Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

“Tôi hiến máu để báo đáp ơn cứu mạng ngày xưa”

Trong chúng ta, ai cũng có thể có nguy cơ bị sốt xuất huyết và khi đó, người bệnh sẽ được nhắc nhở cần thường xuyên theo dõi tiểu cầu. Đã có những người bị sốt xuất huyết, tiểu cầu bị sụt giảm nghiêm trọng phải truyền tiểu cầu gấp. Từ đó, họ nhớ mãi ân tình của những người hiến máu và có nhiều cách khác nhau để đền đáp ân tình đó.

Anh Hồi Thiên Hoàng chia sẻ: “Năm 2011, tôi trải qua 1 đợt sốt xuất huyết khủng khiếp, sụt 14kg, 21 ngày trong bệnh viện và tụt tiểu cầu đột ngột trong đêm. 00h đêm, trong kho hết máu. Bệnh viện khi đó sang xin Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học. Gần sáng, tôi được truyền 3 bịch tiểu cầu.

Nhìn bịch máu nhóm B mà tôi nhớ như in, mở mắt ra đã thấy 2 cái vỏ bịch tiểu cầu B trống rỗng, tôi mới biết cơ thể cần tới mức nào. Sau khi khỏi bệnh, tôi ăn uống, tập luyện, tăng cân và giờ hiến máu tình nguyện báo đáp lại ơn cứu mạng ngày xưa”.

Anh Hồi Thiên Hoàng đã hiến máu và hiến tiểu cầu trên 20 lần để báo đáp lại ơn cứu mạng ngày xưa

Cũng đã từng ở hoàn cảnh như anh Hồi Thiên Hoàng, chị Hương Trầm kể lại: “Tôi chưa từng đến Viện Huyết học – Truyền máu TW nhưng đã được đón nhận những giọt máu từ Ngân hàng máu của viện trong 1 lần tử thần suýt ghé thăm…

Khi đó tôi bị sốt xuất huyết, tiểu cầu xuống rất thấp. Nhưng bệnh viện nơi tôi nằm lại không còn tiểu cầu nhóm máu của tôi. Các bác sĩ đã liên hệ với Viện Huyết học và ngay trong đêm tôi đã được truyền tiểu cầu… sự sống đã trở lại với tôi. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã cho đi những giọt máu trân quý để mang lại sự sống, sức khỏe cho những người bệnh, mang đến tiếng cười và niềm vui cho những gia đình có người bị bệnh.

Chuyện đó xảy ra đã khá lâu rồi, cũng vì cái duyên nào đó mà tôi biết và like trang của Viện Huyết học – Truyền máu TW. Tôi thấy được có rất nhiều hoàn cảnh éo le, mới thấy mình thật may mắn nên cũng muốn gửi chút tấm lòng tới các bệnh nhân, ủng hộ Ngân hàng suất ăn của Viện”.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thảo – Phó trưởng Khoa Bệnh máu lành tính, bệnh sốt xuất huyết thường dẫn đến giảm tiểu cầu vì trong quá trình nhiễm virus, cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại virus, vô tình các kháng thể đó phá hủy tiểu cầu qua cơ chế miễn dịch. Thứ hai, virus nhiễm có thể gây ức chế tủy gây giảm tiểu cầu tạm thời.

Khi tiểu cầu giảm, người bệnh sẽ có nguy cơ bị xuất huyết như: Xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, răng  miệng, vị trí nơi tiêm truyền…), chảy máu trong: đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, rong kinh… Do vậy, người bị sốt xuất huyết cần làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để theo dõi số lượng tế bào máu thay đổi hàng ngày.

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế năm 2019, người bệnh sốt xuất huyết cần truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu dưới 50 g/L và có các triệu chứng xuất huyết. Còn bệnh nhân không có triệu chứng xuất huyết trên lâm sàng, tiểu cầu dưới 5 g/L thì mới cần truyền tiểu cầu.

Trương Hằng (tổng hợp), ảnh NVCC

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan