Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hy vọng trong điều trị Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt

Viện Huyết học – Truyền máu TW hiện đang quản lý, theo dõi và điều trị gần 1.000 bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, trong đó có rất nhiều người bệnh đã điều trị trên 10 năm, thậm chí là 20 năm.

Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia – CML) hay còn gọi là bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn mạn tính, giai đoạn tăng tốc và cuối cùng là chuyển lơ xê mi cấp. Trước đây, giai đoạn mạn tính của lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt thường kéo dài 3-5 năm, tiếp đó chuyển thành lơ-xê-mi cấp (tiên lượng xấu, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm). Tuy nhiên, hiện nay, với việc điều trị bằng thuốc nhắm đích và ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài, tiên lượng và chất lượng cuộc sống của người bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt được cải thiện mạnh mẽ.

Để kịp thời cung cấp kiến thức, giải tỏa băn khoăn, lo lắng, giúp người bệnh yên tâm điều trị, với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam, hàng năm Viện Huyết học – Truyền máu TW đều tổ chức các chương trình tư vấn cho người bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

Sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh, ngày 26/5/2022, chương trình tập huấn cho bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt đã diễn ra tại Viện với sự tham gia của khoảng 40 người bệnh.

ThS.BS. Đào Thị Hướng, Khoa Điều trị hóa chất tư vấn và giải đáp băn khoăn cho người bệnh

Người bệnh tham dự tập huấn được cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ. Bác sĩ cũng đưa ra những lời khuyên rất bổ ích và giải đáp cặn kẽ, chi tiết những băn khoăn của người bệnh như: Bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt có di truyền không? Người bệnh có thể sinh con khi đang điều trị bằng thuốc nhắm đích không? Người bệnh cần kiêng các thực phẩm gì để tránh tương tác thuốc?

Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh hãy luôn tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện, kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc, đánh giá hiệu quả điều trị và thay đổi điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, lối sống lành mạnh, tích cực, ăn uống khoa học. Sự hỗ trợ từ gia đình, người thân và cộng đồng cũng hết sức cần thiết để giúp người bệnh có thêm động lực vượt qua những khó khăn trên chặng đường vượt qua căn bệnh.

Chương trình tập huấn không chỉ là cơ hội để người bệnh được tư vấn, cung cấp kiến thức mà còn là nơi để cộng đồng người bệnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh. Những người mới phát hiện bệnh đang còn nhiều hoang mang, lo lắng đã được truyền thêm hy vọng và niềm tin từ chính những người bệnh đã trải qua quá trình điều trị 10 năm, 20 năm. Và trên chặng đường ấy, các y bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu TW sẽ luôn đồng hành, chăm sóc người bệnh về thể chất và hỗ trợ cả về tinh thần để người bệnh có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Cũng nhân dịp này, Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam và Viện Huyết học – Truyền máu TW phối hợp tổ chức Hội thảo cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được tổ chức dành cho các bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu TW, các bác sĩ Huyết học lâm sàng, cận lâm sàng tham gia quản lý, điều trị bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt của một số bệnh viện khu vực Hà Nội nhằm cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán, điều trị bệnh và chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng.

ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất và ThS.BS. Tống Thị Hương, Phó trưởng khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú báo cáo tại hội thảo

Trương Hằng, ảnh: Gia Thắng – Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan