Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Gia đình – Điểm tựa để người bệnh vượt qua thử thách cuộc đời

Với mỗi chúng ta, gia đình là điểm tựa mỗi khi ta vấp ngã trên đường đời, là nơi cho chúng ta cảm giác bình yên sau những phút giây mệt mỏi. Đặc biệt với những người bệnh, gia đình, những người thân yêu chính là động lực giúp người bệnh vượt qua những thử thách của số phận. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mời các bạn cùng theo dõi chia sẻ của chị Đặng Thị Hương (Hà Nội), một người bệnh ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để cảm nhận rõ hơn về sức mạnh của tình thân.

“Năm tôi vừa bước qua tuổi 38, tôi đã gặp biến cố lớn nhất trong cuộc đời. Tưởng chừng cuộc sống đã khép lại nhưng ngay lúc đó tôi đã nhận được giá trị lớn nhất của tình thân, tình yêu và tình người. Đó là động lực để tôi vượt qua thử thách của số phận.

Ngày 25/12/2018, tôi phải vào bệnh viện Bạch Mai bởi các chỉ số máu quá biến động. Sau 10 ngày truyền máu, kháng sinh, làm xét nghiệm, tôi được gia đình xin chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tại đây, tôi được chẩn đoán mắc Lơ-xê-mi cấp M4.

Vậy là cuộc hành trình giành lấy sự sống của tôi bắt đầu.

Đợt điều trị đầu tiên của tôi vào đúng những ngày cuối năm, khi Tết Nguyên đán sắp đến gần. Tôi làm quen dần với bệnh viện, với hóa chất, với tiêm truyền, với những cơn đau thể xác, những bức bối về tinh thần, những nỗi nhớ khi xa gia đình, xa những người thân yêu, xa chồng, xa con.

Tôi bắt đầu cảm nhận nỗi đau da thịt của những lần chọc tủy. Những giọt hóa chất đầu tiên xâm lấn vào cơ thể khiến khắp người nóng bừng, bứt rứt. Những bữa cơm chan bằng nước mắt vì đau đớn, vì tình thương của người thân. Những đêm nước mắt ròng ròng vì nhớ con.

Trong 6 tháng, tôi điều trị hóa chất ba lần, mỗi lần từ 18 đến 20 ngày, sau mỗi lần tôi được về nhà nghỉ ngơi khoảng 2 đến 3 tuần. Suốt thời gian đó, bố mẹ luôn tìm mua những thực phẩm tốt nhất để tôi lấy lại sức, nấu những món ngon nhất để tôi không bỏ ăn vì hóa chất.

Nhiều lần bố tôi mang cơm lên viện nhưng không dám ngồi nhìn tôi ăn mà chỉ nhìn qua khe cửa sổ. Tôi đã định không ăn vì miệng khô, vị giác thay đổi không cảm nhận được thức ăn. Nhưng khi ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt bố qua mành cửa, bắt gặp giọt nước mắt lăn dài trên má của cô tôi, vậy là nước mắt chan cơm. Cô nói cố ăn đi cho bố vui, lát bố về đường xa. Hôm sau, cô kể: “Bố đã khóc ròng trên đường từ viện về nhà”.

Vậy là người làm con như tôi lại càng khổ tâm và tự hứa sẽ nghĩ tích cực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn.

Những người xung quanh luôn động viên và nói tôi may mắn vì có gia đình luôn chăm lo. Mắc bệnh hiểm nghèo có lẽ là một thiệt thòi nhưng tôi lại không cảm thấy thế, tôi chỉ nghĩ đó là một thử thách mình cần phải vượt qua. Tôi có gia đình, có bạn bè, những người yêu thương luôn bên tôi.

Tôi và gia đình được bác sĩ tư vấn ghép tế bào gốc, niềm hy vọng lớn của người bệnh. Và rất may mắn tôi đã có em gái phù hợp HLA với mình.

Ngày tôi vào ghép là những ngày đầu hè, chặng đường đó tôi phải chiến đấu một mình, người nhà chỉ theo dõi qua màn hình tivi. Mọi hoạt động hạn chế, tôi làm bạn với tivi và điện thoại. Khoảng thời gian này đúng là thử thách quá lớn. Tôi mệt nhoài vì hóa chất, người thân thì lo lắng vì không thể trợ giúp. Ngày nào không thấy tôi ra khỏi giường, không vận động, không ăn hết khẩu phần là cả nhà lo lắng.

Và rồi khoảnh khắc đó đến, ngày hôm đó tôi mất ý thức, gia đình được gọi vào vì tôi rất nguy kịch. Trong cơn mê man, tôi chỉ thấy bóng dáng của những người mặc áo trắng. Bằng một tiềm thức nào đó, tôi đã vượt qua cùng sự cứu chữa của các y bác sĩ. Những ngày sau đó, tôi không có khả năng phục vụ mình. Chồng tôi phải nghỉ làm vào hỗ trợ. Khi khỏe hơn, nhìn dáng anh nằm mệt nhoài mà lòng tôi quặn đau.

Gia đình đầy tình yêu thương là động lực để chị Đặng Thị Hương chiến thắng số phận

Bằng ý chí kiên cường và sự chăm sóc của các y bác sĩ, tôi đã dần hồi phục. Nhưng rồi tôi vẫn phải nằm dài trên giường vì triệu chứng tiền đình. Hình dáng bên ngoài bắt đầu có thay đổi, làn da xám xịt, mặt phù nề, chân tay teo tóp. Tôi còn không nhận ra mình trong gương. Nhằm giúp tôi không rơi vào trạng thái trầm cảm, bác sĩ đã cho tôi ra khỏi phòng ghép sớm hơn 1 tuần để trở lại môi trường sinh hoạt bình thường.

Sinh nhật năm đó thật đáng nhớ. Các bạn của tôi đã mang một bó hoa thật đẹp và chiếc bánh kem. Nhưng vì sức khỏe nên tôi chưa được tiếp xúc với mọi người. Vậy là lời chúc được gửi bằng ánh mắt nhìn qua khung cửa kính.

Rồi cũng đến ngày tôi được về nhà, kết thúc cuộc sống ở bệnh viện. Giờ tôi đã khỏe hơn nhiều. Tôi luôn nhớ những gì mình đã trải qua, lấy đó làm động lực để sống vui.

Nói đến bệnh viện ai cũng sợ nhưng quen rồi thì lại thấy một môi trường vô cùng thân thiện. Bác sĩ thì tận tâm, điều dưỡng thì nhẹ nhàng, nhân viên y tế thì vui vẻ và đồng bệnh cùng người nhà thì rất tốt. Từ khắp các tỉnh thành nhưng mọi người sẵn sàng giúp đỡ nhau, san sẻ thức ăn, kể những câu chuyện tích cực, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mỗi khi bệnh nhân đau đớn, mời nhau đặc sản quê nhà mỗi khi gặp lại.

Những bệnh nhân ung thư nói riêng và bệnh nhân nói chung đều rất cần gia đình. Hãy cảm thông, chia sẻ, hiểu biết, đồng hành và dành sự quan tâm đúng mực cho chúng tôi. Đó là món quà tinh thần giúp chúng tôi mạnh mẽ vượt qua thử thách của cuộc đời.”

Ban biên tập

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan