Hạnh phúc đến từ những điều bình dị nhất
Hạnh phúc là gì? Làm thế nào để được hạnh phúc? Không biết từ bao giờ những câu hỏi ấy khiến bao người trên thế giới loay hoay tìm lời đáp. Không ít người giàu có, thành công vẫn thấy mình bất hạnh. Nhưng cũng có những người dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, lo toan vẫn tìm thấy hạnh phúc của riêng mình từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất.
Có sức khỏe là hạnh phúc
Sinh năm 1990 ở một làng quê nghèo thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, chàng trai trẻ Phạm Văn Toan đã sinh sống tại Hà Nội đã hơn 10 năm. Toan làm cùng lúc 2 công việc là công nhân dệt may và tài xế Grab. Hàng ngày cứ xong 8 tiếng làm việc tại xưởng, Toan lại rong ruổi với những cuốc xe trên đường. Tranh thủ thời gian trống, Toan đến hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Phạm Văn Toan trong một lần tham gia hiến máu.
Cách đây hơn 10 năm, không may mẹ Toan lâm trọng bệnh phải mổ thận, lá lách nhưng đúng thời điểm thiếu máu nên bệnh viện phải huy động người nhà đi hiến. Sau ca mổ “cân não”, mẹ Toan may mắn thoát khỏi cửa tử, từ đó chàng trai trẻ giác ngộ nhiều điều về cuộc sống, sức khỏe và ý nghĩa của việc hiến máu. Suốt 10 năm qua, Toan đều đặn hiến máu giúp những người kém may mắn và luôn chọn mức cao nhất 450ml.
Làm cùng lúc 2 công việc đều “vất vả” theo quan niệm của nhiều người nhưng Toan cho biết không hề thấy mệt. Ngược lại khuôn mặt cậu luôn hiện hữu nụ cười rạng rỡ trên môi.
“Em không thấy mệt chút nào, chỉ thấy tối về ăn ngon, ngủ ngon hơn thôi. Với em, hạnh phúc nhất là được thấy mẹ được mạnh khỏe, bình an và mình có đủ sức để hiến máu giúp đỡ cho ai đó. Hiện giờ em chưa có gì trong tay nhưng chỉ cần sức khỏe tốt là em thấy đã may mắn hơn rất nhiều người rồi”, Toan hồ hởi chia sẻ trước khi bắt đầu cuốc xe đầu tiên trong ngày.
Hạnh phúc là thấy các con khôn lớn, trưởng thành
Đó là chia sẻ của anh Lê Hồng Minh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) khi đang tham gia hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Bắt đầu “bén duyên” với Viện từ năm 2018, đến nay anh Minh đã có hơn 30 lần hiến máu và hiến tiểu cầu tình nguyện. Vì điều kiện công việc của một kỹ sư xây dựng, anh Minh phải sống xa gia đình và chỉ có thể về nhà với vợ con vào cuối tuần. Thời gian hạn hẹp và công việc bận rộn là thế, nhưng cứ đủ 21 ngày là anh thu xếp thời gian đến viện đăng ký hiến tiểu cầu.
Anh Lê Hồng Minh (thứ 3 từ phải sang) là một trong những cá nhân hiến tiểu cầu tiêu biểu được nhận giấy khen của Viện Huyết học – Truyền máu TW (ảnh: Công Thắng).
Hạnh phúc với anh Minh không phải điều gì quá xa vời mà chính là những điều giản dị gắn liền trong cuộc sống hàng ngày. “Mỗi tuần trở về nhà nhìn thấy người thân khỏe mạnh, sống vui vẻ, còn mình làm được những việc nho nhỏ giúp ích cho cộng đồng. Đấy chính là hạnh phúc”, anh Minh chia sẻ.
Ở tuổi 36 khi cuộc sống và công việc dần đi vào ổn định, anh Minh cho biết lúc này mong ước lớn nhất của mình không phải là sự nghiệp hay tiền tài, vật chất mà chính là những đứa con.
“Nhà cửa, xe cộ cũng tạm đủ so với mức sống ở quê thôi nhưng tôi không kỳ vọng nhiều. Các con ngoan ngoãn, trưởng thành, biết yêu thương, san sẻ mới là niềm mong mỏi lớn nhất của vợ chồng tôi”, anh Minh cho hay.
Hạnh phúc là được thấy nụ cười của những em bé kém may mắn
Chị Trần Thị Kim Oanh, 54 tuổi, sống tại Hà Nội, là họa sỹ và là một giáo viên dạy vẽ cho trẻ tự kỷ. Đã ở tuổi ngũ tuần và trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, niềm vui của chị Oanh chính là thấy nụ cười của các em bé kém may mắn.
“Với trẻ bình thường, trò chơi về màu sắc, hình khối luôn làm trẻ thích thú nhưng với trẻ tự kỷ việc dạy các bé có thể phân biệt về màu, hình dạng đúng luôn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên tôi vui vì sau những nỗ lực, kiên trì của mình, các con dần tiến bộ. Không chỉ vẽ, các con còn biết kể chuyện và chia sẻ với cô những điều mà có khi con không nói được với bố mẹ. Nhìn nụ cười của các bé, bao muộn phiền trong cuộc sống của tôi dường như đều tan biến.”
Không chỉ dạy vẽ cho trẻ tự kỷ, chị Oanh còn chọn cho mình một niềm vui khác là hiến máu tình nguyện. Với nữ họa sỹ ấy, việc mở lòng để chia sẻ với những những người xung quanh cũng là cách để bản thân mình thấy hạnh phúc hơn.
Niềm hạnh phúc của chị Oanh khi cứ đều đặn cho đi giọt máu hồng.
“Tôi quan niệm, mỗi người đều có những giá trị riêng, nhưng mình thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa nhất khi có thể giúp đỡ ai đó, đặc biệt là khi họ thật sự cần mình. Chúng ta hãy mở lòng trước là với người thân trong gia đình mình, bạn bè, đồng nghiệp, sau là với những người xa lạ, số phận nhiều thiệt thòi. Chỉ khi ta mở lòng thực sự, ta mới cảm nhận thế nào là một hạnh phúc trọn vẹn”, chị Oanh chia sẻ.
Quả thực, mỗi người trong chúng ta đều có cảm nhận riêng về hạnh phúc. Mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Với người này, mục tiêu sẽ là kiếm thật nhiều tiền để có kinh tế sung túc, đủ đầy. Với người khác, đó là khi sự nghiệp thành công, cuộc sống viên mãn. Nhiều người lại đi tìm cho mình niềm hạnh phúc bình dị nhưng cao đẹp, đó là làm những điều thiện nguyện cho cộng đồng mà không đòi hỏi được đền đáp.
Nguyễn Trang
Bài viết liên quan
Những người gieo hạt giống tâm hồn
19 Tháng Mười Một, 2019“…Có một nghề không trồng cây vào đất. Mà cho đời những đóa hoa thơm…” Các thầy giáo, cô giáo không chỉ là cầu nối tri thức mà còn là…
Những “bông hoa đẹp” say mê hiến máu
08 Tháng Ba, 2021Có ai đó nói rằng phụ nữ là những nhành hoa mỏng manh cần được yêu thương và nâng niu. Tuy nhiên phụ nữ không chỉ là hoa, là phái…
Một lời kêu gọi, ngàn trái tim đáp lời, vạn người bệnh thêm hi vọng
24 Tháng Hai, 2021Lần thứ 2 trong tháng 2 năm nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW phải phát đi lời kêu gọi hiến máu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ước…
Mong ước hạnh phúc của những bạn nhỏ ung thư máu
19 Tháng Ba, 2021Có những cô bé, cậu bé mới chỉ bước vào những năm đầu tiểu học đã phải gồng mình chiến đấu với bệnh ung thư máu, nhưng các con vẫn…