Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tế bào gốc máu cuống rốn – tài sản quý giá cho con bạn

Cùng với sự phát triển của nền y học, tế bào gốc đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong điều trị và còn có tiềm năng trong y học tái tạo cơ quan, bộ phận cơ thể người. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, số lượng các gia đình gửi tế bào gốc máu cuống rốn cho con ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, trong mỗi lần sinh, chỉ có một cơ hội, một thời điểm vàng để thu thập máu cuống rốn. Do vậy mà đã có nhiều bậc cha mẹ rất tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội duy nhất trong mỗi lần sinh để lưu giữ tài sản quý giá bảo vệ sức khỏe cho đứa con thân yêu của mình.

Mời các bạn tìm hiểu bài viết dưới đây để có quyết định chính xác, kịp thời trong việc lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn và không phải tiếc nuối sau này nhé.

Tế bào gốc máu cuống rốn

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự sinh sản, biệt hóa để phát triển thành một hoặc nhiều loại tế bào khác nhau, thay thế các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc do chấn thương.

Máu cuống rốn là gì?

Máu cuống rốn là máu nằm trong mạch máu của dây rốn và bánh rau, là máu của chính trẻ sơ sinh tồn dư sau khi kẹp và cắt dây rốn.

Máu cuống rốn chứa các tế bào máu bình thường và một lượng tế bào gốc rất đa dạng như tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trung mô, các loại tế bào gốc đa năng khác. 

Vì vậy, máu cuống rốn có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực y sinh học như: Điều trị bệnh, nâng cao sức khoẻ, làm đẹp. Các xét nghiệm làm từ máu cuống rốn cũng thể hiện đặc điểm của chính đứa trẻ.

Máu cuống rốn cần được thu thập khi nào?

Để đảm bảo lấy được lượng máu tốt nhất, thời điểm thu thập máu cuống rốn thường là giai đoạn sau khi đẻ thai và trước khi sổ rau (trẻ đã ra ngoài nhưng bánh rau còn nằm trong tử cung người mẹ). Trong một số tình huống sản khoa đặc biệt không thể thu thập ở giai đoạn trên, có thể thu thập máu cuống rốn sau khi sổ rau. Bánh rau và dây rốn khi đó sẽ được xử lý ở khu vực riêng biệt để lấy được hết lượng máu còn lại trong các mạch máu.

Tuy nhiên, khi thu thập sau sổ rau thì thể tích và số lượng tế bào máu thường thấp hơn thu thập trước sổ rau. Vì vậy đa số các trường hợp nên thu thập trước sổ rau để được hiệu quả tốt nhất.

Trong mỗi lần sinh, chỉ có một cơ hội, một thời điểm vàng để thu thập máu cuống rốn

Mời xem thêm: Các bước gửi tế bào gốc máu dây rốn

Máu cuống rốn được thu thập như thế nào?

Máu cuống rốn được thu thập từ tĩnh mạch rốn bằng cách sử dụng túi dẻo lấy máu vô trùng tương tự như cách lấy máu của người hiến máu.

Thời điểm thu thập máu cuống rốn ngay sau khi dây rốn đã được kẹp và cắt rời khỏi trẻ sơ sinh, bánh rau còn trong tử cung người mẹ (trước sổ rau).

Trong một số tình huống không thể thu thập máu cuống rốn ở thời điểm trên thì sẽ thu thập máu cuống rốn sau khi sổ rau (Bánh rau và dây rốn được lấy ra khỏi tử cung người mẹ, đặt vào bộ dụng cụ chuyên dụng, treo lên giá cao rồi thu thập).

Lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn để làm gì?

Tế bào gốc được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Đó thường là các bệnh mà tế bào của cơ quan đã tổn thương không hồi phục, cần phải thay thế và tái tạo bằng tế bào gốc như: Suy tủy xương, ung thư máu, tan máu bẩm sinh, cơ xương khớp, xơ gan, đái tháo đường, tổn thương giác mạc, tổn thương cơ tim, da…

Tế bào gốc máu cuống rốn còn có tiềm năng của y học tái tạo cơ quan, bộ phận cơ thể trong tương lai.

Với nhiều ứng dụng như vậy, có thể coi tế bào gốc máu cuống rốn như một tài sản quý giá, là tấm thẻ bảo hiểm sinh học cho em bé mới chào đời.

Đơn vị thu thập và lưu giữ tế bào gốc tin cậy

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, là cơ sở hàng đầu Việt Nam trong tuyển chọn, thu thập, xử lý, lưu giữ, xét nghiệm, tăng sinh…tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn, với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.

Mời xem thêm: Chi phí lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn

Quá trình thu thập máu cuống rốn có ảnh hưởng gì đến thai nhi và sản phụ hay không?

Quá trình thu thập máu cuống rốn hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như trẻ sơ sinh và các bước chỉ tiến hành sau khi dây rốn đã được kẹp và cắt, trẻ sơ sinh đã được tách ra khỏi mẹ và dây rốn.

Tế bào gốc máu cuống rốn sẽ được xử lý như thế nào trước khi bảo quản?

Máu cuống rốn sau khi thu thập sẽ được xử lý hoàn hảo với nhiều kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp, chiết tách tế bào gốc bằng hệ thống tự động Sepax và hệ thống bán tự động. Đây là 2 kỹ thuật được các nhà khoa học khuyên dùng cho ngân hàng máu cuống rốn tự thân.

Tế bào gốc máu cuống rốn được bảo quản như thế nào và lưu giữ được bao lâu?

Tế bào gốc sau khi xử lý được trộn với dung dịch bảo quản, hạ nhiệt độ theo chương trình đạt dưới -80 độ C, sau đó được bảo quản ở nhiệt độ -150 đến -196 độ C. Tế bào gốc sẽ được bảo tồn đầy đủ chức năng vốn có với thời gian lưu giữ lâu dài, về lý thuyết có thể lưu giữ không hạn chế về thời gian nếu khách hàng có nhu cầu.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Ngân hàng Tế bào gốc (tầng 5 – nhà T), Viện Huyết học – Truyền máu TW

Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, P. Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3782 4267 (trong giờ hành chính), 0963 892 551 (hotline)

Email: nihbtscc@gmail.com

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan