Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Viện là nhà và hơn thế nữa

Nguyễn Thế Thái Sơn từ khi sinh ra đã mang trong mình bệnh Tan máu bẩm sinh nhưng Sơn không bi quan, mặc cảm. Em không chạy trốn những ánh mắt dò xét, kỳ thị của những người xung quanh mà sẵn sàng chia sẻ với mọi người, kể cả những người xe ôm, taxi xa lạ để cộng đồng hiểu thêm về căn bệnh và hoàn cảnh của mình.
Rất nhiều người lầm tưởng em bị bệnh máu trắng, em phải đi thay máu, nhưng vượt qua những khoảnh khắc buồn, em hài hước giải thích là: “Em đi truyền máu giống như đi đổ xăng chứ không phải giống thay dầu nhớt”.
Nguyễn Thế Thái Sơn và ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW
Mặc dù thường xuyên phải nghỉ học để điều trị nhưng khi nằm Viện Sơn, vẫn dành thời gian học tập qua các bài giảng trực tuyến, khi ra Viện em lại nhờ thầy cô, bạn bè giảng lại những kiến thức còn chưa hiểu. Với nghị lực và lòng quyết tâm của mình, Sơn đã thi đỗ Đại học.
Em đã chọn học Trường Đại học Y tế Công cộng để thực hiện ước mơ: Trở thành người đi tuyên truyền, đem những hiểu biết về căn bệnh Tan máu bẩm sinh – căn bệnh mà chính em mắc phải đến với cộng đồng, để đóng góp sức mình vì mục tiêu “Một Việt Nam không còn trẻ tan máu bẩm sinh!!”.
Khi tiếp xúc với Sơn, niềm lạc quan và trái tim ấm áp của em khiến mọi người xung quanh quên đi rằng em là một người bệnh. Mới đây, Sơn đã có những chia sẻ rất xúc động trên facebook về Viện Huyết học – Truyền máu TW, về những anh chị em trong đại gia đình Thalassemia:
Viện là nhà và hơn thế nữa.
Người bình thường cả đời chỉ đi viện vài ba lần, đối với họ bệnh viện là cái gì đấy rất khó chịu, là một cái gì đấy rất cực khổ và họ kêu ca từ bác sĩ cho đến thực tập viên, từ sinh hoạt đến phòng bệnh, từ những thứ nhỏ nhặt nhất họ cũng than vãn. Tất nhiên là không ai hẹn nhau để đi viện cả.
Thế nhưng những bệnh nhân thalassemia lại có cái nhìn hoàn toàn khác về bệnh viện đặc biệt là Viện Huyết học – Truyền máu TW. Cuộc sống của chúng tôi gắn liền với bệnh viện, gắn liền với khoa Thalassemia và ở đây chúng tôi là một đại gia đình “Thalassemia không chung giọt máu nhưng chung một mái nhà”. 1 số người thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà, và nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ ăn chung, ngủ chung, giúp đỡ, chăm sóc nhau những lúc ốm đau, khó khăn, mà còn hiểu nhau hơn cha mẹ, anh em ruột. Chỉ có ở nơi đây mới có những người cảm thông thấu hiểu tôi, chỉ nơi đây tôi tìm được những con người giống mình, hiểu mình, chỉ nơi đây tôi thấy được hình ảnh mình khi còn bé.
Quan trọng hơn, nơi đây là nơi duy nhất chúng tôi cảm thấy mình được là chính mình, được đối xử công bằng và không bị những ánh mắt soi mói kỳ thị, không bị hỏi những câu vô tư, ngớ ngẩn nhưng khiến chúng tôi cảm thấy nhói lòng nhưng vẫn phải gượng cười. Ở nơi đây, tôi có những người bạn, những người thân mà không tìm được ở nơi nào, anh em chúng tôi khoác vai nhau, cười nói vui vẻ mỗi ngày, chúng tôi được cười những tràng cười sảng khoái, thoải mái nhất, chúng tôi được thể hiện mình mà không phải lo ngại người ta nghĩ gì, phán xét ra sao. Nơi đây tôi không cô đơn, không lạc lõng, không sợ hãi, không tự ti, không lo lắng. Nơi đây tôi cảm thấy được yêu, được hạnh phúc”.
Bạn bè của Nguyễn Thế Thái Sơn và cũng là thành viên trong đại gia đình Thalassemia cũng có cùng những cảm nhận như Sơn:
Bạn Huong Hoang: “Huyết học là ngôi nhà thứ 2 còn các bác, các cô, các anh chị em đang công tác ở Viện là người mẹ thứ 2 của chúng mình”.
Bạn Mít Ướt : ” Tôi yêu ngôi nhà thứ 2 thân yêu này”, ” Các bác ấy còn hiểu mình hơn cha mẹ đẻ mình ấy”.
Trương Hằng ( Tổng hợp)
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan