Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Viện hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên

Vừa qua, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho người bệnh đa u tủy xương tại Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công với sự chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Các chuyên gia và cán bộ của Viện Huyết học – Truyền máu TW vào Bệnh viện Đà Nẵng để khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng thời tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho hoạt động ghép tế bào gốc tự thân

Để chuẩn bị thực hiện ghép tế bào gốc tự thân, trong 3 năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã cử các bác sĩ khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp – Huyết học lâm sàng đi học tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ban lãnh đạo Viện và các chuyên gia hàng đầu về tế bào gốc của của Viện Huyết học – Truyền máu TW cũng trực tiếp vào Bệnh viện Đà Nẵng nhiều đợt để khảo sát và chuyển giao kỹ thuật.

TS. BS. Bạch Quốc Khánh và BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc thăm khám và động viên người bệnh trước khi ghép

Người bệnh được ghép tế bào gốc là bà Lê Thị C (57 tuổi, ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam), bị đa u tủy xương. Sau khi điều trị hóa chất và lui bệnh hoàn toàn, người bệnh được chuyển sang khu ghép tủy cách ly, vô trùng tuyệt đối với phòng áp lực dương. Các y bác sĩ Ngân hàng Tế bào gốc, Khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu TW và Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành gạn tách tế bào gốc, sau đó truyền lại vào cơ thể người bệnh bằng đường truyền tĩnh mạch.

Các y bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu TW và Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành gạn tách tế bào gốc cho người bệnh…

… và truyền tế bào gốc vào cơ thể người bệnh

Trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh có hiện tượng tiêu chảy, sốt do tác dụng phụ của hóa chất và giảm bạch cầu. Các bác sĩ của 2 bệnh viện luôn theo dõi sát các diễn biến của người bệnh qua từng ngày để chỉ định các xét nghiệm và điều chỉnh thuốc kịp thời.

BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW, người trực tiếp đồng hành, hỗ trợ các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng trong ca ghép chia sẻ: “Người bệnh gặp một số biến chứng, đặc biệt là biến chứng CMV (Cytomegalovirus) tái hoạt động dẫn đến các tế bào máu giảm liên tục và sốt thất thường. CMV tái hoạt động là một biến chứng ít gặp trong quá trình ghép tự thân, có thể khiến người bệnh gặp nhiều nguy cơ như: chậm mọc mảnh ghép, tổn thương các cơ quan (viêm phổi, tổn thương đường tiêu hóa…). Nhưng chúng tôi đã theo dõi và điều trị CMV kịp thời nên virus đã âm tính và các các tế bào máu của người bệnh dần hồi phục”. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng người bệnh đã ổn định và có thể xuất viện.

TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Với sự đầu tư của UBND TP, Sở Y tế Đà Nẵng và chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, từ năm 2019 – 2020, Bệnh viện Đà Nẵng đã đặt mục tiêu năm 2023 tiến hành ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên và thực hiện thường quy kỹ thuật này nhằm giúp nhân dân miền Trung – Tây Nguyên tiết kiệm chi phí, sức lực vì không phải đi quá xa đến hai đầu đất nước để điều trị các bệnh lý ung thư huyết học”.

Theo BSCKII. Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, chương trình chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân giữa Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho Bệnh viện Đà Nẵng nằm trong khuôn khổ đề án phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại Đà Nẵng. Việc Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tự thân đầu tiên mở ra một chương mới cho sự phát triển y tế chuyên sâu của đơn vị và là tiền đề để tiếp tục mở rộng các kỹ thuật chuyên sâu khác trong thời gian tới.

Bệnh viện Đà Nẵng công bố thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên 

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 30 người bệnh được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương. Trước tình trạng số lượng người bệnh cần ghép tế bào gốc ngày càng tăng, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc nhằm giúp người bệnh có thể tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn. Ngoài ra, Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp mới trong lĩnh vực ghép tạng và tế bào gốc nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu các rủi ro và tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh.

GHÉP TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN LÀ GÌ? 

Ghép tế bào gốc tự thân là hình thức ghép trong đó khối tế bào gốc tạo máu của người bệnh được thu gom và lưu trữ, sau đó được truyền trả lại cho người bệnh khi đã kết thúc điều kiện hóa nhằm phục hồi mô tạo máu.

Mời xem thêm:

Ghép tế bào gốc tạo máu được tiến hành như thế nào?

Những tiến bộ trong điều trị đa u tủy xương

Trương Hằng (tổng hợp), ảnh BV Đà Nẵng cung cấp

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan