Những người lặng thầm tiếp sức người bệnh, người hiến máu
Dù làm công tác chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, ẩn đằng sau những phác đồ điều trị, hay mải miết đi làm những lúc mọi người nghỉ ngơi, chấp nhận hy sinh việc cá nhân, gia đình, chịu được áp lực lớn, những bác sĩ, điều dưỡng của Viện Huyết học- Truyền máu TW vẫn nguyện lặng thầm tiếp sức người bệnh, người hiến máu.
Tìm niềm vui từ nghề “tìm ra cái bóng của sự thật”
Đầu năm 2005, khi Viện Huyết học – Truyền máu TW mới tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai được một năm, mọi thứ đều mới mẻ và khó khăn, cả Viện lúc đó chỉ có duy nhất 1 máy siêu âm, bác sĩ trẻ Trương Vũ Trung khi ấy một mình sắm 3 vai: vừa là bác sỹ, vừa là kỹ thuật viên, vừa là hộ lý. Anh thường đùa “được một mình tự làm tất cả”.
“Có những lúc tự mình đẩy xe đi lĩnh vật tư rồi về làm siêu âm, rồi cũng tự mình đánh máy trả kết quả cho bệnh nhân”, BSCKII. Trương Vũ Trung – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng của Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ.
BSCKII. Trương Vũ Trung (đứng bên trái) – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng của Viện Huyết học – Truyền máu TW cùng các đồng nghiệp tại khoa.
Đến khi Khoa được thành lập năm 2006, anh vẫn là bác sỹ duy nhất của khoa và được bổ sung 2 điều dưỡng. “Hôm làm đám hỏi, buổi sáng tôi vẫn đi làm, đến trưa mới xin phép nghỉ buổi chiều về nhà làm chú rể. 15h, điện thoại từ viện báo đông bệnh nhân đang xếp hàng siêu âm quá, vậy là tôi lại tất bật chạy vội vào viện…”, BS Trung nhớ lại kỷ niệm hơn 15 năm trước.
Không thiếu những lúc chạnh lòng vì không phải ai cũng biết và hiểu về những cống hiến âm thầm của các bác sỹ, kỹ thuật viên Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng. Nhưng khi đặt quyền lợi của người bệnh và chung sức với đồng nghiệp góp phần chẩn đoán và điều trị cho người bệnh lên cao nhất, những khoảnh khắc chạnh lòng ấy tự nhiên tan biến, bác sĩ Trung chia sẻ.
Theo BS Trung, Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng được ví như “cái bóng của sự thật”, các biểu hiện bệnh lý được thể hiện gián tiếp qua các thiết bị ghi hình. Đây là chuyên ngành dựa trên hình ảnh để chẩn đoán bệnh, từ những ‘hình bóng’ đó, bác sỹ lâm sàng tiếp cận và phát hiện ra bệnh.
Các bệnh về máu rất cần sự hỗ trợ của Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng trong chẩn đoán và điều trị. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) đánh giá mức độ ứ đọng sắt trên tim, gan của bệnh nhân thalassemia, chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) tìm các tổn thương trong bệnh lý Ulympho, nội soi tìm các nguyên nhân gây thiếu máu đường tiêu hoá… giúp các bác sỹ lâm sàng có chiến lược điều trị hợp lý với bệnh nhân. Điều này có nghĩa là, một ca bệnh điều trị thành công luôn có bóng dáng của các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng.
Đến nay, khoa của bác sĩ Trung đã có 18 nhân viên, với 9 bác sỹ, làm chủ các kỹ thuật siêu âm, chụp Xquang, chụp CT scanner, nội soi… Cùng với sự phát triển của các kỹ thuật mới, CĐHA và TDCN không chỉ đơn thuần là ngành cận lâm sàng. Ngoài chẩn đoán bằng hình ảnh, các bác sỹ CĐHA và TDCN trực tiếp điều trị can thiệp như đặt stent, bơm thuốc diệt tế bào ung thư, nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày, đại tràng… Các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng vì thế cũng được biết đến nhiều hơn.
“Giúp được người bệnh, trực tiếp hay gián tiếp cũng là hạnh phúc”
Tốt nghiệp bác sỹ đa khoa Đại học Y Hà Nội, “số phận” đặt mối duyên với chuyên ngành huyết học – truyền máu vào tay ThS.BS Hà Hữu Nguyện khi anh được phân công về Khoa Thu gom máu (nay là Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu).
“Khi đó, cũng có lúc thấy thua thiệt, trăn trở”- anh nhớ lại. Nhưng rồi lại quen, anh lại thấy công việc tưởng khô khan, nhạt nhẽo ấy thú vị không ngờ. “Làm công việc gì, ở vị trí nào, miễn làm tốt thì dù trực tiếp hay gián tiếp giúp sức người bệnh thì đều cảm thấy hạnh phúc”, vị bác sĩ chia sẻ tâm niệm sau gần 20 năm gắn bó.
Chứng kiến người bệnh cần máu mới thấy vai trò quan trọng của hoạt động tiếp nhận máu. Anh nhớ lại, phong trào hiến máu những năm 2000 rất khó khăn. Người hiến máu lúc đó chủ yếu là để… nhận tiền. Nguồn người hiến máu tình nguyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
ThS.BS Hà Hữu Nguyện, Trưởng Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu TW đang khám, tư vấn cho người hiến máu.
Hình ảnh từng đoàn người xếp hàng chờ hiến máu trong giai đoạn dịch COVID -19, sẵn sàng chìa cánh tay của mình ra hiến máu nhằm tiếp sức người bệnh cần máu, không bao giờ phai mờ trong trái tim của những người làm công tác tiếp nhận máu như bác sĩ Nguyện và hàng trăm cán bộ, nhân viên của Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu nói riêng, Viện Huyết học – Truyền máu TW nói chung.
Nhờ chủ động về số lượng, Viện Huyết học – Truyền máu TW có thể điều tiết được nguồn người hiến máu và các nhóm máu sao cho phù hợp với nhu cầu. Đó là thành quả, là niềm mơ ước lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân viên của Viện. Gần 20 năm bền bỉ với hoạt động tổ chức tiếp nhận máu, đến nay công tác này đã được chuyên nghiệp hoá, quy củ, bài bản hơn rất nhiều.
Dẫu vậy, đã có lúc BS Nguyện và gần 120 nhân viên của khoa rơi vào khủng hoảng, áp lực và lo lắng. Đó là khi không có người hiến máu, nghĩa là người bệnh không có máu để truyền, còn nhân viên y tế lại… hụt hẫng vì “rảnh tay”. Vì thế, càng biết ơn, tri ân tất cả những người hiến máu tình nguyện, một lòng chia sẻ vì người bệnh.
Do tính đặc thù trong công tác tiếp nhận máu, thời gian nghỉ của mọi người lại là lúc các nhân viên Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu làm việc. “Chúng tôi đi làm khi mọi người còn chưa ngủ dậy và có khi về nhà rất muộn; thường xuyên đi làm ngày cuối tuần và ở các tỉnh xa vì đó là ngày người dân được nghỉ để đi hiến máu, đấy cũng là sự thiệt thòi, vất vả của cán bộ làm công tác tiếp nhận máu”- BS Nguỵện kể.
Tiếp nhận máu không khó, nhưng công việc này đòi hòi sự tập trung, cẩn trọng, đúng quy trình nhằm đảm bảo chất lượng của mỗi đơn vị máu truyền cho người bệnh, sự an toàn cho người hiến máu và cho chính bản thân người tiếp nhận.
Niềm vui với những người làm công tác truyền máu như BS Nguyện là được chứng kiến việc ngày càng nhiều người dân hiểu được tầm quan trọng của hiến máu và tham gia hiến máu. Đó không chỉ là hạnh phúc của người bệnh mà còn là món quà vô giá của những người làm công tác tiếp nhận máu.
“Tất cả điều đó mang lại cho chúng tôi niềm vui, là động lực để chúng tôi yêu nghề và thêm gắn bó”- BS Nguyện chia sẻ.
“Trước mắt là khó khăn, nếu ta đứng im tức là thụt lùi”
Ước mơ của cô nữ sinh cấp 3 Lưu Thị Bạch Yến là được làm cô giáo, nhưng cơ duyên đưa đẩy chị đến với ngành y. Có lúc, chị đã nghĩ mình không phù hợp với chiếc áo blouse, nhưng “nghề chọn người”, cô nữ sinh ấy đã trở thành Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú, Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Chị Lưu Thị Bạch Yến – Nữ điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú, Viện Huyết học – Truyền máu TW.
“Nhiều áp lực” là điều chị Yến cảm nhận sau gần 20 năm làm nghề y. Khi mới vào nghề, mọi thứ đều mới lạ, thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm, áp lực lúc đó chị coi là “khủng khiếp”.
Trong muôn vàn khó khăn, chị may mắn nhận được sự động viên, tận tình chỉ dẫn của các y bác sĩ đặc biệt là về nền tảng cơ bản và những tố chất cần có của một điều dưỡng viên. Năm tháng trôi qua, không chỉ học hỏi từ các bậc tiền bối, đồng nghiệp, chị Yến tận tâm tích lũy kiến thức về nghề từ chính hàng nghìn, hàng vạn bệnh nhân từng khám, điều trị ở khoa.
“Phải đam mê, nỗ lực cố gắng học hỏi hàng ngày, tự trau dồi những kỹ năng, bồi đắp tố chất thông qua việc tuân thủ các quy tắc, đạo đức nghề nghiệp và phải dấn thân để thực hiện chức phận cao quý đó”, chị Yến tâm sự.
Còn nhớ cách đây gần 6 năm, khoảng 4 giờ sáng, một sản phụ bị bệnh về máu vào khoa nơi chị công tác cấp cứu trong tình trạng vỡ nước ối. Tình huống nguy cấp, nếu để sản phụ chuyển đúng chuyên khoa, phải mất thêm thời gian, rất nguy hiểm. Bác sĩ chỉ huy ca trực quyết định cho đỡ đẻ ngay trên cáng cấp cứu. Ca đỡ đẻ thành công, 15 phút sau mẹ và bé đều an toàn. Cả ca trực thở phào nhẹ nhõm.
“Tôi hiểu rằng một điều dưỡng viên chuyên nghiệp không chỉ cần vững chuyên môn mà còn phải có phẩm chất tốt, tính trách nhiệm cao”, chị nói.
Ngày nay, sự bùng nổ thông tin mạng xã hội khiến áp lực ở Khoa khám bệnh càng cao. Chính vì thế, nghề điều dưỡng viên càng bộc lộ rõ yêu cầu người biết chấp nhận hy sinh, kể cả việc cá nhân, gia đình, chịu được áp lực lớn.
Năm 2021, Viện Huyết học- Truyền máu TW cử đoàn cán bộ, y bác sĩ tăng cường vào TP.HCM hỗ trợ đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện U bướu 2. Đó có lẽ là thời điểm áp lực nhất với chị Yến và đồng nghiệp: Mỗi ngày 8-10 tiếng trong bộ đồ bảo hộ nhiều lớp, không uống nước, không đi vệ sinh; về đến nơi nghỉ đã nửa đêm, nhưng khi lên giường ngủ lại không thể ngủ được ngay vì ám ảnh những ca cấp cứu bệnh nhân nặng…
Nhưng đó cũng là dịp để các chị nhìn nhận lại nghề nghiệp mình đã lựa chọn, và chưa từng thấy ân hận. Hàng trăm y bác sĩ không hề chùn bước trước nguy hiểm rình rập, ngày đêm chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ của bệnh nhân để giành sự sống cho họ.
“Lắm lúc, chúng tôi lặng người khi thấy đồng nghiệp bước đi loạng choạng rồi ngả tạm lưng bên thềm tranh thủ ngủ trong giây lát”, chị nhớ lại, chỉ biết tự động viên “Tôi ơi, cố lên!”…
Sau đại dịch, được làm việc một cách bình thường tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, chị Yến và các y, bác sĩ càng thấy yêu nghề hơn, biết ơn những giây phút bình yên. Họ không quên nhắc nhở nhau: “Trước mắt còn nhiều thử thách mới, nếu ta đứng im tức là thụt lùi”…
Vương Tuấn
Bài viết liên quan
Bệnh nhi gửi lời chúc dễ thương đến y bác sĩ nhân ngày 27/2
24 Tháng Hai, 2023Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, các em bệnh nhi đã viết những bức thư dễ thương, lời chúc ngây thơ dành tặng đến người bác sĩ mà các…
“Em mong năm 2023 nhiều em bé như em sẽ khỏi bệnh”
24 Tháng Một, 2023Không khí xuân ấm áp đã về với mọi nhà. Ai cũng có cho mình ước mơ, hy vọng về một năm mới tươi sáng. Các em nhỏ của “Viện…
Ước mơ được khỏi bệnh trong đêm Noel của bệnh nhi ung thư
24 Tháng Mười Hai, 2022– Điều ước của con là được khỏi ốm! – Con cũng thế… – Con ước được khỏi bệnh và trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người!…