‘Tôi khỏe ra, da đẹp hơn sau nhiều lần hiến tiểu cầu’
Nhiều bệnh nhân vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhờ được truyền tiểu cầu kịp thời từ người tình nguyện.
“Nhiều người muốn làm từ thiện, song không phải ai cũng có thể khi không có điều kiện tài chính. Với hiến máu và tiểu cầu, tôi thấy rất đơn giản để hiện thực ước muốn cho đi của mình. Chỉ cần có tấm lòng và sức khỏe, tôi có thể làm được”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (38 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ) chia sẻ bên lề chương trình “Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu giai đoạn 2018 – 2020” ngày 26/12.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền tại buổi gặp mặt.
Gắn bó với các hoạt động tình nguyện từ nhỏ, tiếp xúc, gặp gỡ những trường hợp mồ côi, neo đơn, khuyết tật…, chị Hiền nhận ra bản thân may mắn. Chị tự nhủ mình cần làm gì đó để tri ân cuộc đời. Hiến máu là lựa chọn của chị.
Đều đặn mỗi năm, chị đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để hiến máu 3-4 lần. Sau đó, chị biết hiến tiểu cầu có thể thực hiện cách nhau 21 ngày. Nhờ đó, chị có thể giúp nhiều người bệnh hơn. Sau 3 năm, chị đã có 38 lần tặng tiểu cầu.
Người phụ nữ chia sẻ việc hiến tiểu cầu giúp chị được nhiều hơn mất. “Trước đây, tôi hay bị hoa mắt, chóng mặt, ốm vặt. Từ khi hiến máu và tiểu cầu, các triệu chứng đó hoàn toàn biến mất. Tôi thấy khỏe hơn, da cũng đẹp hơn”, chị kể.
Anh Nguyễn Văn Khải (28 tuổi, ở Nam Định) cũng chia sẻ bản thân đã có 10 lần hiến máu và 50 lần hiến tiểu cầu. Năm 2013, cha anh Khải bị tai nạn, mất rất nhiều máu. Nhờ những giọt máu tình nguyện, cha anh mới có thể sống sót. Hơn ai hết, anh hiểu việc hiến máu có giá trị ra sao. Hiện anh duy trì hiến tiểu cầu, đều đặn 21- 30 ngày/lần.
Anh Nguyễn Văn Khải (28 tuổi, ở Nam Định) cũng chia sẻ bản thân đã có 10 lần hiến máu và 50 lần hiến tiểu cầu.
Tại buổi gặp mặt do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ương tổ chức, họ là những gương mặt tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn người hiến tiểu cầu thường xuyên.
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng.
TS. Bạch Quốc Khánh chia sẻ thông tin tại chương trình.
Trước đây, để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng hoặc gộp từ 3-4 người hiến để có một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, y học đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.
Khi gạn tách tiểu cầu, thành phần khác trong máu như bạch cầu, tế bào gốc sẽ được lọc và trả lại cho người hiến. Lượng tiểu cầu trong một lần gạn tách từ một người hiến tương đương 10 đơn vị máu toàn phần, rất có lợi cho công tác cấp cứu.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu nói trên đã được triển khai từ năm 2000 với số đơn vị tiểu cầu gạn tách trong 10 năm đầu là 11.337 đơn vị. Mười năm trở lại đây (giai đoạn 2010 – 2020), con số này lên tới 222.187 đơn vị, tăng gấp 20 lần giai đoạn trước đó và tiếp tục có xu hướng tăng.
Theo Zing
Bài viết liên quan
Hiến tiểu cầu – bạn có biết?
22 Tháng Một, 2020Bên cạnh hiến máu, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc hiến tiểu cầu. Vậy hình thức này có khác gì so với hiến máu toàn phần…
“Tôi đã từng phải chờ đợi từng bịch tiểu cầu”
08 Tháng Tư, 2020Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Trang, người đã sống chung với bệnh ung thư máu cách đây vừa tròn 1 năm. Khi đó, chị tưởng như mọi…
“Chỉ có mong muốn nhỏ bé là đủ sức khỏe để hiến tiểu cầu thường xuyên”
26 Tháng Mười Hai, 2020Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Viết Hoài (35 tuổi, Hà Nội) – người đã có tổng cộng 51 lần hiến máu và hiến tiểu cầu và riêng 3…