Tư vấn dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè
Người bệnh hỏi: Người bệnh tan máu bẩm sinh được khuyến cáo không nên ăn nhiều rau có màu xanh đậm. Bên cạnh đó, người có bệnh đái tháo đường được khuyên ăn tăng cường rau xanh. Vậy người bệnh tan máu bẩm sinh có kèm bệnh đái tháo đường nên chọn các loại rau như thế nào?
Giải đáp: Người bệnh tan máu bẩm sinh cần hạn chế ăn các rau màu xanh đậm vì những loại rau này có hàm lượng sắt cao, có thể làm tăng nguy cơ quá tải sắt. Vì vậy, nếu có kèm theo bệnh đái tháo đường, người bệnh tan máu bẩm sinh ăn tăng cường các loại rau lá màu nhạt như rau bắp cải, bí xanh, quả su su, su hào, cà rốt… Nên chọn các loại thịt trắng (cá nước ngọt, thịt gà, trứng…), hạn chế thịt đỏ và các loại hải sản.
Tư vấn của Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế cho người bệnh máu có kèm bệnh đái tháo đường
Người bệnh hỏi: Người bệnh có khối u thường truyền tai nhau thông tin không nên ăn giá, đậu nành, liệu điều đó có đúng không? Người bệnh nên ăn những thực phẩm gì để khối u không phát triển?
Giải đáp: Người bệnh cần ăn đủ năng lượng và cân bằng các nhóm chất (chất đạm, đường bột, chất béo, bổ sung vitamin và khoáng chất). Nếu người bệnh có bệnh lý đi kèm theo như suy thận, tiểu đường, suy gan… thì trong chế độ ăn có những lưu ý kèm theo như thực phẩm nên chọn và hạn chế.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh giá đỗ, đậu nành có thể kích thích khối u. Người bệnh chỉ nên hạn chế thực phẩm trong trường hợp thực phẩm đó có tương tác trực tiếp với thuốc đang trong phác đồ điều trị và do bác sĩ điều trị chỉ định cần hạn chế hoặc tuyệt đối không sử dụng.
Trên đây là những thắc mắc của người bệnh được trao đổi trong chương trình tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè. Chương trình do Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức chiều ngày 11/7/2024 với sự tham gia tích cực của gần 200 người bệnh và người chăm sóc.
Chương trình gồm 2 phần: Dinh dưỡng hợp lý và chế độ ăn cho bệnh máu và một số bệnh lý kèm theo; An toàn vệ sinh thực phẩm.
Gần 200 người bệnh và người chăm sóc lắng nghe tư vấn.
Người bệnh mong muốn tư vấn về chế độ dinh dưỡng.
Để chế độ dinh dưỡng đạt hiệu quả, cần đảm bảo 04 nguyên tắc quan trọng:
- Đầy đủ: Đáp ứng đầy đủ lượng chất dinh dưỡng thiết yếu, đủ năng lượng, chất xơ theo mức khuyến nghị.
- Điều độ: Ăn đúng lượng thực phẩm, không ăn quá nhiều hoặc quá ít.
- Cân bằng: Lựa chọn, kết hợp giữa các thực phẩm đảm bảo sự cân bằng hợp lý theo tỷ lệ % khuyến nghị giữa các nhóm chất dinh dưỡng.
- Đa dạng: Ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau từ tất cả các nhóm thực phẩm.
Ngoài ra cần bổ sung vitamin và khoáng chất uống theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Nguyên tắc ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP):
- Tuyệt đối tuân thủ ăn chín uống sôi. Hạn sử dụng của thực phẩm, thức ăn phải rõ nguồn gốc và có chứng nhận kiểm tra VSATTP.
- Không ăn các thức ăn ôi, thiu, sống, tái, gỏi, nộm…; không uống chất kích thích như cà phê, bia, rượu, thuốc lá, đồ uống có ga…
- Chế biến thực phẩm thật kĩ trước khi sử dụng, phải đảm bảo thực phẩm được chín hoàn toàn.
- Bảo quản thức ăn đã nấu chín cẩn thận, nên ăn trong vòng 2 giờ kể từ khi chế biến. Hâm nóng lại thức ăn trước khi cho người bệnh sử dụng.
Tư vấn viên khuyến nghị các chế độ ăn cho người bệnh máu có kèm các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, gout/tăng acid uric, viêm gan/tăng men gan.
Buổi tư vấn cũng chỉ ra những nguyên nhân, nguồn lây nhiễm, biểu hiện, biến chứng ngộ độc thực phẩm, cách sơ cứu ban đầu khi gặp ngộ độc thực phẩm.
CN. Chu Thuý Quỳnh, nhân viên Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế tư vấn tại chương trình.
ThS. Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội lưu ý với người bệnh và người chăm sóc về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chương trình tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch công tác xã hội hàng năm. Qua buổi tư vấn, người bệnh và người chăm sóc có thêm thông tin hữu ích về dinh dưỡng để hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị.
Người bệnh cần tư vấn cụ thể vui lòng liên hệ với nhân viên tư vấn dinh dưỡng phụ trách các khoa lâm sàng hoặc đến trực tiếp văn phòng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế tại tầng 3 nhà D.
Hải Yến – Ảnh: Hạnh Toàn
Bài viết liên quan
Người bệnh tan máu bẩm sinh nên ăn uống như thế nào?
03 Tháng Sáu, 2020Người bệnh tan máu bẩm sinh thường bị quá tải sắt. Sắt dư thừa này tích tụ trong gan, tim, tinh hoàn/ buồng trứng và tuyến yên, từ đó làm…
Người bệnh tiểu đường nên ăn uống và tập luyện như thế nào?
30 Tháng Năm, 2020Bệnh tiểu đường thường gặp ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Tiểu đường ảnh hưởng…
Nên ăn gì để đề phòng thiếu canxi?
22 Tháng Một, 2024Có khoảng 99% canxi nằm ở xương và răng, vì vậy canxi là một chất khoáng rất quan trọng với sức khỏe của xương nói riêng và của một cơ…
Dinh dưỡng cho người bệnh máu ác tính gặp tác dụng phụ do truyền hóa chất
06 Tháng Mười, 2022Điều trị bệnh máu ác tính bằng hóa trị có thể làm suy yếu các tế bào khỏe mạnh, đặc biệt là tế bào máu mới trong tủy xương khiến…
Nên làm gì để tránh mất nước và phòng ngừa say nắng?
28 Tháng Sáu, 2022Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Nhiệt độ cao, không khí oi bức làm cho chúng ta thường xuyên bị mất nước. Khi phải làm…