Hạnh phúc của người mẹ không còn nghĩ: mình là người bệnh ung thư
Ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là cuộc cách mạng trong điều trị. Đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện trên 600 ca ghép tế bào gốc tạo máu, đem đến cơ hội hồi sinh cho rất nhiều bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính. Mời các bạn theo dõi những câu chuyện mang đầy hy vọng về chặng đường tìm lại sự sống của người bệnh qua loạt bài viết “Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời”.
Câu chuyện số 1:
Hạnh phúc của người mẹ không còn nghĩ “mình là người bệnh ung thư”
Năm 2015, khi biết mình bị ung thư máu, chị Nguyễn Thu Hà (khi đó 42 tuổi, sống tại Hải Dương) đã tưởng rằng mình sẽ phải ra đi và để lại 3 đứa con bơ vơ không còn mẹ. Nhưng nhờ được ghép tế bào gốc tạo máu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW mà chị không còn nghĩ mình là người bệnh ung thư và lại được cùng các con trải qua những dấu mốc quan trọng: đón sinh nhật tuổi 20, nhận bằng tốt nghiệp Đại học…
“Chẳng biết có ngày được về để gặp các con không?”
Khoảng giữa năm 2015, chị Nguyễn Thu Hà bị viêm họng và ho dai dẳng, uống kháng sinh nhiều đợt vẫn không khỏi. Sau đó, chị còn bị sốt kéo dài nên quyết định đi khám sức khỏe tổng thể.
Thế nhưng, lần đi khám tưởng chừng chỉ là “khám cho cẩn thận” ấy lại là một biến cố khủng khiếp của cuộc đời chị: Chị bị bệnh ung thư máu cấp tính (bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ thể M5).
Tất cả mọi thứ với chị như sụp đổ. Điều khiến chị lo lắng, bất an nhất là 3 đứa con. Khi ấy, hai con gái sinh đôi của chị vừa tròn 14 tuổi, lứa tuổi mới lớn luôn cần mẹ ở bên và con trai út mới lên 8 tuổi.
Giữa cái nắng tháng 7 oi ả của mùa hè, chị để lại 3 con nhờ ông bà chăm sóc và nhập viện trong bao nỗi lo âu.
Chị đã chuẩn bị tinh thần sẽ xa các con khoảng hơn 1 tháng để điều trị hóa chất đợt đầu tiên. Nhưng chị chẳng thể ngờ ngay lần đó, chị đã phải nằm viện suốt 7 tháng liền không được về nhà do gặp biến chứng viêm phổi trong quá trình truyền hóa chất dẫn đến bội nhiễm.
Khi sắp bước vào năm học mới, con trai út gọi điện cho chị nhắn nhủ: “Mẹ ơi, mẹ nhớ về trước khi con đi học nhé!” Cũng như bao lần khác khi nói chuyện với con, lòng chị lại quặn đau và không cầm được nước mắt vì nhớ con, vì lo không biết ai sẽ chuẩn bị quần áo, sách vở cho con trước ngày khai giảng.
Trong những ngày dài phải truyền thuốc từ sáng đến đêm, cơ thể gần như không còn sức sống, trong những cơn sốt mê man, rất nhiều lần chị đã nghĩ: “Chẳng biết có ngày được về để gặp các con không?”
Nhưng rồi chị nghĩ bi quan, yếu đuối cũng chẳng có ích gì. Chị gạt bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực, tự động viên mình cố gắng từng ngày. Nhờ sự chăm sóc của các y bác sĩ, nhờ có gia đình luôn đồng hành sát cánh, yêu thương, chị đã vượt qua giai đoạn “thập tử nhất sinh” và lui bệnh.
Chị nhớ lại: “Trong lúc yếu đuối, suy kiệt nhất, tôi luôn đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu TW. Và cũng đến một ngày, bác sỹ Nguyễn Vũ Bảo Anh (hiện là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu) thông báo: bệnh của tôi lui hoàn toàn. Tôi đã vui mừng không sao tả xiết”.
“Tôi lại được hồi sinh một lần nữa”
Trải qua chặng thử thách đầu tiên, chị Hà lại quyết tâm bước tiếp vào thử thách tiếp theo mà chị biết còn gian nan hơn nhiều, đó là những ngày tháng ở trong phòng ghép tế bào gốc.
