Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Người mẹ kiên cường cùng con chống lại bệnh ung thư máu

Cuộc sống đang bình yên thì một ngày chị Trần Thị Hồng Thắm (Kim Sơn, Ninh Bình) phát hiện ra con bị ung thư máu. Suốt 7 năm qua, chị một mình chống đỡ con thuyền lênh đênh, chiến đấu mang lại sự sống cho con…

Ba mẹ con chị Thắm

Cú sốc của người mẹ

Chị Thắm kết hôn năm 2007 và sinh cháu Đức năm 2008. Khi ấy, cuộc sống gia đình chị cũng như bao gia đình khác, tuy khá eo hẹp nhưng cũng không quá khó khăn. Chị Thắm làm công nhân ở Hải Phòng và thuê nhà trọ ở đây để sinh sống. Sinh con xong, chị gửi về quê cho ông bà ngoại chăm sóc để hai vợ chồng tập trung làm kinh tế. Đến khi sinh con thứ hai vào năm 2012, chị Thắm mới đón Đức về ở cùng và cho cháu đi học mẫu giáo.

Chị Thắm kể lại, trong buổi học chiều hôm ấy, Đức đi học về thì chân đi khập khiễng, em hỏi thì cháu bảo con bị vấp chân bạn ngã. Vài ngày sau cháu vẫn không khỏi, lúc này bà ngoại mới nói dạo này cháu ăn ít nhưng bụng lại to hơn bình thường. Chồng chị cho con đi khám thì bác sỹ bảo cháu bị rạn mắt cá chân cho nên bó bột. Lúc tháo bột cho con đi khám lại thì bác sỹ cho xét nghiệm máu và đề nghị chuyển lên tuyến trên. Đó là ngày 4/6/2013, ngày mà không khi nào chị Thắm quên được! Nhìn thấy kết luận của bác sỹ tại bệnh viện quận viết: bệnh máu ác tính hay suy tủy xương, cô gần như gục ngã.

Sau đó, chị Thắm đưa con đi bệnh viện tuyến trên thì cháu Đức được xác định mắc bệnh ung thư máu. Lúc đó, chị vẫn không dám tin, luôn hy vọng sự thật không tàn khốc như thế vì con còn quá nhỏ. Ngày con chị xác định mắc ung thư máu, cũng chính là ngày sinh nhật bé Đức tròn 5 tuổi.

Lúc đó, chị Thắm cứ nhìn con là trào nước mắt. Hết nghĩ đến nỗi đau của con, lại nghĩ đến những ngày tháng tiếp theo cả gia đình phải sống thế nào? Lấy đâu ra tiền chữa trị cho con? Có tiền đi chăng nữa thì liệu có cứu được con? Khi ấy, lương của cả hai vợ chồng cũng chỉ 3 triệu đồng một tháng.

Rồi tất cả những lo lắng, đau buồn cũng phải kìm nén lại để tập trung chữa bệnh cho con. Chị Thắm bắt đầu cuộc hành trình sống không biết đâu là nhà, để cùng con lên Hà Nội điều trị ung thư máu.

Kể về những ngày đầu tiên cùng cú sốc này, chị Thắm nghẹn ngào nói: “Những ngày đầu tiên trên đất Thủ đô mọi thứ thật mới lạ bởi có nằm mơ em cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào cảnh này. Sau khi có kết quả ở Bệnh viện Nhi thì bác sỹ chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu TW để điều trị. Tại đây, các bác sỹ đã tạo điều kiện để mẹ con em làm giấy chuyển tuyến cho đúng tuyến, đỡ phải trả nhiều chi phí”.

Nhìn Đức nằm truyền máu mà da trắng nhợt mà lòng chị Thắm quặn thắt vì thương con. Cháu Đức còn quá nhỏ, quá vô tư nên không hề biết phía trước tương lai của mình là những tháng ngày đau đớn, đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Những ngày con phải chịu những mũi kim, sốt triền miên, bị nôn vì phản ứng thuốc, không ăn uống, không đi lại được… chị Thắm chỉ muốn được thay con chịu từng nỗi đau ấy. Lúc Đức tỉnh táo lại thường nhìn mẹ mỉm cười an ủi mẹ: “Con không sao đâu mẹ”.

Chị Thắm cho biết, sau lần đầu điều trị hóa chất của Đức, chị đã buộc phải xin nghỉ việc để chăm con vì thời gian điều trị ở viện thường từ 30 ngày hoặc 40 ngày, thậm chí có lúc đến 2 tháng. Khi ấy, con út của chị Thắm mới hơn một tuổi đã phải cai sữa mẹ, gửi bà ngoại trông để mẹ và anh vào viện.

Gia đình chị mất đi một lao động vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn vì chỉ mình chồng chị đi làm, mỗi tháng thu nhập được 3 triệu mà mọi chi tiêu chỉ trông vào đồng lương ít ỏi đó. Mỗi lần cháu Đức vào viện chị Thắm lại chạy đôn chạy đáo đi vay mượn người thân, bạn bè và cả vay nóng để có tiền đưa con đi.

Nỗi đau tinh thần

Những tưởng trong khó khăn ấy, gia đình và chồng sẽ là nơi để chị Thắm dựa vào, tiếp thêm sức mạnh cùng nhau vượt qua, nhưng cuộc sống lại một lần nữa phũ phàng với chị. Cuối năm 2014, vì những lý do không thể nói bằng lời, chồng chị đã không còn là chỗ dựa cho ba mẹ con chị nữa, anh rời nhà đi.

“Trong lòng em lúc đó chỉ có một suy nghĩ là ôm các con nhảy xuống sông để kết thúc cuộc sống đau khổ này. Nhờ có mẹ đẻ em ở bên cạnh động viên và giúp đỡ nên em đã dần bình tĩnh lại, tiếp tục chiến đấu để cứu con, chăm con, vượt qua từng ngày trong nước mắt”, chị Thắm tâm sự.

Từ ngày con bị bệnh, chị Thắm phải bươn chải cuộc sống bằng các công việc như nhặt chai nhựa cho các cơ sở làm dép với thu nhập khoảng 50 nghìn đồng/ngày. Sau đó chị làm các công việc như giúp việc, bưng đồ ăn ở quán, bán hàng, bán bảo hiểm… chị trăm thứ nghề, cứ kiếm được ngày vài chục đồng lẻ đủ tiền ăn bữa cơm rau cho hai mẹ con là chị làm.

Chị cho biết, những ngày nằm viện hai mẹ con chị chỉ dám ăn xuất cơm 25 nghìn, nhiều lúc Đức ăn không thấy đủ, nhưng vì thương mẹ nên thường nhường cơm cho mẹ. Chị Thắm cũng chỉ ăn mấy thìa cơm, húp bát canh rau cho đỡ đói lòng, còn lại cố ép con ăn cho có sức.

Cũng chính vì ăn uống và làm việc như vậy nên đến năm 2015, chị bị bệnh thiếu máu. Đến lúc này thì cả hai mẹ con đều phải “cắm chốt” trong bệnh viện để cùng vừa trị bệnh vừa chăm nhau. Khi chỉ số máu của chị Thắm được cải thiện hơn một chút, chị lại dừng trị bệnh của mình để dành tiền trị bệnh cho con.

Trong phòng bệnh, Đức vẫn miệt mài làm bài tập

Với nghị lực phi thường của người mẹ yêu con vô điều kiện, vô bờ bến, Đức cũng có ngày được bước chân đến trường như bao đứa trẻ. Điều mà chị Thắm cảm thấy được an ủi lớn nhất chính là dù mang trong mình căn bệnh ung thư máu nhưng Đức không nhụt chí, cháu rất nghị lực và kiên cường. Suốt ba năm cuối cấp 1, Đức đều là học sinh xuất sắc. Bây giờ, Đức đã được 12 tuổi và đã bước vào đầu năm học cấp 2. Càng lớn Đức càng hiểu và yêu thương mẹ, thể hiện rõ quyết tâm vượt qua sóng gió, hy vọng vào tương lai. Còn con thứ hai của chị Thắm năm nay cũng đã lên 8 tuổi, ngoan ngoãn, yêu thương mẹ và anh.

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và những nỗi đau sâu thẳm nhất cần phải vượt qua thì chị Thắm cũng đã trải qua rồi. Phía trước là con đường dài mà chị và các con cần phải bước tiếp. Chị Thắm chỉ ước mơ bản thân có một công việc ổn định, có thu nhập để cuộc sống đỡ bấp bênh, lo được cho các con. Chị còn mong trong tương lai, khoa học phát triển hơn nữa để sớm tìm ra thuốc để cứu cuộc đời con.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan