Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những “giọt vàng” quý giá mang tên tiểu cầu

Có mặt ở buồng bệnh, chứng kiến những ánh mắt chờ đợi tiểu cầu mỗi khi đến giờ tiêm truyền mới thấy sự cho đi dù nhỏ bé nhưng là niềm hy vọng lớn của nhiều gia đình.

Tức tốc nhập viện vì xuất huyết

Một ngày nọ, trong lúc đang tắm cho con, chị Đặng Thị Mềm – mẹ của bé Lê Đình Khang (8 tuổi, Hà Nội) thấy con mình kêu đau khi được mẹ gãi đầu. “Tự nhiên cháu khóc gầm lên, chưa bao giờ tôi thấy con khóc như vậy, chắc do con đau quá. Sau đó tôi phát hiện con có mấy nốt xuất huyết ở cổ” – mẹ của Khang nhớ lại thời điểm con có dấu hiệu bất thường.

Ra bệnh viện khám, cậu học sinh lớp 2 Lê Đình Khang được chẩn đoán bệnh suy tuỷ xương mỡ hoá 95%.

Thời điểm mới nhập viện, ngày nào Khang cũng phải truyền tiểu cầu. Cánh tay bé nhỏ đã không biết bao nhiêu lần lấy ven, rồi những lần truyền máu, tiểu cầu, thải sắt triền miên cho đến ngày ra viện. Các chỉ số máu cũng chẳng duy trì được lâu. Khi tiểu cầu giảm sâu, Khang thường bị chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da. Mỗi lần như vậy, hai mẹ con lại tức tốc đưa nhau nhập viện mặc dù chưa đến ngày hẹn của bác sĩ. Có lần vào đến nơi, chỉ số tiểu cầu của Khang chỉ còn 1 – 2 G/l, trong khi giới hạn bình thường của người khoẻ mạnh từ 150 – 400 G/l. Cậu bé phải truyền tiểu cầu gấp, không thể chờ đợi thêm bởi nguy cơ xuất huyết não luôn thường trực khi tiểu cầu giảm sâu.

“Mẹ ơi, con nhớ các bạn lắm!” – Bé Khang từng nói với mẹ khi phải nghỉ học quá lâu

“Năm nay đáng lẽ cháu lên lớp 3 nhưng vì cháu đi viện liên tục nên không đi học được nữa” – mẹ Khang rưng rưng khi nhắc đến chuyện con trai phải nghỉ học. Khang cần uống thuốc đúng giờ và tránh vận động mạnh. Bản thân cậu bé đang ở tuổi vui đùa chạy nhảy với các bạn, đó cũng là phần nào lý do Khang không thể đến trường.

Mẹ của Khang luôn nhớ lời bác sĩ và điều dưỡng hướng dẫn cách chăm sóc. Khi tắm không được chà xát hoặc gãi mạnh, đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải có lông mềm, tránh va đập, không chạy nhảy…

Mẹ của Khang là trụ cột kinh tế trong gia đình. Trước khi Khang phát hiện ra bệnh, chị làm thợ may cho một công ty tư nhân. Giờ đây, khi cậu con trai út cứ mỗi 7-10 ngày lại đi viện một lần, chị không thể tiếp tục công việc, đành phải mang đồ về may tại nhà. Tranh thủ những lúc ở viện, chị nhận đồ thêu để kiếm thêm chi phí trang trải cho hai mẹ con. Tất bật chăm lo gia đình, lại đưa con đi viện, dù vất vả nhưng chỉ cần bệnh tình của con có tiến triển tích cực và luôn có đủ máu, tiểu cầu để truyền ngay khi cần là điều hạnh phúc của những bậc làm cha mẹ như chị Mềm.

Bị ngã khi tiểu cầu giảm sâu, hậu quả khôn lường

Mỗi lần đến ngày hẹn nhập viện, hai vợ chồng chị Lê Thị Tuyền (30 tuổi, Quảng Ninh) lại cùng bắt xe lên viện từ 3 giờ sáng. Có lần lên đến viện tiểu cầu giảm sâu, bác sĩ phải xin tiểu cầu gấp để truyền luôn trong ngày. Đang điều trị tái phát căn bệnh ung thư máu, gần như ngày nào chị Tuyền cũng phải truyền máu và chế phẩm máu. Có ngày chị truyền 2 – 3 đơn vị tiểu cầu.

Chị Lê Thị Tuyền ngày nào cũng phải truyền tiểu cầu

Với người bệnh như chị Tuyền, tiểu cầu là những giọt quý giá mà họ vô cùng nâng niu, trân trọng. Bởi vì họ ý thức được rằng nếu tiểu cầu giảm sâu mà chưa có để truyền, hậu quả sẽ khôn lường. Gắn bó với bệnh viện đã 5 năm, chị Tuyền chứng kiến nhiều ca thương tâm. “Mấy hôm trước, có một chị đang ngồi bị ngã nhào xuống sàn mà tiểu cầu đang rất thấp. Sau đó chị ấy bị xuất huyết não, đến chiều bác sĩ cho về” – chị Tuyền ngậm ngùi kể lại.

Gần một năm điều trị ung thư máu, chị Nguyễn Thị Huyền Thuỷ (39 tuổi, Hải Dương) chưa lúc nào thôi gắn bó với “người bạn” mang tên tiểu cầu. Mỗi đợt nằm viện, chị truyền hơn 10 đơn vị tiểu cầu. Những người bệnh như chị Thuỷ luôn cần được chăm sóc cẩn thận bởi có rất nhiều nguy cơ dễ xảy đến, trong đó có giảm tiểu cầu. Những đợt tiểu cầu xuống thấp, ngày hôm sau mới có để truyền, chị phải chờ đợi trong thấp thỏm bởi nguy cơ chảy máu chân răng, xuất huyết ở các cơ quan luôn rình rập. 

Với chị Thuỷ, chị Tuyền, bé Khang và những người đồng bệnh, việc tiêm truyền hằng ngày là cả sự chiến đấu kiên cường. Nhưng họ sẽ càng mệt mỏi hơn nếu không có đủ tiểu cầu, đủ máu để được truyền. Nơi phòng bệnh, sự sống được níu giữ đôi khi nhờ truyền tiểu cầu. Một ai đó lên kịp chuyến xe sớm trở về quê cũng nhờ có những đơn vị tiểu cầu truyền đúng lúc.

Chương trình Tôn vinh người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022 được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Công ty Fressius Kabi tổ chức với thông điệp “Hiến giọt máu vàng – Trao ngàn hy vọng”. Chương trình nhằm lan toả mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của việc hiến tiểu cầu thường xuyên, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy tăng lượng người hiến tiểu cầu hàng năm, duy trì hành động hiến tiểu cầu của những người hiến tiểu cầu mới, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chế phẩm này.

Thời gian: Sáng ngày 29/10/2022

Địa điểm: Hội trường tầng 2, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hải Yến, ảnh: Gia Thắng, Đức Thịnh

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan