Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Công tác xã hội – một nghề chuyên nghiệp, có phương pháp, kỹ năng và tính khoa học

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề đang phát triển tại nước ta. Đặc biệt, nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng bởi những hiệu quả thiết thực về mặt tâm lý xã hội mang đến cho người bệnh.

Để thấu hiểu hơn những công việc thầm lặng hỗ trợ người bệnh, bài viết dưới đây ghi lại những chia sẻ của ThS. Lý Thị Hảo – Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu TW, người trực tiếp làm công tác xã hội trong bệnh viện.

Phải theo đuổi đến cùng khi một người bệnh đang gặp vấn đề tâm lý xã hội

Trong hành trình đáng nhớ về người bệnh có vấn đề tâm lý xã hội cần trợ giúp, ThS. Lý Thị Hảo nhớ đến một nữ bệnh nhân 27 tuổi và người mẹ đi theo chăm sóc.

Người bệnh đó có nhiều vấn đề tâm lý, xã hội. Cô ấy suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ gia đình bị ảnh hưởng từ khi bị bệnh, về sự mất mát công việc, có lo âu, căng thẳng, tự cho mình là gánh nặng của gia đình, muốn dừng điều trị và gặp các vấn đề khó khăn về tài chính…

Bằng các phương pháp và kỹ năng CTXH, chị Hảo đã tiếp cận, tạo lập mối quan hệ, thu thập thông tin, xác định vấn đề xã hội của người bệnh. Từ đó, chị lập kế hoạch can thiệp và cuối cùng lượng giá kết quả của quá trình đó.

“Mình đi cùng họ trọn vẹn hành trình điều trị theo hướng chăm sóc giảm nhẹ về tinh thần và cả những vấn đề xã hội trong hơn 1 năm. Cứ mỗi lần vào Viện người bệnh đều nhắn tin cho mình xin tham vấn. Sau hơn 1 năm, cô ấy mất. Lo xong việc cho con, mẹ của cô ấy gọi báo rằng cô ấy mất nhưng rất thanh thản ra đi, người mẹ ấy cũng nhẹ lòng khi thấy con không còn chịu đựng đau đớn”, chị Hảo chia sẻ.

Không so sánh công việc của mình với ngành nghề khác, chị Hảo cho rằng khi trợ giúp một thân chủ/đối tượng thuộc về công tác xã hội sẽ khá linh hoạt. Đồng thời, công việc cũng mang đến cho những người làm CTXH những cảm xúc tích cực.

“Công việc này thú vị, vì nó cho người làm công tác xã hội những bài học cuộc sống mà tiền không mua được, nó cũng bồi đắp mỗi ngày cho mình tình yêu thương một cách chân thành, không chờ đợi sự đền đáp nào cả”, đó là điều quý giá mà chị Hảo đón nhận từ công việc.

“Nghề công tác xã hội không phải là hoạt động từ thiện nên không thể làm một cách tự phát hay theo cảm xúc”

Tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự thông thái trong mỗi người đều là những phẩm chất đáng quý để làm công tác xã hội. Thế nhưng, công tác xã hội cần được hiểu một cách nghiêm túc. Đó là một nghề nghiệp thực hành chuyên nghiệp, có phương pháp, kỹ năng và cần tính khoa học. Đó không phải là hoạt động từ thiện, nên không thể làm một cách tự phát, không thể làm theo cảm xúc hoặc thực hiện nó như “muốn chứng tỏ mình là người tốt”. Chị Hảo bày tỏ quan điểm về công việc.

Các phương pháp tác nghiệp của CTXH bao gồm CTXH cá nhân, nhóm và cộng đồng. Hình ảnh trên ghi lại buổi gặp mặt do nhân viên công tác xã hội thiết lập đối với nhóm người bệnh thanh niên của Trung tâm Hemophilia (bên trái) và người bệnh mới nhập viện của Khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu TW .

Hiện nay, công tác xã hội trong ngành Y tế nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, của Bộ Y tế với các đề án, chương trình phát triển nghề công tác xã hội sâu rộng, mạnh mẽ trong toàn ngành. Đây là một trong những cơ sở thuận lợi cho người làm CTXH thực hành nghề nghiệp. Cùng với đó, sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất từ Ban lãnh đạo Viện cho các nhân viên công tác xã hội làm việc là những điều kiện vô cùng thuận lợi.

Bên cạnh đó cũng tồn tại những khó khăn, khi công tác xã hội vẫn là một lĩnh vực mới, còn thiếu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Sự hỗ trợ nguồn lực triển khai chương trình phát triển nghề nghiệp cũng rất cần thêm sự quan tâm. Hơn nữa, công tác xã hội không nên coi là làm từ thiện, như vậy sẽ hạn chế năng lực của người làm công việc này.

Hình ảnh của một số hoạt động công tác xã hội tại Viện Huyết học – Truyền máu TW: 

Nhân viên CTXH thăm hỏi người bệnh. Từ việc tiếp xúc với người bệnh hàng ngày và qua trao đổi với nhân viên y tế, nhân viên CTXH có thể phát hiện những trường hợp cần hỗ trợ tâm lý, xã hội.

Kết nối với các đơn vị thiện nguyện để trao tặng tóc cho người bệnh

Kết nối các tổ chức, đơn vị, cá nhân tặng quà người bệnh

Tổ chức chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho cán bộ, nhân viên y tế

Tổ chức các chương trình cung cấp thông tin kiến thức về bệnh, về chăm sóc sức khoẻ tinh thần, thể chất cho người bệnh, người nhà người bệnh, hướng dẫn tư vấn chính sách an sinh xã hội, BHYT…

Phòng Công tác xã hội (Ảnh chụp tháng 3/2024)

Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu TW thành lập ngày 01/10/2015. Hoạt động công tác xã hội tại Viện đang triển khai theo hướng dẫn tại Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện.

Các nhóm công việc chính đang được Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu TW triển khai bao gồm:

  • CTXH lâm sàng, nhân viên CTXH làm việc với người bệnh, người nhà người bệnh để hỗ trợ tâm lý xã hội;
  • Vận động, tiếp nhận và điều phối các nguồn lực trợ giúp người bệnh khó khăn và nhân viên y tế;
  • Hướng dẫn, tư vấn hình thức khám chữa bệnh cho người bệnh, người đến khám bệnh;
  • Thực hiện hoạt động truyền thông về công tác xã hội;
  • Phối hợp với các đơn vị thuộc Viện tổ chức các chương trình, sự kiện thường kỳ cung cấp thông tin kiến thức về bệnh, về chăm sóc sức khoẻ tinh thần, thể chất cho người bệnh, người nhà người bệnh, hướng dẫn tư vấn chính sách an sinh xã hội, BHYT…

Hải Yến (ghi)

Thiết kế: Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan