Những lưu ý về xét nghiệm máu khi khám sức khoẻ định kỳ
Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân càng tăng cao. Khám sức khoẻ dần trở thành hoạt động chăm sóc sức khoẻ được thực hiện định kỳ. Mời quý vị theo dõi những lưu ý về xét nghiệm máu khi khám sức khoẻ định kỳ qua sự tư vấn của ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Những lợi ích khi khám sức khoẻ định kỳ
Khám sức khoẻ định kỳ giúp mỗi người chủ động bảo vệ sức khoẻ bằng cách dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm và tư vấn sức khoẻ, tâm lý, dinh dưỡng và điều trị các bệnh lý có thể xảy ra. Mỗi người cần chọn gói khám phù hợp theo tuổi, giới, yếu tố nguy cơ và bệnh lý nền, nắm rõ các lưu ý trước khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Khoảng cách giữa 2 lần khám sức khoẻ định kỳ
Theo khuyến cáo của WHO, người bình thường nên khám sức khoẻ 1 – 2 lần/năm, tương đương khoảng cách giữa 2 lần khám sức khoẻ là 6 – 12 tháng.
Đối tượng nên khám sức khoẻ định kỳ
Trẻ em, người trưởng thành hoặc người cao tuổi có những kế hoạch khám sức khoẻ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mọi người trong độ tuổi nào, sống ở đâu hay làm công việc nào cũng đều được khuyến cáo nên đi khám sức khoẻ định kỳ.
Một số xét nghiệm nên thực hiện dành cho từng đối tượng
Ngoài những xét nghiệm cơ bản, những nhóm đối tượng nên thực hiện các thăm khám và xét nghiệm như sau:
Trẻ em
Khám sức khoẻ cho trẻ em nên lựa chọn những gói khám sức khoẻ có tầm soát dinh dưỡng, tầm soát vấn đề vi chất như kiểm soát tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì, thừa cân bằng các xét nghiệm, thăm khám lâm sàng và các thang điểm đánh giá.
Thanh niên và người trưởng thành
Nhóm đối tượng này có thể tầm soát các bệnh lý chung. Người trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, các cặp đôi chuẩn bị kết hôn nên xét nghiệm tiền hôn nhân để tầm soát các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lý sinh sản. Đặc biệt, nên ưu tiên xét nghiệm tầm soát các bệnh lý di truyền để giúp phát hiện nguy cơ bệnh lý di truyền sang thế hệ sau.
Người trưởng thành, người cao tuổi
Nhóm người trưởng thành và cao tuổi nên tập trung vào các bệnh lý liên quan đến vấn đề chuyển hoá như rối loạn chuyển hoá lipid, gout, tiểu đường, các bệnh lý về gan, thận, tầm soát ung thư.
Khám sức khoẻ định kỳ bao gồm khám những gì?
Khám sức khoẻ định kỳ là một tổng hợp các xét nghiệm và thăm dò như khám lâm sàng, thăm dò cận lâm sàng như xét nghiệm và thăm dò chức năng khác như chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, nội soi.
- Khám lâm sàng bao gồm thăm khám cơ bản như chuyên khoa nội, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, đo chỉ số sinh tồn…
- Các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm về huyết học, hoá sinh, di truyền miễn dịch, vi sinh…
- Xét nghiệm tầm soát các bệnh lý về huyết học như thiếu máu, giảm tiểu cầu, bệnh lý huyết học di truyền, bệnh máu ác tính.
- Xét nghiệm hoá sinh: xét nghiệm đường huyết, chức năng gan, thận, acid uric, bộ xét nghiệm mỡ máu, hormone tuyến giáp…
- Xét nghiệm vi sinh: Viêm gan B, viêm gan C, HPV và một số bệnh lý truyền nhiễm.
- Thăm dò chức năng: siêu âm tổng quát, siêu âm tuyến giáp, siêu âm tim mạch, điện tâm đồ, siêu âm vú và phần phụ ở nữ giới, siêu âm tuyến tiền liệt ở nam giới; chụp X-quang tim phổi, chụp CT Scanner (thường là chụp liều phóng xạ thấp để hạn chế tác hại của tia X), chụp MRI (nếu đối tượng có nguy cơ cần sàng lọc sâu hơn).
Theo khuyến cáo của WHO, với người ở độ tuổi trung niên, ngoài khám lâm sàng, làm xét nghiệm, thăm dò chức năng cơ bản, nên làm thêm các thăm dò khác như nội soi dạ dày, đại tràng để tầm soát.
Những lưu ý trước khi đi khám sức khoẻ
Quý vị cần có kế hoạch đi khám sức khoẻ, sắp xếp và chuẩn bị về mặt sức khoẻ, thời gian, công việc.
Quý vị nên chuẩn bị các thông tin để trao đổi với bác sĩ khi đi khám sức khoẻ như tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, đặc biệt là bố mẹ và anh chị em ruột, sức khoẻ hiện tại của bản thân.
Chuẩn bị cho việc lấy máu xét nghiệm và làm thăm dò chức năng:
- Không phải tất cả các xét nghiệm đều bị ảnh hưởng do thời điểm ăn uống. Tuy nhiên, một số xét nghiệm liên quan đến đường huyết, mỡ máu, xét nghiệm vitamin bị ảnh hưởng nếu ăn uống gần thời điểm lấy máu làm xét nghiệm. Vì vậy, nếu có kế hoạch khám sức khoẻ định kỳ, quý vị nên nhịn ăn từ 6 – 8 tiếng trước thời điểm lấy máu xét nghiệm. Bên cạnh đó, có thể uống nước không màu như nước lọc với ngụm nhỏ.
- Một số trường hợp cần nội soi dạ dày, đại tràng cần nhịn ăn hoặc có kế hoạch làm sạch đường tiêu hoá trước khi đi khám sức khoẻ.
MỜI XEM THÊM: Thời gian khám bệnh, xét nghiệm |
Vai trò của xét nghiệm máu trong khám sức khoẻ định kỳ
Trong gói khám sức khoẻ định kỳ, xét nghiệm máu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Qua xét nghiệm máu, chúng ta có thể tầm soát được nhiều bệnh lý.
- Xét nghiệm huyết học: tầm soát được các bệnh lý huyết học, dòng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu có liên quan với nhiều nhóm bệnh máu lành tính và ác tính.
- Xét nghiệm hoá sinh, di truyền miễn dịch: tầm soát bệnh liên quan đến chức năng như bệnh lý về chuyển hoá như bệnh lý tiểu đường, rối loạn chuyển hoá lipid, bệnh lý về gan thận hoặc bệnh lý liên quan đến nội tiết như cường giáp hoặc một số bệnh lý chuyển hoá khác.
- Xét nghiệm thăm dò chức năng: đánh giá chức năng của các cơ quan như gan, thận, tim mạch; đánh giá chức năng đường tiêu hoá qua nội soi dạ dày, đại tràng cũng như tình trạng, hình thể của các cơ quan có những biến đổi đáng lưu ý cũng có thể phát hiện qua các thăm dò chức năng.
Những xét nghiệm cần thiết để tầm soát ung thư
Tầm soát ung thư gồm 3 phần:
- Khám lâm sàng và cung cấp cho bác sĩ các thông tin liên quan đến tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, tình trạng sức khoẻ hiện tại.
- Làm xét nghiệm máu như xét nghiệm hoá sinh, di truyền miễn dịch, huyết học để tầm soát các bệnh máu ác tính hoặc các bệnh lý ác tính khác thể hiện qua xét nghiệm máu.
- Làm thêm xét nghiệm thăm dò chức năng như siêu âm, chụp X-Quang, chụp CT Scanner, nội soi để tầm soát khối u.
Về mặt xét nghiệm, có nhiều xét nghiệm để sàng lọc ung thư bao gồm các xét nghiệm hoá sinh, di truyền miễn dịch, marker sàng lọc sớm ung thư hoặc các dấu ấn ung thư. Các marker chẩn đoán sớm ung thư có giá trị nhiều hơn trong theo dõi, đánh giá kết quả điều trị nhiều hơn là để tầm soát. Hiện tại, chỉ có 2 chỉ số marker tầm soát ung thư trong gói khám sức khoẻ là marker về tuyến tiền liệt (PSA) và marker về ung thư gan (AFP) được khuyến cáo để tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu. Ngoài ra, vẫn phải dựa vào các kết quả xét nghiệm chung hay các thăm dò chức năng phù hợp để đánh giá khi sàng lọc ung thư.
Bài viết liên quan
Ý nghĩa của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng trong bệnh lý Huyết học
26 Tháng Chín, 2024Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Viện Huyết học – Truyền máu TW thực hiện các kỹ thuật như: Siêu âm, X quang kỹ thuật số,…
7 câu hỏi phổ biến về ung thư máu
15 Tháng Tám, 2023Hiện nay, ung thư máu ở nước ta có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây và gặp các thể bệnh khác nhau. Ung thư máu có di…
Suy tuỷ xương và những câu hỏi thường gặp
02 Tháng Một, 2024Suy tuỷ xương là một bệnh lý phổ biến trong chuyên khoa huyết học đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Dưới đây là một số câu hỏi…
Phụ nữ mang thai cần đề phòng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt
21 Tháng Ba, 2023Thiếu máu là tình trạng khá phổ biến, xuất hiện ở nhiều lứa tuổi và giới tính. Trong đó, phụ nữ thường gặp những tình trạng mất máu mãn tính…
Bệnh đa hồng cầu nguyên phát và những biến chứng nguy hiểm
14 Tháng Chín, 2024Đa hồng cầu nguyên phát là bệnh lý huyết học được phát hiện khi làm xét nghiệm máu. Bệnh thường gặp sau 60 tuổi, tuy nhiên, trên thực tế cũng…
Các tác dụng phụ thường gặp và xử lí trong điều trị bệnh đa u tủy xương
28 Tháng Mười Hai, 2023Bệnh đa u tủy xương là gì? Đa u tủy xương là bệnh tăng sinh ác tính tế bào dòng tương bào trong tủy xương gây nên các đặc trưng…