“Tháng đầu trong phòng ghép mọi việc có vẻ suôn sẻ, nhưng đến tháng thứ 2, tôi gặp biến chứng virus CMV (Cytomegalovirus) tái hoạt động đáp ứng với thuốc chậm nên phải điều trị kéo dài thêm vài tuần. Do tác dụng phụ của thuốc tôi không ăn uống được và cần hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch. Sau đó, BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc tham khảo ý kiến các chuyên gia và thay đổi thuốc điều trị. May mắn tôi hợp thuốc và sức khỏe hồi phục dần dần” – Chị Hà kể lại mà ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Khi được bác sĩ thông báo “mảnh ghép mọc tốt” và được ra khỏi phòng ghép, chị cảm thấy niềm hạnh phúc như vỡ òa. Trở về với gia đình, chị vẫn đều đặn tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và giữ gìn trong ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Căn bệnh ung thư đã từng khiến người mẹ ấy trở nên yếu đuối và tuyệt vọng. Có những giây phút chị tưởng rằng mình không thể qua khỏi nhưng với sức sống mãnh liệt và phép màu “ghép tế bào gốc”, chị đã vượt qua những thời khắc khó khăn, gian nguy nhất.
Chị không chỉ được tiếp tục chăm sóc, làm chỗ dựa tinh thần cho các con mà còn có thể trở lại với công việc, tiếp tục kinh doanh các mặt hàng thể thao.
Chị tâm sự: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là đã chiến thắng được bệnh ung thư. Gần 8 năm trước, tôi tưởng rằng cuộc đời mình sẽ chấm dứt. Nhưng giờ đây, tôi vẫn được hoà nhập với mọi người, có thể lao động, có thu nhập như những người bình thường khác. Tôi vẫn được cùng các con đón sinh nhật tuổi 20, nhìn thấy con tốt nghiệp Đại học. Tôi không còn mặc cảm mình là người bệnh ung thư nữa”.
Chị hạnh phúc chia sẻ thêm: “Ghép tế bào gốc là cứu cánh của cuộc đời tôi, để ngày hôm nay tôi được khoẻ mạnh trở lại và chia sẻ với các bạn những gì mình đã trải qua.
Dưới bàn tay kỳ diệu của các y bác sỹ, tôi lại hồi sinh một lần nữa. Họ chính là những người đã sinh ra tôi lần thứ 2. Tôi mong những người bệnh đang có ý định ghép hãy tin tưởng vào khoa học cũng như đội ngũ các y bác sỹ ở Viện Huyết học – Truyền máu TW”.
Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên vào năm 2006 và bắt đầu ghép tế bào gốc đồng loài từ năm 2008. Đến nay, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. Năm 2014, Viện là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân. Ngân hàng Tế bào gốc của Viện hiện đang lưu trữ trên 6.000 mẫu tế bào gốc máu dây rốn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và mang đến hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. |
Trương Hằng; Thiết kế: Hạnh Toàn
Ảnh: Gia Thắng và NVCC
Bài viết liên quan
Chàng trai trẻ chinh phục đường chạy Marathon sau gần 1 năm chữa ung thư máu
22 Tháng Ba, 2023Kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được trên 560 ca ghép tế…
Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời: Câu chuyện số 1
24 Tháng Mười Một, 2022Kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được 545 ca ghép tế bào gốc, hồi…
Thay đổi hai cuộc đời trong một lần chẩn đoán trước sinh
11 Tháng Năm, 2023Những gia đình có con bị tan máu bẩm sinh đã đi qua hành trình dai dẳng, đầy nước mắt để chữa bệnh cho con. May mắn là nhờ những…
Sau 20 năm bị ung thư máu mạn tính, vẫn quyết tâm học Đại học ở tuổi 43
10 Tháng Mười, 2023Sự ra đời của các loại thuốc điều trị nhắm đích là bước phát triển có tính chất đột phá trong điều trị ung thư. Người bệnh đã chia sẻ:…
Vẫn khỏe mạnh và nuôi 2 con học Đại học sau 15 năm bị ung thư máu
04 Tháng Mười Hai, 2023Sự ra đời của các loại thuốc điều trị nhắm đích là bước phát triển có tính chất đột phá trong điều trị ung thư. Người bệnh đã chia sẻ: “Thuốc nhắm…