Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hưởng ứng ngày An toàn người bệnh Thế giới 17/9/2022

Ngày 17 tháng 9 hàng năm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Ngày An toàn người bệnh Thế giới. Chủ đề được lựa chọn năm 2022 là “An toàn trong sử dụng thuốc”.

Chiến dịch toàn cầu Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm nay tái khẳng định các mục tiêu của WHO: “Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” đã được WHO phát động từ năm 2017. Chiến dịch kêu gọi các bên liên quan ưu tiên hành động sớm để ngăn ngừa các tổn hại có thể ảnh hưởng cho người bệnh do các hành vi không an toàn liên quan đến thuốc. Những hành vi này bao gồm các tình huống nguy cơ trong chăm sóc, điều trị như dùng quá nhiều loại thuốc, dùng các loại thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau.

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO thì sai sót thuốc và thực hành thuốc không an toàn là nguyên nhân dẫn đầu về các sự cố có thể ngăn ngừa được, thiệt hại 42 tỷ USD mỗi năm, các sai sót này xảy ra ở tất cả các khâu trong hệ thống quản lý sử dụng thuốc từ mua sắm, bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng, theo dõi… bao gồm cả yếu tố về việc thiếu nhân lực, trang thiết bị đạt chất lượng, môi trường làm việc ; đó là lý do chương trình sử dụng thuốc không gây hại – “Medication without harm” đã được sử dụng là nội dung cho ngày an toàn bệnh nhân thế giới 2022 (17.9.2022 – Work Safety Day 2022) với mục tiêu giảm 50% hậu quả nghiêm trọng và sai sót có thể phòng tránh được trong 5 năm tới trên toàn cầu.

Mục tiêu của Ngày An toàn người bệnh Thế giới 2022:

1. Nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, đồng thời ủng hộ hành động khẩn cấp để cải thiện An toàn sử dụng thuốc.

2. Tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc.

3. Hướng dẫn người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn.

4. Tích cực triển khai Chiến dịch An toàn người bệnh toàn cầu của WHO: Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.

Cụ thể, có 05 thời điểm an toàn khi sử dụng thuốc:

1. Khi kê đơn thuốc: Bác sỹ cần kiểm tra tên thuốc, tác dụng của thuốc, tác dụng phụ của thuốc

2. Khi kê thêm thuốc mới: Bác sỹ cần xác định có cần kê thêm thuốc, có phản ứng với thuốc khác

3. Khi sử dụng thuốc: Người bệnh cần hiểu rõ thời điểm dùng, liều lượng mỗi lần dùng, cách xử lý khi có tác dụng phụ

4. Khi đánh giá hiệu quả điều trị: Người bệnh cần hỏi bác sỹ sử dụng thuốc trong bao lâu, có thuốc nào không cần sử dụng

5. Khi dừng sử dụng thuốc: Người bệnh cần hỏi bác sỹ thời điểm dừng, dừng thuốc do tác dụng phụ thì cần báo cáo với ai

Người bệnh có quyền được thông tin để hiểu và biết thêm thuốc được sử dụng sẽ có tác dụng gì trong cơ thể. Để giúp cho việc điều trị, hãy hỏi bác sĩ trong quá trình thăm khám và tư vấn.

Việc uống thuốc đúng thời gian rất quan trọng để đảm bảo thuốc có tác dụng tốt nhất và ít tác dụng bất lợi nhất (như dùng thuốc trước hay sau ăn, thuốc uống sáng hay tối). Căn cứ tác dụng và đặc điểm của thuốc, bác sĩ sẽ cho hướng dẫn trên toa hoặc dược sĩ tư vấn tại nhà thuốc sẽ tư vấn kỹ khi cấp phát, bạn cũng nên chủ động hỏi các thông tin này để đảm bảo quyền được thông tin đầy đủ và sử dụng thuốc đúng cách.

Cần hỏi kỹ dược sĩ về cách bảo quản thuốc, đặc biệt là các thuốc cần bảo quản lạnh, một số thuốc có thể thay đổi điều kiện bảo quản sau khi dùng (ví dụ nhiều thuốc insulin khi chưa sử dụng cần bảo quản lạnh 2-8oC, khi sử dụng liều đầu tiên rồi thì phải bảo quản ở nhiệt độ phòng…).

Thông thường thuốc đa liều (như thuốc siro, thuốc lọ bột kháng sinh cần pha với nước sử dụng trong nhiều ngày…) có hạn dùng chưa mở nắp (expiry date) được in trên hộp thuốc và hạn dùng sau mở nắp (BUD – Beyond-Use Date) thường ngắn hơn, hỏi kỹ dược sĩ hạn dùng sau mở nắp và điều kiện bảo quản thuốc sau khi pha hoặc mở nắp.

Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là thông tin đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép, thường ghi đầy đủ cho nhân viên y tế sử dụng đồng thời bạn cũng có thể đọc để hiểu thêm về loại thuốc mình sẽ sử dụng, hãy yêu cầu nhà thuốc cung cấp tờ hướng dẫn sử dụng này cho bạn khi muốn tìm hiểu thêm về thông tin thuốc.

Theo WHO, Bộ Y tế

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan