Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tập huấn An toàn trong sử dụng thuốc cho người bệnh

Chiều ngày 11/5, Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức tập huấn An toàn trong sử dụng thuốc cho người bệnh. Chủ đề của buổi tập huấn là Khái quát các phản ứng không mong muốn của thuốc và hướng dẫn cách báo cáo. Hoạt động nằm trong kế hoạch đào tạo liên tục của năm. Chương trình có sự tham gia của hơn 150 điều dưỡng lâm sàng.

ThS. Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Dược chia sẻ về vai trò của buổi tập huấn trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Điều dưỡng viên là những người luôn theo sát người bệnh trong quá trình điều trị. Vì vậy, điều dưỡng viên đóng góp vai trò quan trọng trong báo cáo các trường hợp phản ứng không mong muốn của thuốc.

Theo CNĐD. Nguyễn Mai Phượng, Phó trưởng phòng Điều dưỡng và Kỹ thuật viên, báo cáo phản ứng có hại của thuốc không khó nhưng còn tồn tại một số vấn đề khi điều dưỡng viên thực hành. Đối với người đã có kinh nghiệm thì chưa biết cách báo cáo, cho ai, ở đâu, khi nào. Điều dưỡng còn hạn chế trong nhận biết tác dụng có hại của thuốc thì làm theo y lệnh, ghi phiếu chăm sóc, báo cáo lại bác sĩ và chưa có sự chủ động.

Nhiệm vụ của điều dưỡng là theo dõi sát người bệnh, phát hiện ra các phản ứng có hại để báo cáo. Vì vậy, mục tiêu của buổi tập huấn là điều điều dưỡng viên có kiến thức kỹ năng trong phòng tránh, phát hiện, xử trí và có phương pháp báo cáo tác dụng không mong muốn của thuốc

CNĐD. Nguyễn Mai Phượng – Phó trưởng phòng Điều dưỡng và Kỹ thuật viên trao đổi về một số vấn đề khi điều dưỡng viên thực hành

DS. Trần Duy Anh trình bày khái quát về các phản ứng không mong muốn của thuốc.

DS. Lê Phương Thảo hướng dẫn cách báo cáo các phản ứng có hại của thuốc.

Các điều dưỡng viên nói về trải nghiệm thực tế khi báo cáo các phản ứng có hại của thuốc

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction – ADR) là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý. Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ và sai sót trong trị liệu.

Biến cố bất lợi (Adverse Event – AE) là bất kỳ một biến cố nào xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc nhưng không nhất thiết do phác đồ điều trị bằng thuốc gây ra, đồng nghĩa có thể không có mối liên hệ nhân quả giữa thuốc và biến cố. Như vậy biến cố bất lợi bao gồm những ảnh hưởng do thuốc gây ra (ADR) và do cách dùng thuốc (giảm liều, quá liều, ngừng điều trị… ).

Tác dụng phụ (TDP) là tác dụng không định trước của một chế phẩm thuốc xảy ra ở liều thường dùng ở người và liên quan đến đặc tính dược lý của thuốc. Tuy nhiên, tác dụng phụ không hoàn toàn có hại mà trong một số trường hợp có thể có lợi và trở thành tác dụng điều trị chính.

Vai trò của điều dưỡng trong giám sát ADR tại bệnh viện bao gồm: Dự phòng, phát hiện và xử trí. Thông tin do các cán bộ y tế cung cấp về các phản ứng có hại của thuốc sẽ vô cùng hữu ích để tiếp tục đánh giá một cách toàn diện hơn về các nguy cơ tiềm ẩn của thuốc khi lưu hành trên thị trường.

Hải Yến – Ảnh: Trần Chiến

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan