Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

97 lần vào bệnh viện… hiến máu

Căn nhà gỗ liêu xiêu, trống huơ trống hoắc đang gồng sức chịu đựng những đợt mưa nguồn kèm gió lùa từ trước nhà ra tận sau bếp.

Căn nhà gỗ trống trải như đang gồng sức chịu đựng những đợt mưa nguồn kèm gió lùa. Một người đàn ông chừng 53 tuổi đang vội vàng lấy những tấm ni-lon che tạm những nơi dột, mong nơi ngủ không bị ướt. Có ai biết người đàn ông này đang sống trong cảnh khó khăn này nhưng đã có 97 lần hiến máu nhân đạo để cứu người.

Căn nhà của một người hiến máu nhân đạo nhiều nhất Bình Thuận với 97 lần…Đó là anh Trần Minh Mến

Những giọt máu đào cho đi…

Đó là anh Trần Văn Mến, sinh năm 1971 ở thôn 2, xã Nghị Đức, Tánh Linh. Anh hiện đang làm nhân viên bảo vệ cho hệ thống Bách Hóa Xanh. Da mặt sạm nắng, sóng mũi cao mắt sáng, người tầm thước nhưng hơi ốm, nhìn anh toát ra tính cách người điềm đạm, hiền lành. Quả thật nếu không được chị Lý Thị Thu Hạnh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tánh Linh chịu khó dẫn đi hơn 30 km từ trung tâm huyện về nhà anh Mến ở xã Nghị Đức thì tôi không thể hình dung được hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng anh lại sống tử tế với xã hội một cách khác lạ như thế.

Anh Mến phát biểu tại buổi lễ Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu Bình Thuận được tổ chức vào ngày 14/6/2022.

Tháng sáu, trời mưa như trút nước. Ngồi trong căn nhà gỗ cũ nát, nghe những đợt gió thổi thốc trên mái ngói, lòng tôi xốn xang khi nghe anh kể về hoàn cảnh gia đình mình cũng như cách anh thiện nguyện hiến máu. Ba mẹ anh sinh 8 người con, 2 người đã mất, còn 6 chị em nhưng ai cũng có hoàn cảnh khó khăn. Do trình độ học vấn hạn chế nên ở quê ai có việc gì làm gọi anh đều làm để kiếm thu nhập nuôi ba mẹ và bản thân. Hiện tại anh sống với mẹ già hơn 90 tuổi và người chị bị tâm thần. “Cơ duyên nào để anh đi hiến máu nhân tạo?”- tôi hỏi. Đang tâm trạng buồn kể về hoàn cảnh gia đình, khuôn mặt anh như thay đổi hẳn, đôi mắt ánh lên niềm tự hào khác xa với lúc nói về hoàn cảnh gia đình. Anh kể: “Có một khoảng thời gian ngắn lãnh đạo xã Nghị Đức thấy gia đình mình khó khăn nên đã cho mình làm chân tạp vụ. Làm việc ở môi trường có nhiều người dân thường lui tới, có những trường hợp con nằm viện cần truyền máu nhưng gia đình khó khăn nên đến xã xin trợ giúp cả về mặt pháp lý giấy tờ cũng như hỗ trợ tìm nguồn kinh phí từ thiện của các tổ chức, đoàn thể. Có lần trong tình huống khẩn cấp, có ca đang mổ cần máu, anh đã mạnh dạn xin hiến máu, bất ngờ là nhóm máu của anh phù hợp với người bệnh nên ca mổ thành công tốt đẹp. Đó là ca hiến máu đầu tiên của anh vào năm 2001…

Chựng lại một chút như tự nhớ về quá khứ, anh kể chậm rãi: “Cách đây 20 năm về trước, có lần nghe chuyện người này người kia vì không có máu cứu kịp lúc đã ra đi, tôi bắt đầu lóe lên suy nghĩ là hiến máu. Khi đến xã đăng ký hiến máu tôi vừa sợ vừa ngại, bởi bản thân là người nghèo, sợ bà con cho mình làm “oách”. Nhưng rồi lý trí mách bảo rằng cuộc đời này tôi chưa làm được điều gì có ích thì việc hiến máu cứu người là hữu ích nhất nên tôi mạnh dạn theo đuổi mục tiêu của mình”. Và cứ thế, đến nay anh đã có 97 lần hiến máu nhân đạo. Điều đáng chú ý, theo quy định bên y tế thì phải 3 tháng mới đi hiến máu, tức 1 năm hiến 4 lần là tốt lắm rồi nhưng từ năm 2009 đến nay, năm nào anh cũng đi hiến máu đến 5 lần. Thành ra mới có số lần hiến máu nhiều đến ngỡ ngàng như thế. Tuy nhiên, hiến máu một vài lần thì đơn giản nhưng hiến máu nhiều lần và nhất là với anh Mến có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì làm sao đủ sức khỏe để làm? Anh Mến thật thà kể: “Những lần đầu hiến máu mình rất mất sức, tiền bồi dưỡng theo chế độ bên ngành y chỉ tượng trưng. Nói để đủ bồi dưỡng thì cũng chưa đủ, mình phải tận dụng các loại thực phẩm nuôi trồng trong nhà như trứng gà, vịt, cá đồng… để bồi dưỡng sức khỏe. Cộng thêm, bà con hàng xóm cũng chia sẻ thực phẩm. Sau nhiều lần hiến máu, cơ địa mình quen dần nên sức khỏe đến nay vẫn tốt…”.

Anh Mến và mẹ già trong căn nhà thiếu trước, hụt sau…

Lan tỏa yêu thương

Alo, anh Trần Văn Mến phải không ạ? Anh đang ở đâu, có thể giúp cho em ít máu để cứu người thân được không?

Người nhà bạn tên gì, nằm ở khoa nào, cần bao nhiêu đơn vị máu?

Dạ người nhà em tên Thành, đang Khoa Cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận (Đức Linh), bác sĩ bảo cần 4 đơn vị nhóm máu B.

OK, mình đang ở Phan Thiết, sẽ gọi 6 thành viên trong đội hiến máu đến giúp truyền máu. Bạn giữ điện thoại để liên lạc nhé, anh em sẽ đến ngay…

Đó là cuộc hội thoại ngắn xảy ra vào khoảng 2 giờ chiều, ngày 14/6/2022, giữa anh Mến và người nhà ông Phạm Nhật Tân ở thôn 2, Nghị Đức, khi anh Mến đang trên đường từ Phan Thiết trở về nhà. Sở dĩ tôi nhắc đến cuộc điện thoại này là bởi anh Mến không chỉ là người trực tiếp hiến máu và anh đang là Đội trưởng Đội Ngân hàng máu sống của xã Nghị Đức với 30 thành viên tham gia. Hành trình để anh làm đội trưởng cũng mất hơn chục năm tự nguyện hiến máu mà không có “đòi hỏi” chế độ gì. Với “cái tâm” tốt nên người dân trong vùng rất tín nhiệm, nhiều đêm anh đi làm về mệt nhưng có ca cần hiến máu gấp buộc anh phải chạy đi truyền máu và sau đó là phải nghỉ việc hết mấy ngày. Dân trong vùng biết chuyện nên người thì cho con gà, người cho ký thịt bò, người cho con vịt, rau củ quả để anh bồi dưỡng. Cũng từ đây, một số thanh niên, trung niên trong xã thấy việc hiến máu nhân đạo của anh cứu người thực tế nên đã đăng ký cùng anh tham gia tự nguyện hiến máu. Việc làm của anh được nhiều người nể phục nên lãnh đạo xã Nghị Đức đã bố trí anh làm Đội trưởng Đội Ngân hàng máu sống.

Vì vậy, trước khi về Nghị Đức, nơi anh Mến sinh sống để tìm hiểu, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh có nói với tôi: “Anh Mến không chỉ là người hiến máu nhiều nhất ở Bình Thuận hiện nay mà anh còn là người “truyền lửa” về hiến máu nhân đạo cho nhiều thế hệ. Với vai trò là Đội trưởng anh luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào của Hội, nhất là trong phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương, được mọi người tin tưởng và hành động theo. Anh đã biến hành động thực tế của mình để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện. Góp phần không nhỏ trong việc cung cấp đủ nguồn máu cho bệnh viện, phục vụ cho công tác cứu sống bệnh nhân…”. Còn với ông Trương Văn Thành – Phó Chủ tịch xã Nghị Đức thì nhận xét: “Anh Mến gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng anh đã đóng góp rất lớn trong việc hiến máu cứu người, địa phương rất ủng hộ anh…”.

Với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” anh Mến đã có hành động đẹp với 97 lần hiến máu và con số ấy đang tiếp tục tăng lên mà trong đời rất khó có người làm được. Vì thế, tôi và chị Hạnh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tánh Linh vẫn đang đau đáu tâm tư, bởi anh Mến đã cho đi một lượng lớn máu là sức khỏe của anh nhưng hiện nay gia cảnh anh quá nghèo, căn nhà đang ở xiêu vẹo không biết sụp đổ lúc nào. Tôi và chị Hạnh hy vọng qua bài viết này sẽ có những đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ xây căn nhà tình thương để anh yên tâm trong hành trình hiến máu, cũng như để mẹ già và người chị tâm thần có chỗ ở ổn định. Được như vậy xã hội sẽ tôn vinh đúng nghĩa với người đã gần một đời người làm thiện nguyện mà không nghĩ tới bản thân mình.

Mọi đóng góp xin gửi về Báo Bình Thuận, Hội Chữ thập đỏ huyện Tánh Linh hoặc thông qua tài khoản Trần Văn Mến: số điện thoại: 0982165459, số tài khoản 101871568546 (Vietinbank).

Theo báo Bình Thuận

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan