Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Lưu giữ máu dây rốn như thế nào?

 

Máu dây rốn chứa một lượng lớn tế bào gốc (tế bào gốc tạo máu là chủ yếu, ngoài ra còn có tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trung mô và các tế bào gốc đa năng khác). Vì vậy, tế bào gốc từ máu dây rốn có nhiều tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực huyết học và các lĩnh vực khác. Do đó, nhu cầu lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn cho chính bản thân em bé sắp sinh hoặc người thân trong gia đình (tùy theo chỉ định của cơ sở y tế) ngày càng phổ biến. Mời các bạn đọc bài viết dưới đây với sự tư vấn chuyên môn của TS.BS. Nguyễn Bá Khanh, Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW để có câu trả lời cho những câu hỏi về việc lưu giữ máu dây rốn nhé.

Lưu giữ máu dây rốn

Sau khi được xử lý, sản phẩm tế bào gốc từ máu dây rốn được chuyển vào túi 2 ngăn để lưu trữ (ảnh: Công Thắng).

Mời xem thêm: Hiểu biết thú vị về tế bào gốc máu dây rốn

1. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO CÓ THỂ LƯU GIỮ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN DỊCH VỤ?

Tất cả các khách hàng (sản phụ, chồng sản phụ) và thai nhi khỏe mạnh có nhu cầu lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn đều có thể làm hồ sơ đăng ký lưu giữ dịch vụ. Đặc biệt, các trường hợp muốn lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn để chữa bệnh cho anh chị em ruột của em bé sắp sinh (bệnh máu lành tính, bệnh máu ác tính, nhóm bệnh miễn dịch…) sẽ được ưu tiên tối đa.

TƯ VẤN/ĐĂNG KÝ LƯU GIỮ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN

Ngân hàng Tế bào gốc (tầng 5 – nhà T), Viện Huyết học – Truyền máu TW

Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, P. Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3782 4267 (trong giờ hành chính), 0963 892 551 (hotline)

Email: nihbtscc@gmail.com

2. Sản phụ/chồng sản phụ MẮC CÁC BỆNH LÝ NHƯ THẾ NÀO THÌ KHÔNG NÊN LƯU GIỮ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN DỊCH VỤ?

Về cơ bản máu dây rốn dịch vụ sẽ sử dụng cho chính em bé sắp sinh hoặc cho người trong gia đình tùy theo mức độ hòa hợp và chỉ định của bác sĩ nên tiêu chuẩn không quá ngặt nghèo.

Sản phụ mắc một số bệnh truyền nhiễm (HBV, HCV, CMV), bệnh chuyển hóa (đái tháo đường), bệnh mạn tính (tim mạch, tiêu hóa,…), bệnh bẩm sinh (mang gen thalassemia) vẫn có thể lưu giữ máu dây rốn cho em bé sắp sinh nếu chất lượng đơn vị tế bào gốc đảm bảo.

Trường hợp sản phụ mắc bệnh lý liên quan đến ung thư và đã điều trị ổn định (ung thư hạch, ung thư máu, ung thư tuyến giáp…), nếu việc điều trị hoặc bệnh tật không ảnh hưởng đến chất lượng tế bào gốc trong máu dây rốn của em bé sắp sinh thì cũng có thể cân nhắc lưu giữ máu dây rốn.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, khi sản phụ đã hoặc đang có bất kỳ bệnh lý khi mang thai, Ngân hàng Tế bào gốc không thể đảm bảo chắc chắn bệnh lý đó về tương lai lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến tế bào gốc của trẻ hay không.

Nếu gia đình vẫn quyết tâm lưu giữ máu dây rốn, gia đình sẽ được tư vấn kỹ và phải cam kết chấp nhận những nguy cơ nếu đơn vị tế bào gốc máu dây rốn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên trước khi quyết định lưu giữ.

Đối với tiền sử bệnh lý của chồng sản phụ, khuyến cáo cơ bản tương tự như đối với sản phụ nhưng mức độ ảnh hưởng trực tiếp sẽ thấp hơn, gia đình sẽ được tư vấn cụ thể tùy từng trường hợp.

3. THAI NHI CÓ VẤN ĐỀ NHƯ THẾ NÀO THÌ KHÔNG nên LƯU GIỮ tế bào gốc MÁU DÂY RỐN DỊCH VỤ?

Có kết quả xét nghiệm trước sinh nghi ngờ bệnh lý bẩm sinh liên quan đến tế bào gốc tạo máu thì không nên lưu giữ vì nhiều khả năng không sử dụng được về sau. Ví dụ: mắc bệnh tan máu bẩm sinh (xác định bằng xét nghiệm gen), hội chứng Down (vì có nguy cơ tiến triển thành ung thư máu), rối loạn gen/nhiễm sắc thể phức tạp khác…

Nếu sản phụ trong quá trình sinh nở có dấu hiệu nhiễm trùng (sản phụ sốt, dịch ối đục, lẫn phân su, suy thai) thì nguy cơ nhiễm khuẩn cho máu dây rốn cao hơn. Ngân hàng Tế bào gốc sẽ giải thích các nguy cơ cho sản phụ để cân nhắc tiếp tục lưu giữ hay không.

Trường hợp em bé sắp sinh chỉ có các dị tật về mặt hình thái (tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch…), không liên quan đến di truyền và tế bào gốc thì vẫn có thể lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn.

Mời xem thêm: Chuyên gia giải đáp về về tế bào gốc tạo máu và lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn

4. THAI NHI MANG GEN LẶN THALASSEMIA (NHƯNG KHÔNG MẮC BỆNH) THÌ CÓ LƯU GIỮ tế bào gốc MÁU DÂY RỐN DỊCH VỤ ĐƯỢC KHÔNG?

Có thể lưu tế bào gốc máu dây rốn được nếu trẻ chỉ mang gen lặn và không mắc bệnh. Những người chỉ mang gen lặn (không mắc bệnh) hầu như tạo máu bình thường và có thể chỉ biểu hiện thiếu máu nhẹ nên tế bào gốc của họ cũng sẽ sinh máu tương đối bình thường trong cơ thể bệnh nhân sau khi ghép.

Viện Huyết học – Truyền máu TW đã ghép tế bào gốc cho nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thalassemia từ nguồn máu dây rốn mang gen lặn và cho kết quả thành công, bệnh nhân không còn phải truyền máu và có cuộc sống bình thường.

Mời xem thêm:

Thay đổi hai cuộc đời trong một lần chẩn đoán trước sinh

Ghép tế bào gốc giúp em bé 3 tuổi tan máu bẩm sinh tìm lại cuộc đời

5. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA KHÁCH HÀNG SAU KHI ĐÃ HOÀN TẤT quy trình THU THẬP VÀ LƯU GIỮ LÀ GÌ?

Sản phụ và gia đình sẽ được thông báo về kết quả thu thập, xử lý và lưu trữ cũng như một số kết quả xét nghiệm đánh giá chất lượng đối với đơn vị tế bào gốc máu dây rốn (đếm số lượng tế bào gốc tạo máu, nhóm máu, xét nghiệm virus, điện di huyết sắc tố…).

Khi đến thời hạn đóng kinh phí lưu giữ (sau năm lưu giữ đầu tiên), Ngân hàng Tế bào gốc sẽ liên hệ với gia đình sản phụ để thông báo về kỳ đóng phí tiếp theo nhằm duy trì lưu giữ đơn vị tế bào gốc. Gia đình sản phụ sẽ lựa chọn khung thời gian đóng theo từng mức (1 năm, 2 năm, 3 năm…) theo quyết định thu phí hiện hành của Viện.

6. CHI PHÍ LƯU GIỮ MÁU DÂY RỐN DỊCH VỤ

Các mức phí cơ bản để tham khảo tại thời điểm hiện tại như sau:

  • Chi phí năm đầu:

+ Chi phí dành cho việc tư vấnthu thập + vận chuyển mẫu sau thu thập: khoảng 4 triệu đồng.

+ Chi phí dành cho việc xử lý và lưu trữ trong năm đầu tiên: khoảng 21-25 triệu đồng (tuỳ kit xử lý máu dây rốn).

  • Chi phí duy trì lưu giữ sau năm thứ nhất: khoảng 2,6 triệu VNĐ/năm.

Chi phí này có thể thay đổi tùy theo từng tình huống cụ thể (loại kit xử lý, sinh đôi, nơi thu thập tại địa bàn xa trung tâm Hà Nội, hay quy định về chi phí dịch vụ y tế của Nhà nước qua các năm…). Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ cần liên hệ trực tiếp liên hệ với Ngân hàng Tế bào gốc để được báo chi phí chính xác theo Quyết định thu phí của Viện tại thời điểm đó.

Trường hợp thu thập không thành công (ví dụ đã thu thập nhưng tổng số tế bào có nhân thấp hơn tiêu chuẩn, bất thường trong quá trình sinh nở,…), Ngân hàng Tế bào gốc sẽ trao đổi để khách hàng cân nhắc về vấn đề có tiếp tục xử lý lưu giữ mẫu hay không. Nếu khách hàng quyết định không tiếp tục xử lý lưu giữ mẫu, khách hàng sẽ được hoàn lại toàn bộ những chi phí chưa sử dụng đến.

Lưu giữ máu dây rốn

Túi máu dây rốn được các kỹ thuật viên xử lý qua nhiều công đoạn và thực hiện ép để thu được lớp buffy coat chứa nhiều tế bào gốc (ảnh: Công Thắng)

7. LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐĂNG KÝ VÀ ĐÓNG PHÍ DỊCH VỤ LƯU GIỮ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN?

Hiện nay, để đăng ký và đóng phí dịch vụ lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sau:

  • Khách hàng trực tiếp đến Viện làm thủ tục đăng ký, đóng phí trực tiếp/chuyển khoản và nhận hoá đơn tại quầy thu ngân;
  • Khách hàng được hướng dẫn tự chuẩn bị hồ sơ đăng ký tại nhà, đóng phí chuyển khoản và nhận hoá đơn điện tử.

Các hình thức để liên hệ với nhân viên của Ngân hàng Tế bào gốc như sau:

  • Điện thoại: (024) 3782 4267 (trong giờ hành chính), 0963 892 551 (hotline)
  • Email: nihbtscc@gmail.com
  • Truy cập vào trang web https://vienhuyethoc.vn/ của Viện, bấm vào biểu tượng đăng ký dịch vụ, nhập các thông tin cần thiết. Sau đó, trong vòng tối đa 48 giờ làm việc (không kể ngày nghỉ lễ), sẽ có nhân viên của Ngân hàng Tế bào gốc liên hệ với khách hàng.

8. SẢN PHỤ SINH CON Ở CÁC TỈNH NGOÀI KHU VỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI CÓ THỂ ĐĂNG KÝ LƯU GIỮ TẾ BÀO GỐC TẠI VIỆN HUYẾT HỌC – TRUYỀN MÁU TRUNG ƯƠNG HAY KHÔNG?

Hiện tại, nhân lực tại Ngân hàng Tế bào gốc chưa đủ để thực hiện việc thu thập tế bào gốc cho các trường hợp ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, việc thu thập ngoại tỉnh tiềm ẩn một số rủi ro do đường xa, sản phụ có thể sinh con trước khi nhân viên kịp đến nơi. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả và chất lượng, đối với tình huống thông thường, Ngân hàng Tế bào gốc sẽ không nhận thu thập và lưu giữ tế bào gốc cho các ca ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, trong trường hợp sản phụ có những lý do đặc biệt như con trước có bệnh lý, nhu cầu cấp thiết sử dụng tế bào gốc để điều trị cao nhưng khó sắp xếp để sinh con ở Hà Nội, đồng thời có thời gian sinh con cố định (đã đăng ký thời gian sinh mổ), đảm bảo phối hợp được với nhân viên của Ngân hàng Tế bào gốc trong vấn đề di chuyển và thu thập, có thể liên hệ với Ngân hàng Tế bào gốc để sắp xếp phương án phù hợp.

TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn về tế bào gốc tạo máu và lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn

9. TRƯỜNG HỢP NÀO CÓ THỂ PHẢI HUỶ DỊCH VỤ?

Một số trường hợp sau có thể phải hủy mẫu/không thể thực hiện dịch vụ:

  • Sản phụ có nhu cầu đăng ký lưu giữ máu dây rốn quá gấp, quá sát thời gian đẻ (thường cần tối thiểu 48h) mà chưa kịp làm hồ sơ đăng ký và đóng phí năm đầu, không chuẩn bị kịp nhân lực và trang thiết bị để lấy được máu dây rốn thì buộc phải hủy.
  • Sản phụ đăng ký đẻ ở cơ sở sản khoa không hợp tác với Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW và không cho phép nhân viên thu thập vào lấy máu dây rốn.
  • Sản phụ chuyển dạ đẻ nhưng không thông báo với nhân viên thu thập hoặc thông báo quá sát thời gian, khiến nhân viên không kịp di chuyển và không thể thu thập máu dây rốn.
  • Mẫu máu dây rốn thu được có tổng số lượng tế bào có nhân quá thấp (thường gặp ở những mẫu có thể tích < 40ml) thì số lượng tế bào gốc cũng thấp, hiệu quả sử dụng thực tế sẽ giảm do liều tế bào tính trên cân nặng cũng càng thấp hơn.
  • Khách hàng báo không có nhu cầu tiếp tục duy trì lưu giữ hằng năm, hoặc không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí lưu giữ hằng năm cho Viện theo hợp đồng đã ký kết. Việc này sẽ được Ngân hàng Tế bào gốc xác nhận rõ ràng trước khi quyết định làm thủ tục chấm dứt hợp đồng.

10. THỦ TỤC SỬ DỤNG ĐƠN VỊ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN BAO GỒM NHỮNG GÌ? CÓ PHẢI MẤT THÊM CHI PHÍ GÌ KHÔNG?

Khi khách hàng cần sử dụng đến đơn vị tế bào gốc đang lưu giữ tại Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần thực hiện một số thủ tục như:

  • Liên hệ với Ngân hàng Tế bào gốc để kiểm tra tình trạng mẫu. Để đảm bảo chuyên môn, đầu mối liên hệ cần bao gồm đại diện khách hàng và cả cơ sở y tế nơi dự kiến sẽ sử dụng đơn vị tế bào gốc, thời điểm liên hệ tốt nhất là trước khi ứng dụng tối thiểu 2-4 tuần;
  • Ngân hàng Tế bào gốc gửi các biểu mẫu cần thiết để khách hàng và cơ sở ứng dụng hoàn thành;
  • Khách hàng chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ minh chứng về việc sở hữu đơn vị tế bào gốc và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đầy đủ;
  • Thực hiện các bước đánh giá, kiểm tra mẫu trước khi bàn giao;
  • Ngân hàng Tế bào gốc bàn giao mẫu tế bào gốc cho cơ sở ứng dụng cùng bản sao các hồ sơ liên quan.
  • Hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thanh lý hợp đồng lưu giữ.

Nếu khách hàng đã đóng đầy đủ các chi phí lưu giữ ban đầu và phí bảo quản hàng năm đến đúng thời điểm cần sử dụng thì không cần phải mất thêm chi phí gì nữa, trừ phi khách hàng cần thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung cho đơn vị tế bào gốc máu dây rốn mà bác sĩ điều trị yêu cầu.

Để tế bào gốc không bị tổn hại sau khi bảo quản đông lạnh, khách hàng và cơ sở y tế nơi có chỉ định sử dụng phải liên hệ rất rõ ràng, cụ thể về mục đích, thời gian, địa điểm sử dụng với Ngân hàng Tế bào gốc. Việc vận chuyển có thể như sau:

  • Nếu mẫu tế bào gốc được ứng dụng tại Viện Huyết học – Truyền máu TW hoặc khu vực trong nội thành Hà Nội, Ngân hàng Tế bào gốc có thể hỗ trợ nhân viên và thiết bị chuyên dụng để vận chuyển đơn vị tế bào gốc đến địa điểm khách hàng yêu cầu, giúp bảo tồn chất lượng tế bào gốc được tối đa khi ứng dụng.
  • Nếu mẫu tế bào gốc được ứng dụng ở các bệnh viện ở ngoài nội thành Hà Nội, gia đình sẽ phải chuẩn bị thủ tục và chịu toàn bộ chi phí phục vụ cho việc vận chuyển.

11. THỜI GIAN LƯU GIỮ TỐI ĐA LÀ BAO NHIÊU LÂU? KHI TRẺ Ở TUỔI TRƯỞNG THÀNH THÌ CÓ THỂ LƯU TẾ BÀO GỐC TIẾP HAY KHÔNG?

Tại Ngân hàng Tế bào gốc cũng như các cơ sở trong và ngoài nước khác, máu dây rốn được lưu giữ đông lạnh ở nhiệt độ rất sâu (dưới âm 140°C).

Lưu giữ máu dây rốn

Tế bào gốc máu dây rốn được bảo quản đông lạnh (ảnh: Công Thắng).

Trên thế giới, các nghiên cứu mới nhất về thời hạn lưu giữ tế bào gốc cho thấy chất lượng không thay đổi khi lưu giữ trên 30 năm và chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào tìm ra giới hạn cuối cùng khi lưu giữ ở nhiệt độ này.

Các nghiên cứu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW cho thấy không có sự khác biệt ở những mẫu tế bào gốc lưu mới hay đã lưu từ lâu (tổi thiểu 10 năm).

Vì vậy, gia đình có thể lưu giữ lâu dài mà vẫn đảm bảo chất lượng chung của mẫu tế bào gốc máu dây rốn.

Mặc dù vậy, thời hạn hợp đồng lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn dịch vụ đầu tiên mặc định là 18 năm. Sau khi em bé đủ 18 tuổi, nếu em bé và gia đình có nguyện vọng tiếp tục lưu giữ thì có thể ký hợp đồng lưu giữ mới với Viện Huyết học – Truyền máu TW.

12. TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN SỬ DỤNG CÓ GIỚI HẠN ĐỘ TUỔI VÀ CÂN NẶNG?

Việc sử dụng đơn vị tế bào gốc máu dây rốn tùy thuộc vào từng mục đích sử dụng và các tiêu chuẩn liên quan.

Đối với trường hợp sử dụng tế bào gốc máu dây rốn để ghép tế bào gốc tạo máu, nếu liều tế bào gốc tính trên mỗi kg cân nặng của người sử dụng vẫn đạt yêu cầu (tối thiểu 2 x 10­7 tế bào có nhân/kg và 0,8 x 105 tế bào CD34/kg) thì hoàn toàn có thể sử dụng bất kể lứa tuổi hay cân nặng.

Nếu không đủ liều tế bào gốc nói trên, có thể kết hợp đơn vị máu dây rốn với một đơn vị máu dây rốn từ cộng đồng, tế bào gốc từ đứa trẻ và tế bào gốc từ người hiến trưởng thành khác… để đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn.

Tóm lại, việc ghép tế bào gốc phụ thuộc vào những yếu tố sau: chẩn đoán bệnh, ghép tự thân hay đồng loài, xét nghiệm hoà hợp HLA (trong ghép đồng loài), liều tế bào gốc yêu cầu so với cân nặng của bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân trước ghép,… Việc này sẽ cần sự tư vấn của chuyên gia ghép tế bào gốc cho từng trường hợp cụ thể.

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện HH-TM TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan