Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời: Câu chuyện số 1
Ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là cuộc cách mạng trong điều trị. Đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được 500 ca ghép tế bào gốc tạo máu, đem đến cơ hội hồi sinh cho biết bao bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính. Mời các bạn theo dõi những câu chuyện mang đầy hy vọng về chặng đường tìm lại sự sống của những người bệnh qua loạt bài viết “Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời”.
Câu chuyện số 1:
CÔ BÉ UNG THƯ MÁU VÀ ƯỚC MUỐN SỐNG Ý NGHĨA TRONG TỪNG PHÚT GIÂY
Ung thư là nỗi ám ảnh, sợ hãi với tất cả chúng ta. Đến cả những người đã trưởng thành cũng “sụp đổ” và thật khó để chấp nhận rằng: chúng ta phải sống chung với căn bệnh đáng sợ ấy. Đến cả những người đã trải qua biết bao biến cố cuộc đời cũng không dễ gì tìm được sự bình yên, để tâm hồn không lo âu, không sợ hãi, không bi lụy.
Nhưng có một cô bé lại tìm được cho mình khoảng trời bình yên trong tâm hồn dù trải qua giông bão ở tuổi còn rất nhỏ. Hơn 2 năm trước, khi mới 13 tuổi và đang ôn thi học sinh giỏi môn Toán thì Thái Huyền Trang phải nhập viện gấp vì bị ung thư máu. Chị Trương Thị Hoa, mẹ của Trang cảm thấy trời đất như sụp đổ vì nỗi sợ hãi mất đi cô con gái duy nhất. Chị Hoa vốn hiếm muộn nên mãi đến năm 30 tuổi, chị mới sinh được cháu Trang. Sau đó, chồng chị lại bị tiểu đường. Cô con gái chăm ngoan, học giỏi, vui tươi là tất cả hy vọng, niềm tin của chị.
Khi Trang nhập viện được 5 ngày thì kỳ thi học sinh giỏi diễn ra. Sau khi được truyền 5 bịch máu, Trang đã cố gắng hết sức đến phòng thi. Cô bé vừa mới nhận chẩn đoán ung thư máu ấy đã đứng thứ 2 trong kỳ thi học sinh giỏi môn Toán của toàn huyện. Huyền Trang tâm sự với cô giáo, với các y bác sĩ rằng em tiếc những ngày tháng ôn tập say sưa, tiếc công lao thầy cô giảng dạy tận tình. Dù căn bệnh vẫn còn hành hạ nhưng kỳ thi này chính là động lực để Trang dũng cảm tiếp tục chiến đấu.
Sau khi Trang vượt qua 12 đợt truyền hóa chất, chị Hoa mong muốn con được ghép tế bào gốc bằng mọi giá. Nhưng cô bé không có anh chị em ruột nên các bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn Trang nên ghép bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ Ngân hàng Tế bào gốc của Viện. Với sự quyết tâm của gia đình và các y bác sĩ, Trang bước vào cuộc chiến đầy khó khăn và thử thách kéo dài suốt 2 tháng ròng trong phòng ghép. Dù phải đối mặt với những đợt truyền hóa chất liều cao để tiêu diệt tối đa tế bào ung thư, cơ thể gần như không còn sức sống, cô bé ấy vẫn luôn kiên cường, nụ cười vẫn nở trên môi. Sau khi ghép tế bào gốc thành công, do hệ miễn dịch vẫn còn yếu và đại dịch Covid nên Trang phải ở nhà gần một năm, tránh tiếp xúc để theo dõi và phục hồi sức khỏe.
Không được đi học và gặp bạn bè nhưng Trang không muốn thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. Em lên mạng học đan móc các sản phẩm từ len. Trong gần một năm, Trang miệt mài đan hy vọng, dệt móc những yêu thương gửi vào từng chiếc mũ, chiếc khăn dành tặng các em nhỏ và các cô bác đang điều trị ung thư máu. Bản thân Trang cũng như những người bệnh truyền hóa chất khác, hầu như ai cũng phải trải qua những đợt rụng tóc và tập làm quen với hình ảnh mái đầu nhẵn nhụi của chính mình. Trang mong rằng chiếc mũ len ấy không chỉ giữ ấm mái đầu không còn tóc mà còn giúp người bệnh vơi đi nỗi mặc cảm và tránh ánh mắt tò mò của những người xung quanh.
Khi dịch Covid-19 lan rộng, biết các y bác sĩ vô cùng vất vả cũng như gặp nhiều phiền phức trong bộ đồ bảo hộ và những chiếc khẩu trang kín mít, Trang lại móc hàng trăm chiếc tai giả bằng len để giúp các y bác sĩ bớt đau tai khi phải đeo khẩu trang suốt nhiều giờ liền. Với Trang và mẹ, những chiếc tai giả như một món quà tri ân các thầy thuốc của Viện Huyết học – Truyền máu TW, những người đã giúp hai mẹ con tìm thấy ánh sáng sau quãng thời gian tưởng như không còn hy vọng.
Cảm động khi đón nhận món quà xuất phát từ tấm lòng trong sáng và lương thiện của chiến binh nhỏ tuổi, BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: “Mặc dù gặp phải một biến cố lớn ở tuổi chỉ biết học nhưng Trang đã dũng cảm vượt qua trận chiến cam go để tìm thấy cơ hội sống. Và hơn thế, cháu còn biết chia sẻ yêu thương và làm việc có ích cho cộng đồng. Là một bác sĩ, tôi thật sự hạnh phúc khi chứng kiến bệnh nhân của mình hồi sinh và có một cuộc sống thực sự ý nghĩa”.
Ở tuổi 15, Trang đã đủ hiểu biết để nhận thức về sự tàn phá của ung thư, nhưng niềm tin và khát khao sống có ý nghĩa chưa bao giờ dập tắt trong cô gái bé nhỏ. Em hiểu rằng “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, dù cho bản thân cũng phải chịu đựng những cơn đau trong quá trình điều trị, Trang vẫn không ngừng tìm kiếm những giá trị tốt đẹp của bản thân. Giờ đây, khi sức khỏe ổn định, Trang đã quay lại trường học và viết tiếp ước mơ trên những trang giấy học trò.
Với nhiều người bệnh như Thái Huyền Trang, ung thư không phải là dấu chấm hết mà là sự khởi đầu của một hành trình mới, là dấu mốc giúp họ biết được mình thật sự muốn gì và nên làm gì. Có lẽ chính vì đã từng đối mặt với tử thần, từng vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, họ sẽ luôn trân trọng từng ngày đang sống và biến mỗi phút giây trôi qua trở nên đầy ý nghĩa và tốt đẹp hơn dù ngày mai có ra sao.
Viện Huyết học – Truyền máu TW đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. Năm 2014, Viện là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân. Ngân hàng Tế bào gốc của Viện hiện đang lưu trữ trên 5.420 mẫu tế bào gốc máu dây rốn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và mang đến hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.
Mời xem thêm: Câu chuyện số 2: Chân trời mới của em bé tan máu bẩm sinh đầu tiên được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp Câu chuyện số 3: Nước mắt hạnh phúc trong lễ cưới của cô gái chiến thắng ung thư máu |
Trương Hằng – Thùy Trang – Công Thắng
Bài viết liên quan
Ghép tế bào gốc tạo máu có thể điều trị những bệnh lý nào?
24 Tháng Ba, 2021Viện Huyết học – Truyền máu TW là một trong các cơ sở uy tín hàng đầu trên toàn quốc về tế bào gốc với các mảng hoạt động chính:…
Nhiều cuộc đời “tái sinh” nhờ ghép tế bào gốc
04 Tháng Một, 202112 năm sau khi được các bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương triển khai ca ghép tế bào gốc đồng loài điều trị khỏi bệnh ung…
Chi phí ghép tế bào gốc
30 Tháng Ba, 2021Ghép tế bào gốc tạo máu/ghép tủy có thể coi là “cuộc cách mạng” trong điều trị. Đây là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc…
Chi phí lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn
08 Tháng Ba, 2021Tế bào gốc nói chung và tế bào gốc máu dây rốn nói riêng đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Tế bào gốc có thể điều trị nhiều…
Các bước gửi tế bào gốc máu dây rốn
23 Tháng Ba, 2021Máu dây rốn (máu cuống rốn) chứa các tế bào máu bình thường và một lượng tế bào gốc rất đa dạng như: tế bào gốc tạo máu, tế bào…
Chi phí xét nghiệm máu tổng quát
14 Tháng Mười Hai, 2020Lợi ích của việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm máu tổng quát là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam…