cô Dung đã trải qua, chúng ta lại càng cảm nhận rõ câu nói “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” ý nghĩa tới nhường nào. Tai ương, vận hạn trên đời là điều không ai có thể tránh khỏi, thế nhưng, khi đủ can đảm để đối diện thì mọi thứ sẽ đều trở nên rất nhẹ nhàng.

Dành riêng một góc nhỏ trong tâm hồn, cô Dung gói gém và cất đi những ký ức không vui về biến cố đã qua. Cô cũng mong muốn gửi gắm tới tất cả những ai rơi vào hoàn cảnh giống như mình hãy luôn tin tưởng vào nền y học hiện nay, tin tưởng vào tài năng của đội ngũ y bác sĩ nước nhà và đặc biệt phải giữ một tinh thần thoải mái, coi bệnh tật như “người bạn phương xa” lâu ngày thăm hỏi – mọi điều tốt đẹp và tươi sáng vẫn luôn còn ở phía trước…

Quang Hải

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan