“Tôi rất xúc động trước tấm lòng nhân ái của cộng đồng dành cho các con”
Đó là tâm sự của chị Mai Thị Tân, một người mẹ có con bị bệnh máu, cũng là một người tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng năm 2022.
Trong một ngày tháng Giêng mưa dầm, rét buốt, vợ chồng chị Mai Thị Tân và anh Phùng Xuân Quang đi từ Hoài Đức, Hà Nội đến tham dự Lễ hội Xuân hồng đang diễn ra Viện Huyết học – Truyền máu TW. Anh chị đi hiến máu bởi chính con của anh chị đã điều trị tại Viện và cũng đã từng rất cần những đơn vị máu.
Chị Mai Thị Tân nhớ lại: “Khi con mới phát hiện mắc bệnh từ năm 13 tuổi, tôi đã rất sốc. Những ngày đầu con phải truyền đến mười mấy bịch máu. Đối với con và những người bệnh khác, máu có ý nghĩa vô cùng to lớn, liên quan đến sự sống còn của các con. Khi con thiếu máu và tiểu cầu, là một người mẹ tôi không biết làm cách nào để giúp con, phải nhờ sự giúp đỡ của người hiến máu mới cứu được các con”.
Vợ chồng chị Mai Thị Tân và anh Phùng Xuân Quang lần đầu tiên hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng năm 2022
Trước đây, chị Tân đã nhiều lần đăng ký hiến máu nhưng có lẽ vì tâm trạng bất an, vì những ngày tháng chăm con nằm Viện với bao nỗi lo toan, vất vả nên chị không đủ điều kiện để hiến máu. Ngày hôm nay, bên cạnh niềm vui vì đủ sức khỏe hiến máu, vợ chồng anh chị còn có thêm niềm vui khi được chứng kiến hàng ngàn người không quản ngại mưa rét, sẵn sàng sẻ chia sự sống cho người bệnh.
“Nhìn thấy mọi người tham gia hiến máu rất đông, tôi rất xúc động trước tấm lòng nhân ái của cộng đồng dành cho các con, cho người bệnh” – Chị Tân cho biết.
Hòa vào dòng người hào hứng tham gia Lễ hội Xuân hồng, chị Nguyễn Thị Thu Thủy đi hiến máu lần thứ 13. Với chị, nghĩa cử hiến máu đã trở nên quen thuộc bởi chị là một cán bộ của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, cơ quan nòng cốt trong các phong trào nhân đạo, trong đó có vận động hiến máu.
Nhưng bản thân chị hiến máu không chỉ xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng, mà còn bắt nguồn từ tình cảm, từ sự thấu hiểu sâu sắc cảm giác của một người nhà có người thân đang trải qua cơn bạo bệnh và sẽ không thể vượt qua nếu như không có máu.
Chị chia sẻ: “Trước đây, mẹ tôi đã điều trị xơ tủy và phải truyền rất nhiều máu. Mỗi lần mẹ tôi đều cần tới 3-4 bịch máu và sau khi truyền máu sức khỏe tốt hơn nhiều. Nếu bệnh nhân đang cần máu mà không có máu, tình trạng sẽ rất nguy kịch và có thể nguy hiểm đến tính mạng”.
Điều đáng mừng là không chỉ những người tham gia công tác vận động hiến máu hay đã từng có người nhà cần truyền máu như chị Thủy, chị Tân mà ngày càng có nhiều người dân coi hiến máu như một việc thiện nên làm trong cuộc sống. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng chẳng ngăn nổi bước chân của những trái tim đến với Lễ hội Xuân hồng – Lễ hội của lòng nhân ái.
Anh Nguyễn Văn Giang vừa đi từ Nam Định lên Hà Nội, dù chưa kịp cất hành lý nhưng anh đã đến thẳng Lễ hội Xuân hồng để hiến máu. 32 tuổi, anh đã có 33 lần hiến máu, mỗi lần đều từ 350 – 450ml.
Cán bộ Đại sứ quán Mỹ cũng nhiệt tình tham gia Lễ hội Xuân hồng (ảnh: Lâm Tùng)
Những gương mặt thật rạng rỡ, đáng yêu ở Lễ hội của lòng nhân ái, nơi người đi lễ hội với mong muốn được “trao đi”…
Trương Hằng, ảnh: Trần Chiến – Gia Thắng
Bài viết liên quan
“Hiến máu giúp chúng tôi tìm thấy tình yêu và ý nghĩa của cuộc sống”
14 Tháng Hai, 2022Đó là chia sẻ của hai bạn trẻ Lý Thanh Hằng (sinh viên Đại học Ngoại ngữ) và Hứa Quang Trường (sinh viên Đại học công nghệ, Đại học Quốc…
Tính năng Hiến máu sẽ chính thức có trên Facebook vào ngày 16/2
12 Tháng Hai, 2022Tại chương trình khai mạc Lễ hội Xuân hồng năm nay, Tập đoàn Meta phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ra mắt Tính năng Hiến…
Những ưu điểm khi xét nghiệm máu tại điểm hiến máu cố định
30 Tháng Sáu, 2021Ai cũng hiểu rằng cần phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên chúng ta lại rất ngại đến bệnh viện vì sợ mất thời gian. Nếu như…
Gói quà tặng xét nghiệm: Món quà quý cho sức khỏe
29 Tháng Một, 2021Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mỗi người cần được khám sức khỏe định kỳ từ 1-2 lần/năm để phát hiện sớm và phòng ngừa những rủi…