Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Ghép tế bào gốc điều trị bệnh đa u tủy xương: Những tiến bộ đáng ghi nhận

Ghép tế bào gốc tự thân (Autologous stem cell transplant – ASCT) cho bệnh nhân đa u tuỷ xương đã được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh đa u tủy trong gần 4 thập kỷ (1983). Ghép tế bào gốc tự thân bản chất là điều trị hoá chất liều cao, sau đó có sự hỗ trợ tế bào gốc để giúp tuỷ xương của bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Các bác sĩ cố gắng điều trị tấn công để giảm gánh nặng khối u (tiêu diệt càng nhiều tế bào tương bào gây bệnh càng tốt) trước khi thu thập tế bào gốc và tiến hành điều trị hoá chất liều cao (High Dose Therapy- HDT).

Ngay cả khi bệnh nhân chưa có đáp ứng đáng kể đối với điều trị tấn công ban đầu, bệnh nhân vẫn có thể được tiến hành lấy tế bào gốc, sau đó truyền hoá chất liều cao và ghép tế bào gốc, sẽ giúp bệnh lui thêm. Đáp ứng sau hoá chất liều cao quan trọng hơn nhiều so với đáp ứng trước đó, miễn là bệnh vẫn chưa tiến triển.

Tổng quan

Ghép tế bào gốc tự thân (ASCT) là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện, được cá thể hóa, được chỉ định cho những bệnh nhân đa u tuỷ xương đủ điều kiện – mang đến cho bệnh nhân cơ hội tốt nhất đạt đáp ứng sâu và kéo dài đáp ứng (giai đoạn không có triệu chứng của bệnh đa u tủy xương hoặc xét nghiệm không thấy có tương bào bất thường).

Theo hướng dẫn thực hành lâm sàng của mạng lưới ung thư quốc gia Mỹ, ASCT vẫn là phương pháp điều trị chuẩn cho những bệnh nhân đa u tuỷ xương mới chẩn đoán đủ điều kiện. ASCT là kỹ thuật sử dụng tế bào gốc tạo máu (tế bào tạo ra nhiều loại tế bào máu) của chính bệnh nhân (tự thân) để giúp khôi phục các dòng tế bào máu và hệ thống miễn dịch của họ sau khi truyền hoá chất liều cao – melphalan, một loại hoá chất mạnh không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt các tế bào tạo máu bình thường trong tuỷ xương. Do đó, tránh được những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh trong quá trình ghép cần có tế bào gốc tạo máu hỗ trợ.

TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn về chủ đề Những tiến bộ trong điều trị đa u tuỷ xương

Ghép tế bào gốc điều trị bệnh đa u tủy xương

  • Chỉ định ghép: Ghép tế bào gốc tự thân là chỉ định hàng đầu hiện nay trong điều trị đa u tuỷ xương. Tất cả các bệnh nhân đa u tủy xương mới được chẩn đoán cần được đánh giá có đủ tiêu chuẩn để ghép tế bào gốc tự thân hay không, để từ đó là cơ sở lựa chọn hướng điều trị dựa trên tính cá thể. Quyết định ghép dựa trên thể trạng người bệnh, chức năng các cơ quan và tình trạng bệnh hơn là tuổi của người bệnh.
  • Lựa chọn bệnh nhân đa u tuỷ xương ghép tự thân:

Ngày nay, nhiều bệnh nhân được chỉ định cho ASCT hơn so với trước đây vì tuổi không phải là rào cản tuyệt đối đối với việc ghép, sự phù hợp của bệnh nhân để ghép dựa trên sức khỏe tổng thể.

Nhiều yếu tố khác nhau như thể lực và tình trạng sức khỏe yếu ảnh hưởng đến khả năng hội tụ đủ điều kiện tham gia ASCT của bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân có thể có nhiều bệnh đi kèm và nhiều mức độ hoạt động khác nhau ảnh hưởng đến phản ứng không mong muốn, tuân thủ và dung nạp các phương pháp điều trị bao gồm ASCT. Điều quan trọng là các quyết định điều trị cho mỗi bệnh nhân không chỉ xem xét đến tuổi tác mà còn cả tình trạng lâm sàng và chức năng.

Hướng dẫn về yêu cầu đủ điều kiện ghép của bệnh nhân có thể khác nhau giữa các trung tâm ung thư; do đó, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa đa u tuỷ xương về khả năng đủ điều kiện tham gia ASCT, cũng như các rủi ro và lợi ích và—nếu ASCT là một lựa chọn—khi nào nên được đưa vào kế hoạch điều trị của họ.

Tuổi: Hầu hết chỉ định ghép tế bào gốc tự thân đối với người bệnh dưới 70 tuổi; tuy nhiên nếu người bệnh trên 70 tuổi nhưng có thể trạng tốt thì vẫn có thể chỉ định ghép, còn nếu dưới 70 tuổi nhưng thể trạng kém thì không có chỉ định.

  • Thời điểm ghép:

Sau điều trị tấn công đạt lui bệnh hoàn toàn hoặc lui bệnh một phần, cần lựa chọn những người bệnh chưa điều trị các thuốc ảnh hưởng đến tế bào gốc như melphalan, lenalidomide…

  • Vấn đề ghép sớm ngay hay trì hoãn: Ghép tự thân nên cân nhắc cho tất cả các bệnh nhân có chỉ định và đủ điều kiện ghép; nhưng có thể trì hoãn ghép tự thân cho đến khi tái phát lần 1 ở nhóm nguy cơ chuẩn/tốt có đáp ứng với điều trị tấn công, nhưng đã được lấy tế bào gốc sau 4 đợt điều trị;
  • Ghép 2 lần liên tiếp (tandem): Được xem xét chỉ định ở bệnh nhân không đạt được lui bệnh một phần rất tốt (VGPR) sau ghép lần 1 hoặc một số trường hợp lựa chọn như nhóm nguy cơ cao có del (17p)… ngay sau điều trị tấn công;
  • Ghép lần 2: Cân nhắc chỉ định ở bệnh nhân tái phát sau ghép lần 1 với các tiêu chuẩn sau:
    • Bệnh nhân phải đạt thêm lui bệnh sau ghép lần 1 hay có đáp ứng sau ghép;
    • Bệnh nhân dung nạp tốt với ghép lần 1;
    • Thời gian sống không bệnh (PFS) sau ghép lần 1 ít nhất từ 18 tháng nếu không điều trị duy trì sau ghép hoặc 36 tháng nếu đang điều trị duy trì.
Mời xem thêm: Chẩn đoán và điều trị bệnh đa u tuỷ xương đủ điều kiện ghép

Các bước trong ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân đa u tuỷ xương

điều trị bệnh đa u tủy xương

Quy trình ghép tế bào gốc tự thân

1. Thu thập, gạn tách tế bào gốc:

  • Có 2 nguồn tế bào gốc để ghép tự thân là từ tuỷ xương và máu ngoại vi. Tuy nhiên, trong ghép tự thân chủ yếu sử dụng nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi của chính bệnh nhân và được gọi là cấy ghép ASCT hoặc ghép tế bào gốc máu ngoại vi tự thân (PBSC). Tế bào gốc được thu gom sau khi huy động bằng G-CSF đơn thuần hay có thể phối hợp hoá chất để “mồi” nhằm huy động và thu gom được số lượng cao tế bào gốc.
  • Tiến hành gạn tách bằng hệ thống máy tách tế bào đặc biệt và có thể lấy tế bào gốc đủ cho 2 lần ghép.

2.  Lưu trữ và bảo quản tế bào gốc:

  • Truyền tươi tế bào gốc: Khối tế bào gốc được bảo quản và lưu trữ ở nhiệt độ 2°C đến 8°C (trong thời hạn 72 giờ). Hoặc truyền tế bào gốc được lưu trữ và bảo quản ở điều kiện âm sâu (-196).

3.  Điều kiện hoá cho người bệnh và sau đó truyền tế bào gốc:

  • Truyền hoá chất liều cao với mục đích nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư tối đa, sau đó có sự hỗ trợ của truyền tế bào gốc.

4.  Mọc mảnh ghép, hồi phục và tác dụng không mong muốn:

  • Trong vòng 2 tuần sau truyền tế bào gốc các tế bào máu mới sẽ hồi phục dần dần – được gọi mọc mảnh ghép. Ca ghép thành công là mọc các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu bình thường. Thông thường thời gian ghép khoảng 3 tuần tính từ truyền hoá chất cho đến khi mọc mảnh ghép và hồi phục hoàn toàn.

Bệnh nhân thường có biểu hiện:

  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Loét miệng họng
  • Giảm các tế bào máu

Mệt mỏi

  • Có thể kéo dài 1-3 tháng
Buồn nôn và nôn
  • Có thể kiểm soát tốt hơn bằng các thuốc chống nôn
  • Cố gắng dự phòng nôn
Tiêu chảy
  • Có thể kèm co thắt dạ dày
  • Khuyến khích chia nhỏ bữa để ăn
  • Tránh các thực phẩm từ sữa và các thực phẩm nhiều chất xơ
Viêm loét niêm mạc
  • Loét, đau miệng và có thể kèm loét họng
  • Cho thuốc giảm đau, nước súc miệng
  • Tránh thức phẩm: cay, chua, mặn, nhiều gia vị
  • Nên ăn thực phẩm mềm dễ hấp thu
Giảm tế bào máu
  • Bạch cầu giảm – nguy cơ nhiễm trùng cao, cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh
  • Hồng cầu và tiểu cầu cũng bị giảm, nên cần truyền máu
  • Các tế bào máu hồi phục sau khi truyền hoá chất khoảng từ 10-12 ngày.

Lưu ý:

  • Các bệnh nhân trong quá trình ghép tự thân cần phải được theo dõi sát, cần điều trị hỗ trợ để hạn chế và xử lý các biến chứng không mong muốn.
  • Hóa chất liều cao tấn công các tế bào khỏe mạnh, cũng như các tế bào ung thư nên nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng lên. Điều quan trọng là bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân phải tuân theo hướng dẫn của nhân viên chăm sóc y tế để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Rụng tóc cũng là một tác dụng phụ thường gặp. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra nhưng không thường xuyên bao gồm tổn thương phổi, gan và thận.

Con đường để hồi phục

Sau ASCT, bác sỹ sẽ đề xuất một kế hoạch điều trị có tính cá thể cho từng bệnh nhân về kế hoạch điều trị sau ghép bao gồm: điều trị củng cố và duy trì.

điều trị bệnh đa u tủy xương

Con đường để bệnh nhân hồi phục sau ghép cần có thời gian. Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy mệt mỏi, có thể kéo dài 1-3 tháng. Có thể phải mất 3-6 tháng để bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Việc theo dõi liên tục có thể bao gồm xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết tủy xương và xác định bệnh tồn dư tối thiểu còn lại (MRD), có thể xác định số lượng tế bào u tủy còn sót lại sau ASCT.

BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, TS. Vũ Đức Bình, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh

*Bài viết được hỗ trợ bởi Takeda

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan