Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hoạt động Công tác xã hội: Điểm tựa của người bệnh

Năm 2015, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thành lập Phòng Công tác xã hội với mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người bệnh. Trải qua gần 10 năm hoạt động, Phòng Công tác xã hội đã trở thành “điểm tựa” cho rất nhiều người bệnh, hỗ trợ người bệnh vượt qua khó khăn cả về vật chất và tinh thần.

Bắt đầu điều trị ung thư máu tại Viện từ cuối năm 2019, anh Nguyễn Trọng Hùng (quê ở Nghệ An) đã được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của các hoạt động công tác xã hội.

Anh Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ cảm nhận về các hoạt động Công tác xã hội với người bệnh tại Toạ đàm đánh giá hoạt động Công tác xã hội trong hỗ trợ người bệnh và nhân viên y tế

Trong 4 năm rưỡi vừa qua, có đến hơn một nửa thời gian anh nằm Viện và Viện đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của anh. Thời điểm khó khăn nhất với anh Hùng là khi mới phát hiện bệnh: “Cũng như những người bệnh khác, em đã cảm thấy rất hoang mang, lo lắng, chông chênh.

Khi lần đầu tiên đặt chân đến Viện, mọi thứ vô cùng xa lạ, em chưa định thần được là mình sẽ như thế nào.

Chúng em đã nhận được sự quan tâm, ân cần giúp đỡ từ các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên Công tác xã hội, được trấn an tinh thần và sẵn sàng bước vào những đợt điều trị”.

Anh Hùng kể về kỷ niệm mà anh nhớ mãi: “Cuối năm 2019, em vừa mới vào điều trị. Vợ chồng em đã chuẩn bị tinh thần lần đầu tiên sẽ phải ăn Tết ở Viện. Rất may sau đó, em được ra viện ngay những ngày giáp Tết.

Nhưng lúc này, chúng em đặt xe về quê thì không còn vé. Vợ chồng em rất lo lắng, không biết phải làm thế nào để về nhà.

Nhờ có sự kết nối của Phòng Công tác xã hội, em không chỉ được đưa về quê mà còn được thu xếp thanh toán sớm hơn để kịp giờ lên xe, được trao những món quà để về quê ăn Tết.

Thời gian đầu vào viện, nhận được những điều đó, em cảm thấy rất yên tâm, rất vững vàng để biết rằng mình sẽ tiếp tục chặng đường khó khăn nhưng sẽ luôn có người đồng hành với mình”.

Người bệnh háo hức về quê đón Tết trên những chuyến xe yêu thương

Trong suốt thời gian điều trị, anh Hùng được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về chính những người đồng bệnh của mình. Một trong những câu chuyện đó là hành trình giành lại sự sống của em Nghiêm Xuân Sơn. Sơn và Hùng đã trở thành người anh em thân thiết vì cùng điều trị ung thư máu ở Khoa Ghép tế bào gốc và cùng quê ở Nghệ An.

Trong quá trình Sơn ghép tế bào gốc đã gặp biến chứng nặng và cần chi phí điều trị rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ đồng mới có hy vọng vượt qua tình huống hiểm nghèo.

Khi nghe tin con trai đang nguy kịch, mẹ của Sơn đã khuỵ xuống vì tuyệt vọng. Gia đình em vốn khó khăn khi bố mẹ chủ yếu làm nông, sức khoẻ yếu. Bố em còn bị bệnh tim, đã trải qua 2 lần đại phẫu, hàng tháng phải đến bệnh viện khám và lấy thuốc.

Dù không có điều kiện nhưng bố mẹ Sơn vẫn cố gắng chắt chiu nuôi Sơn học Đại học Giao thông vận tải. Sau 5 năm học, Sơn bắt đầu đi làm. Dù công việc vất vả, thường xuyên phải đi xa theo những công trình nhưng Sơn vẫn nỗ lực, dành dụm tiền lương gửi về quê để bố mẹ mua thuốc và trả dần những khoản vay từ khi em còn đi học Đại học.

Nghiêm Xuân Sơn đã giành lại sự sống nhờ các y bác sĩ, sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội và của cộng đồng

Nhưng Sơn đi làm chưa được bao lâu thì năm 2021, em phát hiện bị ung thư máu. Hơn 3 năm qua, gánh nặng chi phí điều trị của cả Sơn và bố khiến gia đình em càng thêm kiệt quệ.

Khi tìm hiểu về hoàn cảnh của Sơn, Phòng Công tác xã hội vừa chia sẻ nỗi lo âu với gia đình, vừa tích cực vận động, kết nối với các cơ quan báo chí, nhà hảo tâm, kêu gọi hỗ trợ cho gia đình Sơn. Điều kỳ diệu đã đến khi chàng trai trẻ đã vượt qua tình huống hiểm nghèo nhờ các y bác sĩ, Phòng Công tác xã hội và sự kết nối yêu thương của cả cộng đồng.

ThS. Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội và các y bác sĩ tặng quà chúc mừng ngày 8/3 cho người bệnh

Các em nhỏ điều trị tại Viện hào hứng tham gia biểu diễn văn nghệ và các lớp học do Phòng Công tác xã hội cùng các nhà hảo tâm tổ chức

Nếu như người bệnh trưởng thành có bao nỗi lo âu, thì các em bé bệnh nhi cũng gặp những vấn đề tâm lý khi phải xa trường lớp, xa bạn bè. Cháu Lý Thị Thu Hoài điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em đã chia sẻ: Khi bị ốm, con nghĩ sẽ rất buồn và không có ai chơi cùng, nhưng ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có các cô ở Phòng Công tác xã hội, các cô giáo, anh chị tình nguyện viên… Các cô chú, anh chị hay tổ chức các lớp học, trò chơi ở thư viện. Các dịp lễ như 20/11, Giáng sinh… các cô chú sẽ tập văn nghệ cho chúng con biểu diễn.

Con không có cảm giác cô đơn hay buồn phiền nữa. Con cảm thấy ở Viện có rất nhiều niềm vui và cảm động trước sự quan tâm của các cô chú, anh chị khi ở bên chúng con, dạy học cho chúng con”.

Nhờ rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ và nghị lực của bản thân, cô bé Lý Thị Thu Hoài đã trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn trong quá trình điều trị

Những lớp học dành cho bệnh nhi, các chương trình văn nghệ mà Phòng Công tác xã hội tổ chức nhân dịp các ngày Lễ, Tết… đã thực sự là những liều thuốc tinh thần, đem đến niềm vui cho người bệnh.

Có lẽ vì thế mà bà Hồng Vân, bà của một bệnh nhi điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em đã bày tỏ:Tôi muốn gửi lời biết ơn tới các cô, các bác ở Phòng Công tác xã hội! Với các bệnh nhi, các cô như là cô tiên có phép màu nhiệm trong truyện cổ tích luôn đem đến cho các con quà tặng bất ngờ, ấm áp!”

Trương Hằng, ảnh tư liệu

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan