Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Sốt ruột khi quá thời gian mà chưa được hiến máu

Trước kia, cứ mỗi khi đủ điều kiện, anh Bùi Đức Thắng (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều tranh thủ sắp xếp công việc để hiến máu. Thế nhưng, từ khi được xếp vào nhóm những người hiến máu hòa hợp phenotype, anh không tự ý hiến nữa mà chỉ “được” hiến mỗi khi có người truyền.

Sốt ruột khi quá hạn mà không nhận được cuộc gọi

Chia sẻ về câu chuyện khó hiểu này, anh Thắng cho biết, thời gian trước cứ mỗi khi rảnh rỗi anh đều bố trí thời gian để hiến máu tình nguyện. Tổng số lần hiến máu của anh đến nay khoảng trên 20 lần. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, anh không còn tùy ý hiến máu nữa mà phải “để dành” việc hiến máu cho những người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có kháng nguyên hòa hợp với mình.

Anh Bùi Đức Thắng (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hiến máu khoảng trên 20 lần

“Khi được các bạn ở Viện thông báo mình có trong danh sách những người hiến máu có chỉ số kháng nguyên hòa hợp với người bệnh tôi rất bất ngờ. Các bạn ấy cũng tư vấn cho tôi không nên hiến máu tự do mà để dành truyền cho bệnh nhân có kháng nguyên phù hợp, để khi truyền cơ thể họ sẽ không bị sinh ra phản ứng sốt. Điều này khiến tôi thấy thêm trách nhiệm của mình trong việc hiến máu”, anh Thắng nói.

Với một người hiến máu thành thói quen như anh Thắng thì sau mỗi lần hiến anh không còn thấy như làm được điều đặc biệt nữa, tuy nhiên từ khi có tên trong “danh sách đỏ”, anh bỗng cảm nhận được tầm quan trọng của mỗi lần mình đi hiến máu. Vì vậy, anh có thói quen theo dõi lịch hiến máu, mỗi khi đến hạn mà chưa được gọi anh lại sốt ruột hỏi lại và được giải thích cứ chờ khi nào có bệnh nhân sẽ mời anh đến.

Anh Bùi Đức Thắng hiện đang công tác tại Phòng Công nghệ thông tin, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Vì thế, anh càng hiểu rõ những tình huống cấp bách, người bệnh đang chờ đợi những đơn vị máu của mình. Anh Thắng chia sẻ, khác với những lần hiến máu thông thường, khi nào tiện thì tham gia, hiến máu hòa hợp tạo cho anh ý thức sắp xếp mỗi khi được thông báo. Điều nãy mang đến cho anh cảm giác vui vì đã góp một phần nhỏ bé giúp trực tiếp cho người bệnh. 

Hạnh phúc khi người bệnh khoẻ mạnh

Với anh Võ Anh Chiến (ở Dương Nội, Hà Đông), kể từ khi được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mời đến tham gia vào nhóm những người hiến máu hòa hợp, khiến anh luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường khi được gọi. Đã trải qua 14 lần tham gia hiến máu nhưng khi hiến máu hòa hợp cho người bệnh, biết họ là những người phải duy trì truyền máu trong thời gian dài, tốn kém chi phí, sức khỏe, nên anh Chiến đã cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa việc làm của mình.

“Sau mỗi lần hiến máu hòa hợp, tôi thấy việc làm của mình giúp bệnh nhân kéo dài sự sống. Nếu không có mình tất nhiên sẽ có người khác nhưng dùng thành phần máu không phù hợp khác sẽ gây phản ứng cho cơ thể bệnh nhân, khiến họ mệt mỏi. Vì vậy, sau mỗi lần hiến máu tôi thấy vui và hạnh phúc vì đã giúp được người bệnh. Tôi thấy niềm vui, sức khoẻ của họ cũng là niềm vui, của mình”, anh Chiến cho biết.

Anh Võ Anh Chiến (ở Dương Nội, Hà Đông) tham gia hiến máu tình nguyện

Là một cảnh sát cơ động, công việc rất bận nhưng mỗi khi được Viện gọi điện thông báo có người bệnh cần truyền máu, anh Chiến đều cố gắng thu xếp để tham gia, bởi anh biết ở đó có người bệnh đang cần mình, chờ mình. Bạn bè thấy anh tham gia nhiệt tình cũng khuyên anh chỉ nên hiến mỗi năm tham gia 1-2 lần để không ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng anh cho rằng “mình còn đủ điều kiện hiến máu được nghĩa là sức khoẻ còn đảm bảo. Làm được điều gì giúp ai thì làm, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của chính mình”, anh Chiến chia sẻ. 

Chị Ngô Thị Minh, bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trân trọng những người đã hiến máu giúp chị có sức khoẻ tốt hơn

Chị Ngô Thị Minh, một bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phải truyền máu suốt đời cho biết, mỗi năm chị đi viện khoảng 5 lần và cần truyền máu hoà hợp phenotype. Việc truyền máu hòa hợp đã giúp sức khỏe của chị ổn định hơn. Vì vậy, chị vô cùng biết ơn những người hiến máu, dù không quen biết, nhưng họ đã không quản ngại đường xa, thu xếp công việc, bố trí thời gian đến để trao tặng cho chị và những người bệnh như chị những đơn vị máu có chỉ số kháng nguyên phù hợp, giúp chị có cuộc sống khoẻ mạnh hơn.

Theo Báo Kinh tế & Đô thị

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan