Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện cần sự chung tay của người bệnh

Phòng chống nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh thành công. Nhiễm khuẩn có thể kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh, gây mệt mỏi về thể chất, tinh thần cũng như tốn kém chi phí điều trị và sinh hoạt.

Vì sao cần phòng chống nhiễm khuẩn với người bệnh về máu

Đối với người bệnh mắc bệnh máu điều trị hoá chất, giảm bạch cầu là tác dụng phụ thường gặp. Bạch cầu là tế bào máu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, khi bạch cầu giảm, nguy cơ nhiễm trùng càng lớn.

Môi trường bao gồm không khí, nước, bề mặt vật dụng xung quanh người bệnh là các nguồn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho người bệnh. Đôi khi, sự vô tình của người bệnh hoặc người chăm sóc cũng có thể mang đến nguy cơ nhiễm khuẩn cao cho người bệnh.

Vai trò của người nhà chăm sóc

Bên cạnh nhân viên y tế, bản thân người bệnh và người chăm sóc cũng góp phần quan trọng trong phòng chống nhiễm khuẩn, nhằm cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người chăm sóc là người đồng hành cùng người bệnh từ khi bắt đầu tiếp nhận thông tin bệnh đến khi lựa chọn phác đồ điều trị và cùng đội ngũ y bác sĩ chăm sóc toàn diện người bệnh tại bệnh viện.

Người chăm sóc hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, thay mặt người bệnh trao đổi những vấn đề về chăm sóc và điều trị với nhân viên y tế, đồng thời phối hợp cùng điều dưỡng nhắc nhở, theo dõi việc dùng thuốc của người bệnh. Người chăm sóc còn là người kết nối với những người đồng bệnh và người chăm sóc khác, góp phần tạo nên môi trường sinh hoạt an toàn cho người bệnh.

Người bệnh và người nhà người bệnh tham gia tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn

Giữ gìn vệ sinh tại buồng bệnh

Môi trường tại buồng bệnh đặc biệt quan trọng để phòng chống nguy cơ nhiễm khuẩn cho người bệnh. Người bệnh, người chăm sóc cần lưu ý:

  • Người bệnh phải mặc quần áo bệnh viện theo quy chế trang phục y tế và sử dụng đồ dùng riêng cho từng cá nhân
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; rửa tay thường xuyên, sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị đồ ăn cho người bệnh
  • Vệ sinh giường bệnh gọn gàng, sạch sẽ: chăn, ga, gối gấp gọn; nếu người bệnh có thể tự chủ sinh hoạt thì không ăn uống, sinh hoạt tại giường bệnh
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ tủ đầu giường và các vật dụng xung quanh giường bệnh, trong phòng bệnh
  • Giữ sạch sẽ, khô thoáng đồ dùng cá nhân, nên có hộp bảo quản riêng
  • Phơi đồ đúng nơi quy định, tránh phơi trong nhà vệ sinh, chỗ ẩm thấp
  • Đi vệ sinh đúng nơi quy định, sử dụng các thiết bị vệ sinh đúng cách
  • Vứt rác đúng nơi quy định
  • Hạn chế mang đồ dùng không cần thiết tới viện
  • Tuyệt đối không đun nấu ăn tại buồng bệnh, tập trung ăn uống hay hút thuốc
  • Không khuyến khích người thân đến thăm bệnh

Người bệnh không nên ra khỏi khuôn viên bệnh viện trong quá trình điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ. Người nhà người bệnh không tụ tập nơi đông người, tại các hàng quán bên ngoài viện để tránh tiếp xúc với những virus, vi khuẩn từ bên ngoài và lây lan trong không gian buồng bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với sự tư vấn của Khoa Dinh dưỡng.

Hải Yến (tổng hợp) – Ảnh & thiết kế: Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan