Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Dấu ấn những “thủ lĩnh” phong trào vận động hiến máu tình nguyện

“Bố mẹ bảo tôi nếu thiếu tiền sẽ gửi xuống, đừng đi bán máu”, anh Nguyễn Đức Thuận kể lại. Còn Tiến sĩ Trần Ngọc Quế thì không quên kỷ niệm cả nhóm sinh viên y khoa vận động hiến máu những năm 1990 đã bị phụ huynh của một bạn sinh viên mắng, đuổi đánh vì không đồng ý cho con hiến máu.

Dấu ấn những “thủ lĩnh” phong trào vận động hiến máu tình nguyện

Hơn 30 năm sau những ngày đầu tiên cùng khởi động phong trào vận động hiến máu toàn quốc, nhiều người gặp lại nhau trong Hành trình Đỏ năm 2023. Ở tuổi ngũ tuần, những “thủ lĩnh” đầu tiên của hoạt động vận động hiến máu tình nguyện giờ đã trưởng thành ở nhiều vị trí. Có người vẫn ở lại ngành vận động hiến máu, có người đã chuyển công tác khác, nhưng tinh thần, tâm huyết và những dấu ấn họ để lại là thành tựu vô cùng rực rỡ.

Gian nan ngày đầu vận động hiến máu tình nguyện

“Những năm 1990, 90% người dân đi bán máu lấy tiền. Nếu cần máu cấp cứu, người bệnh chỉ chờ vào người nhà, hoặc mua máu từ người bán”, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội kể lại.

Với thâm niên 16 năm làm Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội (từ 1994-2010), anh Nguyễn Đức Thuận chia sẻ, bản thân anh và các sinh viên lúc bấy giờ cũng vẫn còn mơ hồ về hiến máu tình nguyện và cũng chưa dám hiến máu.

Nhưng, tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhiều ca cấp cứu không còn cơ hội sống sót vì thiếu máu truyền, nhiều phương pháp điều trị hiện đại cũng “bó tay” vì không có nguồn máu dự trữ.

Những năm 1990, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lúc đó bắt đầu hoành hành, nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng khan hiếm, thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước. Bởi vậy, nhóm sinh viên đã nghĩ đến việc vận động hiến máu.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (ngồi) chụp ảnh cùng 4 Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội qua nhiều thời kỳ.

Năm 1993, một nhóm sinh viên y khoa khoảng 13 người, trong đó có sinh viên Trần Ngọc Quế, Nguyễn Đức Thuận, Ngô Mạnh Quân… đã xin với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Đỗ Trung Phấn (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về việc vận động các bạn sinh viên tham gia vận động hiến máu.

Ngày 24/1/1994, tại Bệnh viện Bạch Mai, Câu lạc bộ đã đứng ra tổ chức thành công Ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên của Việt Nam.

Nhưng bấy giờ, việc vận động vấp phải muôn vàn khó khăn. Nhiều người nghĩ sai, thậm chí còn có định kiến cho rằng hiến máu sẽ gây hại cho sức khỏe; hiến máu là mất đi sự may mắn; giọt máu đào thì chỉ hiến cho người thân;… “Người dân rất kỳ thị với hiến máu. Mọi người không chỉ nghĩ đi hiến máu là bán máu, thậm chí khi chúng tôi đi vận động hiến máu mọi người còn hỏi rằng “chuẩn bị đi hút máu à?”, anh Thuận kể.

Từ con số chỉ tiếp nhận 100 nghìn đơn vị máu, đến nay đã tiếp nhận 1,4-1,5 triệu đơn vị máu/năm, cơ bản cung cấp đủ máu cho cấp cứu, điều trị. Từ 0,3% dân số hiến máu, đến nay, có khoảng 1,5 triệu người (1,5% dân số) hiến máu thường xuyên.

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế

Là con nhà nòi, có bố mẹ cùng công tác tại Bệnh viện Than Cẩm Phả, Tiến sĩ Ngô Mạnh Quân (Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội giai đoạn 2009-2012) từ bé đã chứng kiến nhiều người bệnh nguy kịch vì bị mất máu. Nhưng khái niệm hiến máu hồi đó cũng rất xa lạ. Sinh viên thời những năm 1990 hầu hết đều xanh rớt, gầy tong teo, có rủ nhau đi hiến máu cũng khó khăn.

“Khi ấy, xã hội chỉ có khái niệm bán máu kiếm tiền. Nhiều khi sinh viên cũng bị ám thị, cứ nhìn nhau sợ mang tiếng chả nhẽ nghèo tới mức phải đi bán máu kiếm tiền. Nhưng nếu mình không vượt qua được, thì không vận động được mọi người hiến máu”, Tiến sĩ Quân kể lại.

Ngay từ tên câu lạc bộ, các anh cũng không dám đặt là “vận động hiến máu” mà phải là “sinh viên hoạt động nhân đạo”. Mấy anh em bảo nhau, muốn mọi người tin, thì mình phải hiến máu trước cho mọi người chứng kiến. Khi đó, đám nam sinh viên xanh rớt ấy đã tham gia hiến máu đầu tiên và sau khi hiến, mọi người đều cảm nhận “cũng bình thường thôi!”.

Tiến sĩ Ngô Mạnh Quân (bên trái) vận động các sinh viên đi hiến máu thời kỳ đầu.

Tiến sĩ Quân cùng anh em trong câu lạc bộ là chơi phương pháp “đánh tỉa”. “Khi vận động được ai hiến máu là cả nhóm mừng rỡ, còn đạp xe chở họ đến Viện Huyết học-Truyền máu (khi đó ở Bệnh viện Bạch Mai) để hiến máu”, bác sĩ Quế hào hứng kể lại.

Thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ, bác sĩ Quế, Thuận, Quân… đã dần dần giới thiệu với mọi người về câu lạc bộ sinh viên hoạt động nhân đạo để mọi người cùng tham gia, cùng bước vào hoạt động vận động hiến máu.

Họ là thủ lĩnh của phong trào vận động hiến máu tình nguyện thời bấy giờ, và cũng là những người đặt viên gạch xây dựng mô hình ngân hàng máu, tham gia điều tiết máu trên toàn quốc để bảo đảm việc tiếp nhận và dịch vụ truyền máu được an toàn.

Từ 90% bán máu lấy tiền sang 99% hiến máu tình nguyện

Sức trẻ, tâm huyết và sự năng nổ của những thủ lĩnh đầu tiên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã góp phần lan tỏa cảm hứng tham gia hiến máu tình nguyện ra khắp cả nước.

Ban đầu, việc hiến máu chỉ dừng ở sự phát động của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, trong giới sinh viên, thì về sau, càng có nhiều ban, ngành, đoàn thể tham gia, trở thành hoạt động hiến máu tình nguyện của toàn dân.

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thuận, Tiến sĩ Ngô Mạnh Quân là những thủ lĩnh đầu tiên của phong trào vận động người dân hiến máu tình nguyện.

“Chúng tôi đi một chặng đường dài, từ con số chỉ tiếp nhận 100 nghìn đơn vị máu, đến nay đã tiếp nhận 1,4-1,5 triệu đơn vị máu/năm, cơ bản cung cấp đủ máu cho cấp cứu, điều trị. Từ 0,3% dân số hiến máu, đến nay, có khoảng 1,5 triệu người (1,5% dân số) hiến máu thường xuyên. Trước đây, chúng ta gọi là phong trào vận động hiến máu, thì giờ đã trở thành hoạt động hiến máu thường niên, rất giá trị”, bác sĩ Quế cho hay.

Sự thay đổi ý thức của người dân trong việc “hiến giọt máu đào, trao đi sự sống” đã giúp Việt Nam xây dựng được Trung tâm máu Quốc gia. Từ việc hiến máu trước nay chỉ tập trung ở thành phố lớn, giờ đã vươn được tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xây dựng được lực lượng hiến máu dự bị.

Dấu ấn của những “thủ lĩnh” ban đầu trong công tác vận động hiến máu đã giúp xây dựng được những phương pháp vận động hàng vạn người cùng đứng trong công tác hiến máu, vận động hiến máu, xây dựng được mô hình hoạt động hiến máu về các tỉnh, thành phố, vùng sâu, vùng xa.

Phong trào hiến máu tình nguyện được lan tỏa rộng rãi.

Từ nhận thức về hiến máu những năm 93-94 của người dân chỉ “bé như hạt cát”, mùa hè hầu hết đều thiếu máu trầm trọng nếu không có sinh viên hiến máu, thì nay, với những chuỗi hoạt động như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ… đã nhen nhóm, nhân lên các điển hình trong hiến máu, vận động hiến máu. Hiến máu không chỉ là phong trào xã hội nữa mà trở thành một hoạt động thường niên của nhiều bộ, ban, ngành.

29 năm qua, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã đồng hành và phát triển mạnh mẽ với hoạt động hiến máu tình nguyện. Nếu năm 1994, năm đầu tiên diễn ra hoạt động vận động hiến máu tình nguyện, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội thu được 138.000 đơn vị máu; 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện; thì đến nay, cả nước đã tiếp nhận 1,5 triệu đơn vị máu và 99% trong số đó là người hiến máu tình nguyện.

Tăng thể tích, tăng chất lượng máu hiến

Là người có hơn 30 năm hành trình đi cùng hoạt động vận động hiến máu tình nguyện, là người hiếm hoi còn trụ lại với ngành máu, Tiến sĩ Quế hào hứng khoe, từ từ xét nghiệm thô sơ cơ bản, giờ Việt Nam đã có hệ thống xét nghiệm tương đương thế giới.

Như vậy, bên cạnh nguồn đầu vào về số lượng người hiến máu tăng cao, tăng thể tích máu hiến, tăng chất lượng hiến máu, Việt Nam đã bảo đảm cung cấp máu an toàn cho công tác cấp cứu, điều trị.

“Không chỉ tăng số lượng người hiến máu, đến nay, thể tích máu hiến được tăng dần lên. Hơn 60% đã hiến khoảng 350-450ml máu, tăng 2% so với con số 250ml máu trước đây”, Tiến sĩ Quế cho hay.

Ông tin tưởng, với xu hướng này, vài năm tới sẽ đạt được tiêu chí 2% dân số hiến máu, tỷ lệ hiến máu an toàn từ người hiến máu thường xuyên.

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội có nhóm máu hòa hợp phenotype.

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế là một trong những thành viên hiến máu đặc biệt khi mang nhóm máu hòa hợp phenotype (người có nhóm máu phù hợp nhiều kháng nguyên nhóm máu). Do tính chất và đặc điểm “hiếm có” ở nhóm máu của mình, bởi vậy, bác sĩ Quế không tham gia hiến máu thường xuyên mà bất kỳ khi nào bệnh nhân cần nhóm máu hiếm này, anh sẽ hiến máu.

Theo Tiến sĩ Quế, hiện tại Trung tâm Máu Quốc gia đang quản lý 3.000 người có nhóm máu hòa hợp phenotype. Trung tâm đang có dự án xin mở rộng thêm 300 người nữa để huy động trong trường hợp khẩn cấp và những trường hợp người bệnh cần truyền máu định kỳ hàng tháng.

“Việc tăng số lượng người hiến máu quan trọng, nhưng thu hút được thêm những người tham gia hiến máu cho đối tượng đặc biệt, thời điểm đặc biệt rất quan trọng”, Tiến sĩ Quế chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Quế, để hoạt động truyền máu đi đúng hướng, cần phát triển nguồn người hiến máu an toàn bền vững. Do đó, cần phải tiếp tục vận động người dân hiến máu tình nguyện, hiến nhắc lại thường xuyên, hiến máu có thể tích lớn mới an toàn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương sẽ tập trung hóa một số hoạt động như xét nghiệm sàng lọc, sản xuất chế phẩm máu cung cấp cho trung tâm lớn. Hoạt động hiến máu cần phải đến nhiều địa phương hơn nữa, để người dân thuận tiện hiến máu.

Việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu người hiến máu cũng rất quan trọng để xây dựng mạng lưới truyền máu quốc gia phù hợp theo vùng, tỉnh thành phố, tránh dàn trải như hiện nay.

Ở nhiều nước trên thế giới, hiến huyết tương gạn tách tương đối phổ biến. Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi như hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành huyết học-truyền máu hướng tới. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến lâu hơn, nhưng bù lại chỉ cần sau 2-3 tuần có thể hiến nhắc lại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương

Bác sĩ Quế cho rằng, tới đây, ngành máu cần phải tăng cường quản lý chất lượng trong dịch vụ truyền máu, xây dựng tiêu chuẩn GMP trong sản xuất huyết tương, bảo đảm việc tiếp nhận, lưu trữ, vận chuyển máu an toàn.

“Chúng tôi định hướng đẩy mạnh vận động người dân hiến thành phần máu trong đó có hiến tiểu cầu và huyết tương. Nhưng để làm được, yêu cầu đặt ra phải có lượng máu lớn”, bác sĩ Quế nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Đức Thuận (áo xanh) vẫn tham gia hiến máu định kỳ thường niên.

Giờ đây, chỉ còn Tiến sĩ Trần Ngọc Quế “ở lại” tiếp tục sự nghiệp vận động hiến máu nhân đạo với vai trò là Giám đốc Trung tâm máu. Anh Nguyễn Đức Thuận đã rời công việc này từ lâu, giờ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tài năng và Khởi nghiệp, Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn nhân lực Chất lượng cao (CiT Edu). Còn Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Quân đã chuyển sang làm Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và xét nghiệm y học Medlatec (Bệnh viện đa khoa Medlatec).

Ngọn lửa nhiệt huyết của những thủ lĩnh đầu tiên phong trào vận động hiến máu đã truyền cảm hứng cho nhiều lớp thế hệ trẻ sau này, nối tiếp con đường vận động người dân hiến máu tình nguyện, để cùng nhau chia sẻ giọt máu đào, cứu nhiều người bệnh.

Thông điệp của chương trình tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023 theo chủ đề Ngày Quốc tế người hiến máu của Tổ chức Y tế thế giới là “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống” (Give blood, give plasma. Share life, share often).

Thông điệp này nhằm kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương. Cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) thì huyết tương cũng là thành phần máu quan trọng, chứa nhiều chất rất cần thiết với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể.

Theo Báo Nhân dân

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan