Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những người ‘nghiện’ hiến tiểu cầu

Với Việt Anh, chị Hiền và chị Oanh, việc hiến máu, hiến tiểu cầu như thói quen khó bỏ trong cuộc sống, nếu không thể thực hiện sẽ cảm thấy thiếu vắng, khó chịu…

Theo TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, tiểu cầu là một thành phần của máu, là tế bào rất nhỏ nhưng có vai trò rất lớn, giúp đông cầm máu. Nhờ tiểu cầu, máu ở trong hệ thống tuần hoàn không bị chảy ra ngoài và những lúc cơ thể gặp chấn thương, tổn thương mạch máu, tiểu cầu sẽ giúp hàn gắn lại vết thương. Tiểu cầu bởi thế rất cần thiết cho cuộc sống, đặc biệt với bệnh nhân.

Theo quy định, sau 21 ngày, người dân có thể hiến tiểu cầu lặp lại nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe, cân nặng.

Do chế phẩm tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ tối đa 5 ngày (riêng chế phẩm điều chế từ máu toàn phần chỉ để được 3 ngày) nên nguồn thường xuyên từ người hiến tiểu cầu rất quan trọng. Thông thường, tiểu cầu từ 1 người cho tương đương với tiểu cầu điều chế từ 6-8 người hiến máu toàn phần cùng nhóm.

Việc hiến tiểu cầu chỉ có thể tổ chức ở các Trung tâm máu lớn, nơi đủ tiêu chuẩn về máy móc, xét nghiệm, không thể tổ chức lưu động ngoài cộng đồng; thời gian hiến lại kéo dài (ít nhất từ 45 phút đến 1 tiếng, trong khi hiến máu toàn phần chỉ mất dưới 10 phút) nên người hiến gặp khó khăn hơn trong việc đi lại, sắp xếp thời gian,…

Thói quen giống như việc đánh răng, rửa mặt mỗi ngày

Phạm Việt Anh (sinh năm 1993, ở Thanh Trì, Hà Nội) là người có số lần hiến tiểu cầu nhiều nhất trong năm 2021, được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vinh danh. Anh có tới 17 lần hiến tiểu cầu năm 2021, tức cứ đủ 3 tuần sẽ lại tham gia. “Nếu có, mình cũng chỉ chậm lịch hiến vài ngày chứ chưa bỏ lần nào”, Việt Anh nói.

Phạm Việt Anh là người có số lần hiến tiểu cầu nhiều nhất năm 2021, được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trao bằng khen mới đây – Ảnh: N.Liên

Chàng trai 29 tuổi lần đầu hiến máu tình nguyện năm 2015, theo một cơ duyên nào đó mà anh chia sẻ đến giờ không còn nhớ. Từ ngày ấy, hiến máu, hiến tiểu cầu trở thành “lịch sinh hoạt” hàng tháng của anh. Hiện Việt Anh “tập trung” chủ yếu vào việc hiến tiểu cầu để giúp đỡ được nhiều người hơn.

“Việc này cũng là thói quen giống như mỗi ngày tỉnh dậy, mình đều đánh răng, rửa mặt vậy. Thế nên đợt đầu có một số lần tới viện nhưng không đủ điều kiện hiến, mình thấy bứt rứt, khó chịu lắm. Nhưng dần dần rồi quen, nếu hôm nay đến mà không hiến được thì hôm khác mình lại tới”, anh tâm sự.

Trường hợp tới ngày hiến tiểu cầu nhưng không có mặt ở Hà Nội, Việt Anh sẽ xin hiến ngay tại địa phương đang lưu trú. Một số lần đi du lịch tỉnh xa, anh đều chọn những khách sạn, khu vui chơi gần bệnh viện lớn để có thể hiến tiểu cầu đúng lịch. Điều nuối tiếc nhất với anh là chưa thể hiến máu trong lần ra nước ngoài vì một số vấn đề liên quan đến giấy tờ, thủ tục.

“Ở đâu cũng có người cần giúp đỡ, bản thân mình chắc hẳn cũng sẽ có lúc cần giúp đỡ như vậy. Nên khi có cơ hội thì mình cứ làm”, Việt Anh chia sẻ.

Có một điều đặc biệt là từ nhỏ tới tận bây giờ, Việt Anh rất sợ máu, “chỉ nhìn thấy chút máu chảy trên tay cũng choáng váng”. Thành ra dù đã hiến máu và tiểu cầu tổng cộng 56 lần, nhưng chưa lần nào chàng trai trẻ dám nhìn cảnh lấy máu, chỉ có thể ngoảnh sang hướng khác. Ven tay của anh lại rất nhỏ, mỗi khi tiêm truyền, y tá phải chọc tới 3 -4 lần mới lấy được ven. Thế mà vì mong muốn được giúp đỡ mọi người, Việt Anh coi những nỗi sợ đó không tồn tại, vẫn tiếp tục đi hiến máu đúng lịch.

Động lực lớn nhất của anh có lẽ đến từ hình ảnh những bệnh nhân anh nhìn thấy suốt quãng đường từ cổng viện tới khu hiến máu. Bố của Việt Anh từng là bệnh nhân chạy thận nhân tạo, phải lọc máu chu kỳ, cũng thường xuyên phải vào viện như họ. Bố đã mất khi Việt Anh còn rất nhỏ.

“Hình ảnh người bệnh phải vào viện, trải qua những đợt điều trị, xung quanh toàn là những kim tiêm luôn hằn sâu trong tâm trí mình. Mình nghĩ nếu như có thể góp phần nào đó giúp cho họ thì thật tốt”, anh nói.

Việt Anh là giáo viên dạy Tiếng Anh, hiện làm tự do, giảng dạy tại nhà nên rất thuận tiện để sắp xếp công việc, dành thời gian cho các lịch hiến máu. Anh chia sẻ, ngay cả công việc đang làm cũng xuất phát từ mong muốn giúp được nhiều người hơn.

Việt Anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh của mình để tìm hiểu về hiến máu, hiến tiểu cầu. Từ “thói quen bình thường” của anh, nhiều bạn trẻ đã lần đầu thử đi hiến máu, sau đó duy trì thường xuyên hành động nhân văn này.

“Nhịn ăn” để được hiến tiểu cầu

Chị Trần Thị Hiền (sinh năm 1979, Nam Định) bắt đầu hiến máu năm 2014, hiến tiểu cầu từ tháng 7 năm 2020. Đến nay, chị đã có 20 lần hiến tiểu cầu, trong đó riêng năm 2021 có 14 lần.

Đọc trên báo chí, chị Hiền biết từng khối tiểu cầu vô cùng quý giá với những người bệnh ung thư giảm tiểu cầu, xuất huyết, tai nạn,… Nếu không có tiểu cầu, họ khó lòng qua khỏi. Bởi vậy, người phụ nữ 43 tuổi tự nhủ phải đồng hành với bệnh viện và người bệnh tới khi “hết tuổi, không còn sức khỏe” mới ngừng.

Do chế phẩm tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ ngắn ngày nên nguồn thường xuyên từ người hiến tiểu cầu rất quan trọng – Ảnh: Công Thắng

Chị Hiền kể, mỗi lần rời nhà tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để hiến tiểu cầu, chị luôn thấy có niềm vui khó tả, thế nên tới viện mà phải quay về thì vô cùng hụt hẫng.

“Có một lần buổi trưa tôi ăn nhiều đạm, đến chiều đi hiến thì huyết tương đục, buộc phải về, sáng hôm sau quay lại vẫn chưa được. Thế là tôi quyết tâm nhịn 2 bữa sau đó, chỉ ăn rau thôi. Cuối cùng đi tới lần thứ ba thì huyết tương đã trong và đủ điều kiện hiến tiểu cầu. Sau đợt đó, gần ngày hiến là tôi sẽ không ăn các thực phẩm gây đục huyết tương như đạm, mỡ,.” chị tâm sự.

Chị Hiền làm ngành sự kiện nên khá bận rộn, 1 tuần chỉ được nghỉ đúng 1 ngày, lại thường xuyên phải làm đêm. Chị luôn cố gắng sắp xếp công việc cơ quan, việc chợ búa, gia đình để không bỏ lỡ lịch hiến tiểu cầu. Một số lần được nghỉ phép, gia đình dự định về quê nhưng nếu trùng với ngày hiến, chị Hiền cũng sẽ dời lịch, thu xếp hiến xong mới về quê.

“Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, mọi người ai cũng sợ ra đường nhưng tôi đọc báo thấy nhu cần máu và chế phẩm máu của người bệnh quá cao. Tôi đã phải đấu tranh với bản thân rất nhiều, mình không sợ mắc bệnh mà sợ lây nhiễm cho con cái. Nhưng gạt nỗi sợ sang bên cạnh, tôi cố gắng đi hiến tiểu cầu. Rất mừng là Viện cũng có các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho người hiến”, chị Hiền chia sẻ.

Người phụ nữ 43 tuổi từng không ít lần bị họ hàng, hàng xóm dưới quê chỉ trích vì hiến máu quá nhiều. “Họ nói cứ hiến thế này mai kia ảnh hưởng tới sức khỏe, rồi ảnh hưởng tới gia đình”, chị kể.

Thế nhưng, chị Hiền may mắn có được sự ủng hộ của chồng và hai con. Mỗi lần chị đi hiến máu, hai con một cháu lớp 10, một cháu lớp 5 đều đi cùng để động viên mẹ. Trong các bài văn ở lớp, các cháu cũng thường xuyên kể về niềm yêu thích từ thiện của mẹ và bày tỏ sự tự hào. Chị Hiền mong các con khi lớn lên cũng trở thành những người tốt, biết giúp đỡ người khác.

“Tôi vui lắm vì điều tôi đang làm giúp được nhiều người. Có những người từng nằm viện tâm sự với tôi, họ đã chứng kiến cảnh một bệnh nhân ốm yếu, kiệt quệ, nhưng sau khi được truyền máu đã như hồi sinh trở lại. Đó là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục những điều mình đang làm”, chị Hiền nói.

Hình ảnh “em bé đầu trọc” ám ảnh và quyết tâm không bỏ hiến tiểu cầu

Lần đầu hiến tiểu cầu vào khoảng 2 năm trước, chị Trần Thị Hồng Oanh (1984, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ bị tối sầm mặt mũi, tay chân bủn rủn. Bác sĩ cho biết do ven tay chị khá nhỏ, máu không trả về được nên gây tình trạng trên. Sau 10-15 phút cấp cứu, chị Oanh mới hồi tỉnh, có phản ứng trở lại.

21 ngày sau đó, gác lại nỗi sợ, chị vẫn quyết tâm đi hiến tiểu cầu. Lần này, do đã thông báo với các bác sĩ từ trước, quá trình hiến hơn  1 tiếng diễn ra suôn sẻ. Từ đó tới nay, chị hiếm khi bỏ lịch hiến tiểu cầu, riêng năm 2021 đã có tới 16 lần.

Chị Trần Thị Hồng Oanh là một trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 – Ảnh: N.Liên

Chị Oanh tham gia một câu lạc bộ tình nguyện, thường xuyên qua Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để giúp đỡ các bệnh nhân. Chị luôn thấy lòng quặn thắt trước hình ảnh những “em bé đầu trọc” – là bệnh nhi ung thư máu, đứa nằm, đứa ngồi trực chờ máu, tiểu cầu của mọi người. “Nhất là ngày mùng 1 Tết, nhìn các em bé thấy rất thương. Tết nhất, mình được đi đây đó, các em thì phải nằm viện như vậy…”, chị kể.

Đó cũng là lý do chị luôn cố gắng duy trì việc hiến máu, hiến tiểu cầu. Do ăn chay trường, lần nào tới lịch hiến, chị Oanh cũng “tim đập chân run”.

“Tôi luôn gắng giữ gìn sức khoẻ, từ ăn uống đến sinh hoạt để làm sao đủ điều kiện hiến. Lúc nào cũng như lần đầu, hồi hộp vì không biết trong 21 ngày mình ăn uống đơn giản như vậy thì có đủ sức khoẻ không. Nhưng may mắn là tới nay, lần nào cũng đủ điều kiện hiến đúng lịch”, chị chia sẻ.

Thấy chị Oanh rất khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, các chỉ số xét nghiệm đều tốt sau nhiều năm hiến máu thường xuyên, gia đình từ lo lắng đã chuyển sang ủng hộ. Hiện ông xã chị cũng nhiều lần tham gia hiến tiểu cầu cùng vợ.  Chị bảo, người quen còn thắc mắc: “Sao bà ấy ăn chay mà khoẻ thế”.

Cũng như những người “nghiện” hiến tiểu cầu khác, người phụ nữ tâm sự, sẽ duy trì việc thiện này “tới khi không thể mới thôi”. “Khi bệnh viện bảo không cần nữa, không còn bệnh nhân nào cần nữa hoặc sức khoẻ của mình không cho phép nữa, lúc ấy tôi mới dừng lại. Hy vọng ai chẳng may bị bệnh tật cũng có thể khoẻ mạnh, bình an trở về với gia đình…”, chị nói.

Theo Vietnamnet

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan