Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Cô giáo khao khát từng ngày để hiến máu

30 lần hiến máu, hiến tiểu cầu – cô giáo Phạm Thị Thu Hoài (giáo viên trường THCS Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) có khát khao được hiến máu cứu người từ thuở nhỏ. Hơn thế, cô giáo trẻ đang miệt mài giảng dạy cho học sinh hiểu được ý nghĩa về nghĩa cử cao đẹp này trên những trang giáo án của mình.

Tuổi thơ của cô giáo Thu Hoài gắn liền với nhiều câu chuyện cứu sống chiến sỹ từ người cha của mình. Ông là một người lính, một y sĩ trong quân đội hải quân, thường di chuyển khắp nơi trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thập niên 70-80 để chữa bệnh cho đồng nghiệp, đồng bào. Những câu chuyện cứu người, hiến máu cứu đồng đội trên chiến trường luôn được ông miêu tả rõ nét mỗi kể lại cho con gái nghe và nuôi dưỡng tâm hồn cô giáo lớn lên đầy ắp tình người.

“Vì trót yêu nghề nhà giáo nên tôi đã theo đuổi ước mơ, nếu không, tôi chắc chắn sẽ trở thành một vị bác sĩ để cứu người”  – Chị Hoài tâm sự.

Quay trở lại những năm 2000, cô sinh viên Thu Hoài đã có dịp biết đến hiến máu khi thấy xe lưu động của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương về trường tổ chức lấy máu. Đó là lần đầu tiên chị tham gia hiến máu.

Tuy nhiên, do gặp vấn đề về cân nặng và sức khoẻ, đan xen những lần thức đêm học bài nên trong suốt thời gian còn là sinh viên, cô giáo Hoài phải lỡ hẹn nhiều lần.

“Điều tôi tiếc nhất trong quãng đời sinh viên của tôi là biết quá muộn về hiến máu khi còn là sinh viên tại Cao đẳng sư Phạm Hưng Yên” – Cô giáo Thu Hoài chia sẻ.

Bẵng đi thời gian đến năm 2008, hành trình bén duyên với sở thích hiến máu của cô giáo Thu Hoài mới thực sự bắt đầu. Trong nhà có bố ruột chị phải mổ sỏi thận cần tới 4 đơn vị máu, cùng lúc đó bà ngoại phẫu thuật bàn tay cũng cần vài đơn vị huyết tương để giảm đau. Gia đình cũng mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm nhóm máu phù hợp, bởi khi đó việc dự trữ đủ máu thật sự khan hiếm.

Trong lúc ấy, các bác sĩ đã vận động người nhà bệnh nhân ngay tại đó nếu có nhóm máu phù hợp thì tham gia, không ngờ được rất nhiều người sẵn sàng hưởng ứng. Cảm động trước hành động ấy, cô giáo trẻ Thu Hoài dặn lòng mình sẽ hiến máu đề đền đáp công ơn của mọi người: “Nếu không có những người hiến máu này thì các bác sĩ không thể hoàn thành thành công ca phẫu thuật cho bà và bố của tôi”. Tuy nhiên, do việc lập gia đình và chăm sóc con nhỏ, mãi đến năm 2019, chị mới có thời gian thực hiện lời hứa của mình.

“Tôi biết đến việc hiến tiểu cầu từ cuối năm 2019, từ đó đến nay, cứ đúng 3 tuần tôi đi từ Hưng Yên lên Viện Huyết học để tham gia hiến máu. Buổi sáng dậy từ 5h30, tự đi xe máy 40km với niềm hứng khởi vô cùng” – Cô giáo Thu Hoài bộc bạch.

Bản thân cô Phạm Thị Thu Hoài là 1 giáo viên dạy Văn, nhưng chị còn kiêm giảng dạy môn Giáo dục công dân tại trường. Để tiết học thêm phần sinh động, cô giáo thường lồng ghép những nhân vật, tình huống thực tế diễn ra trong cuộc sống hằng ngày để tiết học gần gũi với các em học sinh.

Đặc biệt, những giờ học liên quan tới người tốt việc tốt, cô thường lấy những tấm gương tích cực hiến máu, gửi gắm nhiều bài học làm người, tình yêu thương vạn vật đa dạng và sinh động. Nhờ vậy, mỗi tiết học Văn và Giáo dục công dân do cô Hoài phụ trách đều trở nên sôi nổi, tích cực.

Bài giảng “Yêu thương con người” xuất hiện trong sách Giáo dục công dân có hình minh họa một người đang hiến máu, tôi thực sự hào hứng khi giảng dạy tiết học này. Bản thân mình đã được trải nghiệm việc hiến máu nên thực sự dễ dàng khi giảng bài cho các em hiểu được ý nghĩa của nghĩa cử cao đẹp này” – Cô giáo Phạm Thị Thu Hoài chia sẻ.

Bài giảng “Yêu thương con người” xuất hiện trong sách Giáo dục công dân lớp 7 có việc tốt hiến máu.

Cho đến giờ phút này với hơn 10 năm trong nghề “trồng người”, cô giáo Thu Hoài đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh tinh thần và trách nhiệm và hành động giúp đỡ cộng đồng. Thậm chí, bạn trẻ đã ra trường, lớn lên và đi học đại học  còn chụp ảnh hiến máu đăng trên mạng xã hội. Nhiều học sinh còn nói với cô: “Chúng em đã thấy được những ý nghĩa của việc hiến máu trong những bài giảng của cô, nếu đủ sức khỏe, chúng em sẽ đi hiến thường xuyên để giúp đỡ mọi người”.

Trước đây, khi phong trào hiến máu chưa được truyền thông rộng rãi như bây giờ. Vì thế, số người tự nguyện tham gia khá ít. Khi cô giáo Thu Hoài quyết định tham gia phong trào này, nhiều bạn bè, người thân ngăn cản vì lo cho sức khỏe của chị. Hơn hết, chị luôn phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều từ người thân, hàng xóm. Họ cho rằng “Ăn mãi mới được tí máu nhưng lại đi hiến cho người khác!”. Nhưng mỗi lần hiến máu về sức khỏe của chị vẫn tốt, minh chứng là chị đã tăng hơn 10 kg chỉ sau 3 năm (2019 – 2022), nhìn rạng rỡ và muôn phần xinh đẹp. Đồng thời, chị nhẹ nhàng tuyên truyền, thuyết phục người thân, bạn bè và hàng xóm rằng hiến máu hoàn toàn không gây hại cho sức khoẻ.

“Tôi chắc chắn rằng, máu giống như các cơ quan như da, móng tay hay tóc trên cơ thể con người, đến thời gian nhất định sẽ tái tạo lại máu mới. Nếu không hiến thì máu cũng sẽ bị đào thải, như vậy sẽ rất lãng phí. Trong khi đó ở bên ngoài xã hội, có bao nhiêu bệnh nhân, người yếu thế đang chờ đợi từng giọt máu để duy trì sự sống.”

…Hơn nữa, chúng ta sẽ được kiểm tra được sức khỏe, nếu đủ điều kiện, chứng tỏ bản thân mình hoàn toàn bình thường. Quan trọng hơn, việc hiến máu giúp tôi thanh lọc cơ thể, tinh thần hoàn toàn sảng khoái”.  – Chị khẳng định.

Mọi người xung quanh nhìn thấy chị càng ngày càng rạng rỡ, định kiến về hiến máu cũng vơi bớt đi nhiều lần. Tin vào lòng chân thành của bản thân, đến nay, chị Hoài đã thuyết phục được nhiều đồng nghiệp trong trường THCS Tứ Dân, người nhà của mình xung phong hiến máu mỗi khi được tổ chức tại quê nhà.

Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ trên bục giảng, trong gia đình mà cô còn luôn cháy bỏng khao khát được hiến máu cứu người. “Ngày nào còn sức khỏe thì ngày ấy tôi vẫn tiếp tục tham gia hiến máu cứu người. Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại. Cho đi để được nhận lại, cao hơn cả là tấm lòng nhân ái sẻ chia với cộng đồng”, Cô giáo Thu Hoài tâm sự.

Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan