Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Một số loại thực phẩm tránh dùng chung với thuốc điều trị để không mất tác dụng

Với những người đang dùng thuốc điều trị, việc uống thuốc cũng giống như thức ăn, đều được hấp thụ qua niêm mạc dạ dày hoặc ruột non. Chất dinh dưỡng trong chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến thuốc như thay đổi quá trình hấp thụ hoặc chuyển hóa của thuốc, có thể khiến thuốc người bệnh đang dùng có tác dụng nhanh hơn, chậm hơn hoặc thậm chí làm bất hoạt tác dụng của thuốc.

Vậy làm thế nào để giảm được các nguy cơ tương tác thuốc và thực phẩm? Ăn uống thế nào để vừa đảm bảo đúng sở thích, vừa đảm bảo thuốc điều trị có tác dụng.

Xin mời Quý vị đọc bài viết từ chuyên gia ThS. Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. 

1. Các loại quả có múi như cam, chanh có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh

Các loại trái cây này là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, đồng thời giúp cải thiện làn da và làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, nhóm trái cây có múi còn chứa nhiều vitamin khác và khoáng chất khác như vitamin A, B, phốt pho, magiê, đồng, và nguồn chất xơ dồi dào mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, thành phần axit citric và các hợp chất flavo trong quả có múi có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh nếu ăn uống chung hoặc làm kích ứng khó chịu ở dạ dày.

Dưới đây là một số loại thuốc kháng sinh có thể bị ảnh hưởng: Ciprofloxacin, Levofloxacin; Tetracycline và Doxycycline, Erythromycin, Clarithromycinoid, Amoxicillin và Penicillin.

2. Quả bưởi

Trong bưởi có rất nhiều vitamin C, kali đều là những chất dinh dưỡng tốt và chứa ít calo, có chất chống oxy hóa cao. Tuy nhiên, một số thành phần trong quả bưởi lại chứa những chất hóa học, khi kết hợp với các thành phần trong 1 số nhóm thuốc lại làm bất hoạt các tác dụng của thuốc. Thậm chí gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, cơ,…

Một số loại thuốc điều trị có tương tác với bưởi như:

  • Nhóm thuốc điều trị ung thư: imatinib, nilotinib, sunitinib, nhóm etoposide, đặc biệt là các nhóm thuốc điều trị bệnh máu ác tính.
  • Thuốc trị cao huyết áp, tim mạch
  • Nhóm thuốc statin điều trị rối loạn mỡ máu và giảm các nguy cơ tim mạch do cholesterol cao gây ra
  • Thuốc fexofenadine chữa dị ứng…, kháng sinh…

Người bệnh không nên ăn hoặc uống các loại nước ép từ bưởi cùng nhau hoặc ngay sau khi uống thuốc. Tốt nhất nên dùng cách xa, trước hoặc sau khi uống thuốc ít nhất 2 giờ.

Với các nhóm thuốc điều trị ung thư nên hạn chế dùng bưởi hay nước ép bưởi .

3. Nước trà xanh

Trà xanh được coi là thực phẩm an toàn có công dụng hỗ trợ tim mạch, giảm cân, chống oxy hóa… Tuy nhiên trong trà xanh có một số chất như EGCG, các polyphenol có thể tương tác với các thành phần trong một số nhóm thuốc, làm giảm tác dụng hoặc tăng độc tính của 1 số loại thuốc như:

  • Tăng độc tính ở gan nếu uống trà xanh cùng với Acetaminophen (thuốc giảm đau hạ sốt)
  • Có thể ức chế tác dụng điều trị nhóm thuốc chứa các chất ức chế proteasome ( Bortezomib, Carfilzomib, Ixazomib) được sử dụng để điều trị một số loại ung thư, đặc biệt là đa u tủy xương (multiple myeloma) và một số bệnh lý ung thư hệ bạch huyết.
  • Nintedanib – thuốc điều trị xơ phổi, việc sử dụng đồng thời trà xanh sẽ làm giảm 21% tác dụng sinh học của nintedanib.

Do đó, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ trà xanh và chiết xuất trà xanh trong quá trình điều trị bằng các thuốc này.

4. Các chế phẩm từ sữa, phô mai

Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa như phô mai,…có nhiều canxi. Nó có thể liên kết với sắt tạo thành các phức hợp không hòa tan, ảnh hưởng đến khả dụng hấp thu của một số nhóm thuốc kháng sinh như:

  • Tetracyclin: Thuốc điều trị nhiễm khuẩn
  • Doxycycline: Thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Ciprofloxacin: Thuốc điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các tác nhân nhạy cảm.

Vì vậy không nên uống hay ăn sữa và các sản phẩm từ sữa cùng hoặc ngay sau khi uống các loại thuốc trên. Nên uống thuốc trước ít nhất 1 tiếng hoặc sau 2 tiếng.

5. Một số loại rau xanh

Các loại rau xanh đậm có nhiều Vitamin K cũng làm ảnh hưởng đến các nhóm thuốc chống đông máu.

Cam thảo cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc huyết áp hoặc thuốc lợi tiểu (thuốc nước). Không nên dùng quá 10-30g cam thảo và không quá nửa cốc trà cam thảo mỗi ngày.

6. Một số lưu ý để uống thuốc hiệu quả và an toàn

  • Người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, đọc hướng dẫn, cảnh báo và các biện pháp phòng ngừa tương tác của thuốc.
  • Uống thuốc với một cốc nước nguội, số lượng nước nhiều trừ khi có hướng dẫn khác của dược sĩ hoặc bác sĩ.
  • Không nên nghiền trộn thuốc vào cùng thức ăn.
  • Không dùng nước hoa quả, sữa để uống thuốc
  • Không nên uống các loại vitamin cùng một lúc với thuốc điều trị.

Không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng bởi thức ăn, nhưng cần lưu ý với 1 số loại thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi những gì bạn ăn và thời điểm bạn ăn.

Trong một số trường hợp, việc uống thuốc cùng lúc với bữa ăn có thể làm thay đổi cách dạ dày và ruột của bạn hấp thụ thuốc, nhưng cũng có 1 số loại thuốc được uống cùng với thức ăn, thức ăn nhiều chất béo hoặc khi bụng đói để có thể hấp thụ hiệu quả.

Do đó, người bệnh luôn luôn cần tuân thủ theo chỉ định hoặc trao đổi với bác sĩ điều trị, dược sĩ lâm sàng để tư vấn cho bạn cách sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng đúng và hiệu quả.

Dinh dưỡng tốt cũng giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng, chịu đựng được các tác dụng phụ và tuân thủ được lộ trình điều trị theo đúng kế hoạch.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan