Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Thêm nhiều động lực giúp người bệnh vượt qua bệnh ung thư hạch

Ngày 22/8/2023, tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đã diễn ra chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh ung thư hệ tạo huyết với chủ đề “Những hiểu biết về bệnh lý U Lympho”. Chương trình do Viện Huyết học – Truyền máu TW, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng và Công ty Takeda Việt Nam phối hợp tổ chức và được phát trực tuyến trên nền tảng Zoom và Facebook.

Với sự tham gia tư vấn của BSCKII. Nguyễn Lan Phương, Phó Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW, chương trình mong muốn cung cấp, chia sẻ kiến thức về bệnh U lympho, giúp người bệnh và người nhà người bệnh hiểu hơn về những triệu chứng, dấu hiệu và các giai đoạn điều trị của căn bệnh này.

BSCKII. Nguyễn Lan Phương đã chia sẻ với người bệnh và gia đình người bệnh những kiến thức tổng quan về bệnh U lympho: Các triệu chứng, biểu hiện của bệnh, các xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi điều trị, nguyên tắc điều trị… Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư hạch đã có nhiều tiến bộ như: điều trị bằng các tác nhân chống ung thư mới kết hợp với phác đồ hóa chất kinh điển, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc, hoặc có thể kết hợp với xạ trị, phẫu thuật trong một số trường hợp…

BSCKII. Nguyễn Lan Phương, Phó Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp đã mang đến cho người bệnh nhiều kiến thức và lời khuyên hữu ích

Tại chương trình tư vấn, người bệnh cũng được bác sĩ giải đáp chi tiết nhiều băn khoăn, thắc mắc về các vấn đề: Người bệnh nên ăn uống, vệ sinh thân thể như thế nào để phòng tránh nhiễm khuẩn? Người bệnh cần đi khám định kỳ sau khi lui bệnh ra sao? Người bệnh nên lưu ý gì khi mang thai sau khi đã điều trị ổn định?…

BSCKII. Nguyễn Lan Phương đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người bệnh như: Người bệnh nên ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; Khi gặp khó khăn trong ăn uống, người bệnh nên ăn đồ mềm, nấu dạng súp, hạn chế các gia vị gây mùi để dễ ăn hơn, chia làm nhiều bữa nhỏ, bổ sung sữa, hỗ trợ một số thuốc kích thích ăn ngon như B1. Người bệnh cũng cần vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể sạch sẽ để tránh nhiễm trùng cơ hội, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Bên cạnh các kiến thức về chăm sóc, điều trị, người bệnh còn được lắng nghe chia sẻ từ chính những người đồng bệnh đã dũng cảm, kiên cường trước bệnh tật.

Anh Nguyễn Văn Đoàn lan tỏa niềm hy vọng cho những người đồng bệnh

Anh Nguyễn Văn Đoàn, chàng trai đến từ Bắc Giang đã phải đối mặt với bệnh ung thư hạch từ năm 21 tuổi. Khi ấy, cả gia đình anh đều suy sụp khi Đoàn mắc bệnh ở tuổi còn quá trẻ. Nhưng không chìm đắm quá lâu trong nỗi bi quan, tuyệt vọng, Đoàn đã nhanh chóng tìm hiểu về các hội nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư, tìm hiểu về những tấm gương nghị lực chiến thắng căn bệnh để lấy thêm động lực chiến đấu.

Đến nay, Đoàn đã lui bệnh và điều trị định kỳ được 1 năm 3 tháng. Anh cũng đã đi làm, thậm chí còn có thể tập gym và tham gia nhiều hoạt động khác. Đoàn còn tích cực chia sẻ về chặng đường mình đã trải qua bằng các clip ngắn trên mạng xã hội để lan tỏa niềm tin cho nhiều người bệnh khác.

Người bệnh, người nhà người bệnh tham gia chia sẻ và hăng hái trả lời các câu hỏi từ mini game

Với những tư vấn chuyên môn của BSCKII. Nguyễn Lan Phương và chia sẻ từ chính những người đồng bệnh, người bệnh đã có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục vững bước trên hành trình chiến đấu với căn bệnh.

Tin: Trương Hằng, ảnh: Quỹ Ngày mai tươi sáng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan