Tế bào gốc máu dây rốn ứng dụng điều trị bệnh máu ác tính như thế nào?
Tế bào gốc máu dây rốn được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Đó thường là các bệnh mà tế bào của cơ quan đã tổn thương không hồi phục, cần phải thay thế và tái tạo bằng tế bào gốc như: Suy tủy xương, ung thư máu, tan máu bẩm sinh…Tế bào gốc máu dây rốn còn có tiềm năng của y học tái tạo cơ quan, bộ phận cơ thể trong tương lai.
Hiện nay, tế bào gốc máu dây rốn được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu là ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bài viết dưới đây với sự tư vấn chuyên môn của TS.BS. Nguyễn Bá Khanh, Phụ trách Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW sẽ đề cập đến cơ chế sử dụng tế bào gốc máu dây rốn để điều trị bệnh máu ác tính.
Ghép tế bào gốc tạo máu được thực hiện như thế nào?
Trong bệnh máu ác tính, các tế bào ung thư có khả năng nhân lên vô hạn, chiếm đoạt dinh dưỡng và không gian sống của các tế bào máu bình thường. Người bệnh sẽ bị suy giảm các tế bào máu như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, dẫn đến thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng.
Thông thường, người bệnh được chỉ định điều trị bằng các phương án như hóa trị, xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư, giúp cho tế bào khỏe mạnh có không gian để phát triển trở lại. Tuy nhiên, những tế bào ung thư còn sót lại sau các đợt điều trị vẫn ẩn nấp trong cơ thể và đến một ngày nào đó sẽ trỗi dậy, dẫn đến bệnh tái phát. Mức độ nặng của bệnh thường sẽ tăng lên và khả năng đáp ứng điều trị có xu hướng giảm trong những đợt tái phát sau. Các nhà khoa học đã nghiên cứu phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu để giải quyết những vấn đề này.
Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Nhờ có ghép tế bào gốc tạo máu, nhiều trường hợp bệnh nan y đã có khả năng chữa khỏi.
Quá trình điều trị bằng tế bào gốc gồm 2 giai đoạn như sau:
-
Giai đoạn “điều kiện hóa”:
Là giai đoạn dùng hóa chất, tia xạ liều cao để tiêu diệt tối đa các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể. Sau giai đoạn này, cả tế bào ác tính lẫn tế bào máu bình thường đều gần như bị diệt hoàn toàn. Cơ thể lâm vào trạng thái suy giảm các tế bào máu tạm thời. Giai đoạn này là cần thiết để tạo không gian cho tế bào gốc sau ghép có thể phát triển được.
-
Giai đoạn “ghép tế bào gốc”:
Là giai đoạn đưa tế bào gốc vào cơ thể và chờ đợi để tế bào gốc tăng sinh, phát triển thành các tế bào tạo máu khỏe mạnh, phục hồi lại cơ quan tạo máu. Tế bào gốc tạo máu như máu dây rốn sẽ vào cơ thể qua đường truyền tĩnh mạch, sau đó theo các mạch máu sẽ tự phân phối đến các tổ chức sinh máu trong cơ thể, chủ yếu là khu vực tủy xương nằm trong các xương dẹt và đầu xương dài trong cơ thể.
Các y bác sĩ đang truyền tế bào gốc cho người bệnh trong phòng cách ly
Tác dụng của tế bào gốc máu dây rốn
Với quá trình điều trị như trên, kỹ thuật ghép tế bào gốc từ máu dây rốn giúp cơ thể chống lại tế bào ác tính như sau:
- Giai đoạn “điều kiện hóa” đã sử dụng hóa chất, tia xạ liều cao để tiêu diệt rất nhiều tế bào ác tính.
- Giai đoạn “ghép tế bào gốc” đưa tế bào gốc của người hiến vào cơ thể, tạo ra một quần thể tế bào tạo máu mới. Quần thể tế bào này chứa những tế bào miễn dịch có khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính. Nếu còn một số tế bào ác tính sót lại sau giai đoạn hóa chất, tia xạ trước đó thì cũng sẽ bị những tế bào miễn dịch này tiếp tục tiêu diệt. Vì vậy, những bệnh nhân ghép tế bào gốc thành công thì tỷ lệ tái phát thường thấp. Nhiều người có thể coi là khỏi bệnh hoàn toàn như người bình thường.
Điều kiện thực hiện ghép tế bào gốc từ máu dây rốn
Để có thể thực hiện ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cần đảm bảo các điều kiện:
- Mức độ hòa hợp cao về HLA giữa người bệnh và tế bào gốc;
- Liều tế bào gốc đủ (tương ứng với cân nặng của từng người bệnh);
- Thời điểm ghép kịp thời, thể trạng người bệnh bảo đảm…
Với mỗi trường hợp cụ thể, cần cần có sự tham vấn của các bác sĩ điều trị và chuyên gia về tế bào gốc để đạt hiệu quả ứng dụng cao nhất.
Hiện nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện hàng trăm ca ghép tế bào gốc tạo máu từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Trong đó có nhiều ca ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn, đem đến cơ hội hồi sinh cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Dưới đây là những câu chuyện mang đầy hy vọng về chặng đường tìm lại sự sống của người bệnh ung thư máu:
Người phụ nữ kiên cường chiến thắng bệnh ung thư máuCô bé ung thư máu và ước muốn sống ý nghĩa trong từng phút giây Ghép tế bào gốc: Ánh sáng cuối đường hầm của gia đình có 3 người bệnh ung thư máu Hàng trăm người bệnh được “sinh ra lần thứ 2” nhờ ghép tế bào gốc
|
NIHBT
Bài viết liên quan
Tại sao nên gửi tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học – Truyền máu TW?
09 Tháng Tám, 2022Lựa chọn địa chỉ tin cậy để lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn (máu cuống rốn) là một trong những mối quan tâm hàng đầu với các bà…
Các bước gửi tế bào gốc máu dây rốn
23 Tháng Ba, 2021Máu dây rốn (máu cuống rốn) chứa các tế bào máu bình thường và một lượng tế bào gốc rất đa dạng như: tế bào gốc tạo máu, tế bào…
Nhiều cuộc đời “tái sinh” nhờ ghép tế bào gốc
04 Tháng Một, 202112 năm sau khi được các bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương triển khai ca ghép tế bào gốc đồng loài điều trị khỏi bệnh ung…
Khai trương Tổng đài đặt lịch hẹn khám theo yêu cầu
05 Tháng Chín, 2022“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – đó là điều mà ai ai cũng hiểu và cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, người dân ngày càng…