Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Vượt bão Noru, kịp thời hiến tiểu cầu cứu bệnh nhi ung thư máu và sản phụ

Thành phố Đà Nẵng tối 27/9 mưa như trút, gió bắt đầu giật mạnh, cơn bão số 4 đã cận kề nhưng khi nghe điện thoại của bác sĩ đề nghị hỗ trợ hiến tiểu cầu khẩn cấp thì 3 người tình nguyện đã khẩn trương có mặt.

Tối 27/9, khi cơn bão Noru đang áp sát đất liền gây ra những đợt mưa lớn, kèm gió giật mạnh ở các tỉnh miền Trung thì Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng đã kịp thời cấp cứu cho hai bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Đó là bé LGB. (sinh năm 2004), được chẩn đoán ung thư máu và một sản phụ sắp sinh được chẩn đoán mắc Hội chứng HELLP (hội chứng tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu). Cả hai bệnh nhân này đã vượt qua cơn nguy kịch nhờ được 3 người tình nguyện đến hiến tiểu cầu kịp thời.

Trước đó, chiều 27/9, cháu L.G.B (quê Quảng Ngãi) vừa nhập viện do bị giảm tiểu cầu, nôn ra máu. Trong khi bệnh viện không có nguồn tiểu cầu dự trữ, bệnh nhân chưa biết phải cầu cứu ai thì các bác sĩ đã liên hệ với các thành viên trong Câu lạc bộ Máu nóng “Hiểu và thương” để nhờ giúp đỡ.

Lúc này, trời đã tối, những cơn mưa do ảnh hưởng của bão số 4 ập đến. Chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 20h để đảm bảo an toàn. Trên đường chỉ còn lác đác vài bóng xe của lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ.

Sau cuộc điện thoại từ bệnh viện, Đại úy Hà Anh Vũ – Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) và anh Đặng Văn Dự (nhân viên một công ty công nghệ ở Đà Nẵng) khoác vội chiếc áo mưa rồi “phi” xe máy đến bệnh viện để hiến tiểu cầu.

Đại úy Hà Anh Vũ, Công an phường Hải Châu 2 đã vượt mưa bão đến hiến máu cứu người ngay khi nhận được đề nghị từ các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng.

Với trường hợp sản phụ mắc chứng bệnh HELLP, tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch khi sản phụ đã đến thời điểm sinh con. Các bác sĩ đã quyết định phải phẫu thuật lấy thai ngay trong đêm. Giữa mưa bão mịt mù, người nhà bệnh nhân hết sức lo lắng vì chưa có nguồn tiểu cầu cho sản phụ.

Thoáng một chút đắn đo, bác sĩ Trần Thị Ngọc Tuệ – Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng đã liên hệ với anh Đào Ngọc Duy (sinh năm 1994), cũng là một thành viên tích cực của Câu lạc máu nóng “Hiểu và Thương” đề nghị hỗ trợ.

Cũng như anh Vũ, anh Dự, anh Duy vội vã đón xe đến bệnh viện. Nhờ đơn vị tiểu cầu của anh Duy và nỗ lực của các y bác sĩ mà ca phẫu thuật đã thành công, cứu sống cả mẹ và bé.

Bác sĩ Ngọc Tuệ cho biết, anh Vũ, anh Dự, anh Duy đều là những thành viên trong Câu lạc bộ Máu nóng “Hiểu và thương”, từng có nhiều năm gắn bó với các bệnh nhân của bệnh viện. Mỗi lần bệnh viện cần máu sẽ liên hệ với Chủ nhiệm Câu lạc bộ, từ đó CLB sẽ cử các thành viên có nhóm máu phù hợp, đủ điều kiện đến tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu.

“Các bạn ấy rất dễ thương. Chỉ cần bác sĩ gọi là các bạn ấy sẵn sàng đến hỗ trợ ngay. Dù trong trường hợp mưa gió, bão bùng nhưng các bạn ấy vẫn không từ nan”, bác sĩ Ngọc Tuệ chia sẻ.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu.

Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 – 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, các Trung tâm Máu lớn đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.

Khối tiểu cầu gạn tách chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày) nên không thể dự trữ sẵn với cơ số quá nhiều, các bệnh viện thường chỉ tiếp nhận và huy động hiến tiểu cầu theo nhu cầu sử dụng của người bệnh.

Hiến tiểu cầu sẽ sử dụng một bộ gạn tách riêng, toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2-3 tuần là có thể hiến nhắc lại.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Theo báo SKĐS

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan