Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Xét nghiệm vi sinh là gì và khi nào người bệnh cần xét nghiệm vi sinh?

Các xét nghiệm vi sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, tự ý dùng kháng sinh tại nhà mà nên đi khám bệnh. Nhân viên y tế sẽ thực hiện xét nghiệm vi sinh để có kết quả chẩn đoán chính xác; phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Tránh tình trạng người bệnh kháng kháng sinh sau này.

Để có thêm các kiến thức tổng quát cũng như ý nghĩa của xét nghiệm vi sinh trong y học, mời quý vị tham khảo bài viết dưới đây của Chuyên khoa 1 Kỹ thuật Y Bùi Thị Vân Nga, Trưởng Khoa Vi sinh, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

1. Xét nghiệm vi sinh là gì?

Vi sinh vật y học là ngành khoa học nghiên cứu các cơ thể vi sinh vật gây bệnh cho người và động vật.

Trong vi sinh vật y học người ta đã chứng minh được các quá trình nhiễm bệnh từ vật chủ này đến vật chủ khác; các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người và động vật; mức độ lan truyền; nguyên nhân gây bệnh cũng như khả năng miễn dịch của cơ thể; các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi sinh vật gây nên.

Xét nghiệm vi sinh là một xét nghiệm rất quan trọng giúp tìm ra căn nguyên vi sinh vật gây bệnh trong các trường hợp nhiễm trùng. Xét nghiệm vi sinh dựa trên phương pháp phân tích trực tiếp; gián tiếp hoặc kết hợp cả trực tiếp và gián tiếp để tìm ra căn nguyên gây bệnh.

Đối tượng của xét nghiệm vi sinh này là các vi sinh vật gây bệnh có trong mẫu bệnh phẩm. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm có thể thu thập được từ người, động vật, môi trường sống hay các loại dụng cụ, thức ăn… nghi chứa căn nguyên gây bệnh.

2. Khi nào người bệnh cần xét nghiệm vi sinh?

Nhiều người có thể mang virus và vi khuẩn ở dạng tiềm ẩn không gây bệnh hoặc gây bệnh nhưng không có triệu chứng. Thường gặp nhất là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu… Bên cạnh đó, cũng có các bệnh nhiễm trùng đường máu, nhiễm trùng da…

Đây là nguồn lây nhiễm bệnh cho người khác qua con đường tiếp xúc. Khi có điều kiện thuận lợi, những vi sinh vật không gây bệnh ở người này có thể trở thành tác nhân gây bệnh ở người khác. Vì vậy, khi cơ thể bị nhiễm trùng sẽ có biểu hiện tổn thương tại chỗ hoặc lan rộng có thể quan sát thấy như: vết sưng, vết loét có mủ… hoặc những biểu hiện như sốt, ho, hắt hơi… Đây là những dấu hiệu cần phải được xét nghiệm vi sinh để xác định tác nhân gây bệnh từ đó lựa chọn phương án điều trị hợp lý và an toàn.

Một số người bệnh rất chủ quan, không đến các cơ sở y tế để khám và điều trị khi bị bệnh mà tự ý sử dụng thuốc kháng sinh điều trị. Việc này chỉ khắc phục bệnh tạm thời, mà hệ lụy sức khỏe lâu dài là khó tránh khỏi, gây tình trạng kháng thuốc và suy giảm hệ miễn dịch.

3. Vai trò của xét nghiệm vi sinh

Hiện nay, những vấn đề của vi sinh vật y học đang được con người đặc biệt quan tâm và được coi là vấn đề toàn cầu. Trong 10 vấn đề sức khỏe mà Tổ chức Y tế Thế giới quan tâm thì có đến 5 nội dung có liên quan đến các loài vi khuẩn và virus. Chúng bao gồm: virus cúm; HIV; virus Ebola; sốt xuất huyết; kháng kháng sinh; gần đây nhất là viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Vai trò lớn nhất của Ngành vi sinh vật học là chẩn đoán chính xác các bệnh nhiễm khuẩn, truyền nhiễm; Đó là việc tìm vi sinh vật gây bệnh trong các bệnh phẩm như: máu, đờm, mủ, dịch, nước tiểu, phân… hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân chẩn đoán miễn dịch. Các nhà vi trùng học có thể nhận biết; phân lập; chẩn đoán và ngăn ngừa vi sinh vật có hại nhờ chuyên môn của họ về vi sinh y học. Họ cũng có thể tạo ra các loại thuốc kháng khuẩn bằng cách biến đổi gen các vi khuẩn có lợi…

Chẩn đoán vi sinh vật có ý nghĩa quyết định trong việc xác định các bệnh nhiễm trùng. Do đó, cần phải chẩn đoán bằng hai phương pháp: chẩn đoán trực tiếp và chẩn đoán gián tiếp. Dựa trên hai phương pháp này xét nghiệm vi sinh bao gồm: xét nghiệm soi tươi và nhuộm soi; xét nghiệm nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ; xét nghiệm huyết thanh; xét nghiệm sinh học phân tử.

Xét nghiệm soi tươi và nhuộm soi

Đây là phương pháp đơn giản, nhanh, ít tốn kém và có thể thực hiện được ở tuyến cơ sở. Kết quả nhuộm, soi thường chỉ có giá trị chẩn đoán sơ bộ và định hướng cho nuôi cấy; Tuy nhiên, trong một số trường hợp kết quả nhuộm soi gần như có ý nghĩa quyết định cho chẩn đoán như: bệnh lậu, giang mai, lao…

Xét nghiệm nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ

Để nuôi cấy được các vi sinh vật, người ta phải lựa chọn các môi trường thích hợp nhằm tăng số lượng vi sinh vật. Sau đó tách được những vi khuẩn riêng rẽ để thực hiện cho các mục đích về sau như: định danh và kháng sinh đồ. Đây là nhóm xét nghiệm tốn nhiều thời gian để cho ra được kết quả nhưng lại được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, chỉ có phương pháp này mới có thể giúp các bác sỹ lâm sàng lựa chọn được kháng sinh phù hợp để điều trị.

Xét nghiệm huyết thanh

Đây là phương pháp dựa vào sự kết hợp của kháng nguyên hoặc kháng thể biết trước để phát hiện kháng thể hoặc kháng nguyên đặc hiệu có trong mẫu bệnh phẩm.

Ngày nay, có rất nhiều phương pháp để phát hiện sự kết hợp giữa kháng nguyên – kháng thể. Tùy vào từng kỹ thuật mà các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên – kháng thể có độ nhạy và độ đặc hiệu cũng như thời gian hoàn thành xét nghiệm khác nhau.

Xét nghiệm sinh học phân tử

Xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh truyền nhiễm là xét nghiệm kỹ thuật cao, phát hiện gen đặc trưng của tác nhân gây bệnh có trong mẫu bệnh phẩm. Phổ biến nhất hiện nay là phương pháp PCR, đặc biệt là real-time PCR.

Hiện nay, với các bộ sinh phẩm thương mại, ngoài xét nghiệm đơn từng căn nguyên gây bệnh, rất nhiều hãng còn đưa ra thị trường bộ xét nghiệm đa mồi phát hiện nhiều tác nhân cùng một lúc.

Phương pháp sinh học phân tử đang dần trở thành tiêu chuẩn cho việc khẳng định bệnh nhiễm trùng. Nhất là với các tác nhân khó nuôi cấy, không thể nuôi cấy hoặc những tác nhân có nguy cơ cao về an toàn và an ninh sinh học. Tuy nhiên, với phương pháp giá thành cao, ít cơ sở y tế có thể áp dụng được.

Kỹ thuật viên đang thao tác trên hệ thống máy miễn dịch e411 Cobas trong xét nghiệm vi sinh tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

4. Các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh được thực hiện tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh nhằm xác định nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng) theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; Chúng tôi đã triển khai và áp dụng các kỹ thuật chuyên khoa để phục vụ trong công tác chẩn đoán bệnh nhiễm trùng trên những bệnh nhân bệnh máu và những khách hàng có nhu cầu kiểm tra sức khỏe. Dưới đây là các kỹ thuật đang thực hiện và ý nghĩa của từng xét nghiệm:

Nhóm xét nghiệm soi tươi, nhuộm soi, test nhanh
  • Test nhanh cúm A/B: xác định tình trạng nhiễm cúm A hoặc cúm B
  • Test nhanh tìm hồng cầu trong phân: sự xuất hiện hồng cầu ẩn trong phân có thể cho biết tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa
  • Soi tươi tìm ký sinh trùng đường ruột: xác định tình trạng nhiễm giun sán
  • Vi khuẩn chí: xác định sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
Nhóm xét nghiệm nuôi cấy, định danh, kháng sinh đồ
  • Cấy máu trên hệ thống nuôi cấy tự động: phát hiện các tác nhân gây nhiễm trùng huyết
  • Cấy các loại bệnh phẩm được lấy từ vị trí nghi ngờ nhiễm trùng: Dịch não tủy; dịch màng phổi; đờm, nước tiểu, mủ, áp xe,…..
  • Định danh và kháng sinh đồ trên hệ thống máy tự động Vitek 2 Compact:
    • Xác định tên vi sinh vật gây bệnh
    • Xác định được mức độ nhạy cảm với kháng sinh.
    • Lựa chọn được kháng sinh phù hợp trong điều trị bệnh nhiễm trùng.
Nhóm xét nghiệm huyết thanh
  • Bộ xét nghiệm virus viêm gan B gồm: các marker viêm gan HBsAg, anti-HBs, HBeAg, anti-HBe, anti- HBc IgM, anti HBc total; Thông thường với người chưa biết tình trạng nhiễm virus viêm gan B nên được thực hiện bộ ba xét nghiệm: HBsAg, anti-HBs, anti HBc total; Kết quả bộ ba xét nghiệm về cơ bản sẽ đánh giá được một người đã từng nhiễm viêm gan B, đang nhiễm hay đã có đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng.
  • Xét nghiệm virus viêm gan C (anti-HCV): là xét nghiệm phát hiện kháng thể của virus viêm gan C; sự xuất hiện kháng thể này trong máu chứng tỏ người đó đã hoặc đang nhiễm virus viêm gan C.
  • Xét nghiệm virus HIV (anti-HIV): là xét nghiệm phát hiện kháng thể của virus HIV. Sự xuất hiện kháng thể này trong máu chứng tỏ người đó nhiễm virus HIV.
  • Nhóm xét nghiệm virus EBV (EBV-VCA IgM, EBV-VCA IgG): là xét nghiệm phát hiện kháng thể Epstein Barr Virus. Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm này bao gồm bệnh nhân ghép tế bào gốc; người hiến tế bào gốc; hiến tạng; người có tăng bạch cầu đơn nhân; bệnh nhân thực bào máu liên quan đến nhiễm trùng.
  • Nhóm xét nghiệm virus CMV (CMV – IgM, CMV – IgG): là xét nghiệm phát hiện kháng thể Cytomegalovirus. Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm này bao gồm bệnh nhân ghép tế bào gốc; người hiến tế bào gốc; hiến tạng; người có tăng bạch cầu đơn nhân.
  • Xét nghiệm tìm kháng nguyên nấm Aspergillus: phát hiện kháng nguyên galactomannan trong máu. Sự xuất hiện kháng nguyên này chứng tỏ người bệnh đang nhiễm nấm Aspergillus.
Nhóm xét nghiệm sinh học phân tử
  • Xét nghiệm đo tải lượng virus viêm gan B, viêm gan C
  • Xét nghiệm đo tải lượng virus CMV, EBV

5. Hệ thống máy móc xét nghiệm vi sinh

Để thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm trên, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đầu tư hệ thống máy móc; trang thiết bị hiện đại, tự động hoàn toàn.

xét nghiệm vi sinh trên máy cobas601

Kỹ thuật viên của khoa Vi sinh đang thực hiện xét nghiệm định danh và kháng sinh đồ trên hệ thống máy tự động Vitek2 Compact và máy Cobas E601 

6. Xét nghiệm máu ở đâu tốt và an toàn

Để trả lời cho câu hỏi “xét nghiệm máu ở đâu?”, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một số địa điểm xét nghiệm máu với chất lượng hàng đầu của Viện Huyết học – Truyền máu TW:

  • Trụ sở chính của Viện: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Đây là địa điểm giao thông hết sức thuận tiện, chỉ cách Bến xe Mỹ Đình khoảng trên 1 km. Nếu bạn ở các tỉnh, thành phố khác, bạn hãy đến bến xe Mỹ Đình. Từ đây, bạn chỉ mất khoảng 5 phút di chuyển bằng taxi hoặc xe ôm, xe buýt là có thể tới Viện.

  • Ngoài ra, Viện còn có 4 điểm hiến máu cố định và xét nghiệm ngoại Viện ở 4 quận nội thành Hà Nội:
    • Số 26, Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm;
    • Số 132, Quan Nhân, quận Thanh Xuân;
    • Số 10, ngõ 122, đường Láng, quận Đống Đa;
    • Số 78 Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình

Quy trình lấy máu xét nghiệm, thanh toán tại các điểm hiến máu ngoại Viện rất đơn giản, nhanh chóng. Bạn không phải mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi khi làm thủ tục khám, xét nghiệm nên sẽ hạn chế đáng kể việc tập trung đông người. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, bạn sẽ được hẹn thời gian cụ thể để nhận kết quả xét nghiệm. Thậm chí nếu bạn không có thời gian, bác sĩ có thể trả kết quả online cho bạn nữa.

Nếu khi nào bạn băn khoăn nên xét nghiệm máu ở đâu? Hãy nhớ đến các điểm hiến máu và xét nghiệm cố định của Viện Huyết học – Truyền máu TW nhé.

7. Chi phí xét nghiệm máu

Chi phí xét nghiệm máu tại Viện cũng như tại các điểm hiến máu cố định và xét nghiệm khá hợp lý. Các bạn có thể tìm hiểu chi phí của hầu hết các xét nghiệm máu cơ bản như: đánh giá chức năng gan, thận; xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc truyền máu (HBV, HIV, HCV, giang mai…); xét nghiệm về rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, đường máu, axit uric…); tầm soát ung thư

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan